24/11/2011 - 08:47

KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Chất vấn thành viên chính phủ các nhóm vấn đề bức xúc cử tri cả nước quan tâm

(TTXVN)- Sáng 23-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu làm việc tại Hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường. Trả lời các đại biểu Quốc hội về giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông (UTGT) tại các thành phố lớn, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận TNGT, UTGT đang là một vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Trung bình mỗi năm, TNGT gây thiệt mạng khoảng 12 nghìn người. Tình trạng UTGT xảy ra nhiều, đặc biệt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhằm giải thiểu TNGT, UTGT, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, bao gồm cả các giải pháp trước mắt và lâu dài. Giải pháp mấu chốt là nâng cao chất lượng, hoàn chỉnh và đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Trước mắt, ngành sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông Bắc-Nam, nâng cấp quốc lộ 1A, tiếp tục đầu tư đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường vành đai biên giới, giao thông nông thôn, nghiên cứu đầu tư đường sắt khổ lớn, đường sắt tốc độ cao. Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu để khi có đủ điều kiện có thể xây dựng đường sắt cao tốc; tập trung đầu tư nâng cấp các cảng hàng không Nội Bài, Long Thành...; đầu tư xây dựng cảng biển đầu mối Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải, chuẩn bị các điều kiện cho việc xã hội hóa cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, trong các nhóm giải pháp nhằm giảm TNGT, UTGT, đột phá là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trước hết là tăng cường tính nghiêm minh, cương quyết của người thực thi công vụ kết hợp với tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho nhân dân. Bộ trưởng cho rằng, cần xây dựng ý thức trách nhiệm cho các cấp, ngành, địa phương, coi nhiệm vụ giảm TNGT, UTGT cũng là một nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương. Trước mắt, cần triển khai ngay nhóm giải pháp đổi giờ làm việc, phân làn, phân luồng, giải phóng lòng đường, vỉa hè, xây dựng cầu vượt đường bộ nhẹ, tăng cường chế tài xử lý vi phạm, thực hiện thu phí, lệ phí phương tiện cá nhân. Phấn đấu giảm tai nạn giao thông 5% - 10% /năm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận vẫn đang tồn tại vấn đề chất lượng công trình giao thông kém, tiến độ xây dựng chậm chạp. Năm 2011 là năm chất lượng công trình của Bộ GTVT. Để giải quyết vấn đề này, ngành tập trung thúc đẩy tiến độ dự án, lựa chọn đơn vị tư vấn, giám sát tốt, nhà thầu đảm bảo năng lực thi công và tài chính. Hoạt động xây dựng công trình giao thông cần được tiến hành công khai, minh bạch với sự giám sát chặt chẽ của các cấp, ngành.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề vốn đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, Bộ trưởng cho biết ngành giao thông vận tải đã xây dựng đề án đột phá chiến lược để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong 10 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông là trên 70 tỉ USD. Để thực hiện được chiến lược này, không thể chỉ trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước.

Giải pháp đột phá về huy động nguồn lực được Bộ trưởng đưa ra là lấy hạ tầng nuôi hạ tầng, tức phí và lệ phí sử dụng hạ tầng giao thông hiện nay phải được tính chuyển đổi thành giá và phải thực hiện theo giá thị trường, có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư cũng như có tiền để đầu tư tiếp các công trình.

Có tới 34 câu hỏi trực tiếp từ các đại biểu Quốc hội dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 23-11 cho thấy tầm quan trọng cũng như sự quan tâm của cử tri cả nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề: chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha.

Trước vấn đề làm sao giải quyết việc sản xuất manh mún cũng như bảo hộ hàng nông sản trong nước trước thực trạng nhập khẩu tràn lan như hiện nay Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ Nông nghiệp và các Bộ, ngành liên quan cũng đã đưa ra những giải pháp phù hợp với cam kết và thông lệ của các tổ chức quốc tế. Các nước xuất khẩu vào Việt Nam phải thông báo trước năng lực, đặc tính nông sản, trước mắt kiểm soát trên cơ sở xác nhận đó. Theo Bộ trưởng, việc hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Ngoài việc ban hành các văn bản pháp luật, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng những tiêu chuẩn kỹ thuật, có kế hoạch điều chỉnh tới gần 1.000 tiêu chuẩn, nhưng vẫn chưa đủ vì các mặt hàng ta có rất nhiều. Bộ sẽ nghiên cứu thêm tiêu chuẩn của quốc tế vì chúng ta đã hội nhập sâu với thế giới.

Trả lời về vấn đề bảo vệ đất lúa, Bộ trưởng Phát cho biết: Đây là vấn đề lớn, đất lúa giảm có nhiều yếu tố, cả tự nhiên và con người. Cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hạn chế mức tối thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn chế lấy đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp.

Việc phát triển khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, quy hoạch vùng sản xuất lớn và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp cũng được các đại biểu lưu tâm. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành chính sách ưu tiên cho các thành phần đầu tư vào đây nên đề nghị các địa phương tạo điều kiện tối đa. Trong liên kết 4 nhà thì doanh nghiệp phải là đầu tàu.

Xung quanh nội dung chất vấn liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Rừng chỉ phát triển bền vững khi nó mang lại lợi ích chính cho người làm nghề rừng. Do vậy, giải pháp cơ bản nhất là đẩy mạnh giao đất giao rừng cho nông dân.

Cũng trong phiên trả lời chất vấn này, các Bộ trưởng: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung thêm một số nội dung liên qua tới tổng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; một số giải pháp bảo vệ đất lúa, ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; các dự án cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng...

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Bộ trưởng Cao Đức Phát và 4 Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn nghiêm túc và thấy được những vấn đề tồn tại cũng như đưa ra được nhiều giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện nền nông nghiệp nước nhà.

Hôm nay, 24-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời chất vấn.


Chia sẻ bài viết