31/05/2019 - 17:49

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6

Chăm lo thiếu nhi phát triển toàn diện 

Chăm lo, giáo dục thiếu nhi phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành TP Cần Thơ nhằm xây dựng thế hệ trẻ kế thừa “vừa hồng, vừa chuyên”. Với tấm lòng vì đàn em thân yêu, những năm qua, công tác giáo dục, chăm lo thiếu nhi trên địa bàn thành phố ngày càng được đổi mới, đa dạng. Bên cạnh các hoạt động chăm lo thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, các cấp, các ngành, đoàn thể thành phố đã có nhiều giải pháp tăng cường giáo dục kỹ năng, tạo thêm sân chơi lành mạnh, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Đồng chí Trần Việt Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ trao học bổng cho thiếu nhi vượt khó học tốt.

► Chung sức vì đàn em thân yêu

Trung tuần tháng 5, Liên đội Trường THCS Trung Nhứt, quận Thốt Nốt tổ chức Ngày hội đọc sách - Ngày hội Báo Đội và diễn đàn “Giao lưu ứng xử văn hóa trong học đường”, thu hút hàng trăm học sinh tham gia. Ngày hội gồm nhiều hoạt động hấp dẫn: trưng bày sách, báo; quyên góp sách, báo cũ; thi vẽ tranh về biển, đảo. Đặc biệt, diễn đàn “Giao lưu ứng xử văn hóa trong học đường” là cơ hội để cán bộ Đoàn - Đội, thầy cô lắng nghe những chia sẻ của thiếu nhi về việc ứng xử văn hóa trong học đường, từ đó giúp các em có môi trường sống lành mạnh và an toàn. Cô Đỗ Thị Nguyệt Trúc, cán bộ Thư viện trường chia sẻ, hiện trường có 14.649 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực, từ văn học - nghệ thuật, tâm lý học, hạt giống tâm hồn, đến các sách về khoa học tự nhiên. Theo cô Trúc, để nâng cao văn hóa đọc cho thiếu nhi, vào dịp lễ, kỷ niệm, trường thường tổ chức ngày hội đọc sách với nhiều hình thức phong phú, tạo sự hứng thú cho các em. Nổi bật là triển lãm sách, báo, thi tuyên truyền giới thiệu sách, viết cảm nhận về một quyển sách yêu thích; tọa đàm về văn hóa đọc. Bên cạnh đó, ở các góc đọc sách trong thư viện, các đầu sách được thay đổi hằng tuần nhằm tạo sự mới mẻ, khuyến khích học sinh đọc sách tại thư viện. Dịp hè, thư viện mở cửa 3 ngày (thứ 2, thứ 4 và thứ 6) để phục vụ độc giả nhí.

Cô Nguyễn Thị Thọ, Tổng phụ trách Đội trường THCS Trung Nhứt, cho biết: “Trường hiện có hơn 960 học sinh, hằng năm, Liên đội tổ chức nhiều hoạt động đa dạng giúp các em có điều kiện học tập tốt. Điển hình là thành lập các câu lạc bộ (CLB): Kỹ năng sống, Cờ vua, Võ thuật, Tiếng Anh. Giáo viên, học sinh trường còn có sáng kiến quyên góp sách cho học sinh nghèo; thi đua thực hiện các mô hình sáng tạo trong học tập”. Em Lê Thị Bích Trâm, học sinh lớp 9A1, từng đạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi cấp quận. Bên cạnh tự học thêm ở nhà, Trâm chia sẻ nhờ tham gia sinh hoạt CLB Tiếng Anh hằng tháng nên kỹ năng nghe - nói tốt hơn, tự tin hơn trong giao tiếp... Hay như mô hình quyên góp tập bản đồ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm vận động được gần 100 quyển hỗ trợ học sinh.

Liên đội Trường THCS Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cho học sinh.

Theo Hội đồng Đội quận Thốt Nốt, các Liên đội duy trì những mô hình học tập hiệu quả: đôi bạn cùng tiến, tiết học tốt, nhận đỡ đầu các em học sinh học yếu, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa. Cụ thể, đã xây dựng 31 góc học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các trường, trị giá 37 triệu đồng. Hằng năm, tổ chức lớp trải nghiệm “Em học làm chiến sĩ hải quân”, tại Lữ đoàn 962 (tỉnh An Giang) cho khoảng 100 học sinh tham gia. Các CLB trẻ em trên địa bàn thành phố định kỳ tổ chức sinh hoạt hằng tháng tại các phường, vận động trao khoảng 100 phần quà cho trẻ em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; bàn giao 2 ngôi nhà “Khăn quàng đỏ” cho đội viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Nhà Thiếu nhi quận tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng, phát triển năng khiếu cho trẻ, như: Liên hoan “Em yêu làn điệu dân ca”, cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”. Các Liên đội thường xuyên tổ chức Ngày hội Thiếu nhi khỏe, Tiến bước lên Đoàn, phát động đội viên tham gia viết thư gửi chú bộ đội ngoài đảo xa.

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, trong tháng 6, các cấp, các ngành triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho thiếu nhi. Tại cuộc họp triển khai Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2019, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ cho biết, trong tháng 6, Sở đã vận động trao 50 chiếc xe đạp, 20 suất học bổng cho trẻ em nghèo; đồng thời vận động 60 chiếc xe đạp tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở 2 huyện: Cờ Đỏ và Thới Lai. Các cấp bộ Đoàn - Hội có nhiều cách làm sáng tạo chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi, như: nhận đỡ đầu học sinh nghèo, chương trình huấn luyện “Học kỳ quân đội”, “Một ngày làm nông dân”, các hội thi, hội diễn. Các xã, phường, thị trấn còn duy trì ít nhất 1 điểm vui chơi, sân chơi cho thiếu nhi tại địa bàn dân cư, thực hiện mô hình “Vì trường đẹp cho em” tại 30 trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố...

► Rộn ràng sân chơi hè

Theo Ban Giám đốc Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều, nhằm tạo sân chơi cho thiếu nhi trong dịp hè, Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận phối hợp với Quận đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận tổ chức nhiều sân chơi cho thiếu nhi. Nhiều hoạt động hè diễn ra từ cuối tháng 5 đến tháng 8-2019: trại hè, liên hoan đàn Organ, liên hoan võ thuật Taekwondo, cuộc thi hùng biện tiếng Anh với chủ đề: “Đường đến Ninh Kiều - Cần Thơ”, thi vẽ tranh “Ninh Kiều em yêu”. Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận còn tổ chức nhiều lớp học văn hóa, năng khiếu: tiếng Anh, tin học thiếu nhi, rèn chữ viết, luyện chữ thư pháp, toán - tiếng Việt thực hành, vẽ màu nước, ca, múa, người dẫn chương trình, khiêu vũ thể thao, taekwondo, vovinam, thể dục nhịp điệu, cờ vua, bóng bàn, bóng đá, bóng rổ...

Những ngày đầu hè, từ sáng sớm, hơn chục thiếu nhi đã tập trung tại khuôn viên Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận say mê tập luyện bóng rổ. Áo ướt đẫm mồ hôi nhưng Đỗ Trần Khánh Ngọc, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Du, cười tươi nói: “Em học bóng rổ hơn 2 tuần. Em chọn môn bóng rổ để học vì muốn cơ thể khỏe và cao lớn hơn”. Ngoài bóng rổ, dịp hè hằng năm, Khánh Ngọc cũng tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận, như: thi vẽ tranh, ngày hội trò chơi dân gian, thi múa-hát…

Các đội hình sinh viên tình nguyện với gần 5.000 “chiến sĩ” sẽ về các địa phương của vùng ĐBSCL triển khai nhiều hoạt động hè; trong đó, chăm lo, hỗ trợ và tạo sân chơi cho thiếu nhi là hoạt động trọng tâm. Theo Liên Chi hội trưởng Liên Chi hội sinh viên Cần Thơ Phạm Hữu Duy, sinh viên ngành Bảo vệ thực vật (Trường Đại học Cần Thơ), Liên Chi hội tổ chức sân chơi di động, thiết kế, xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em ngoại thành, đồng thời tiếp tục triển khai chương trình “Thứ Sáu yêu thương”. Theo đó, mỗi tuần, sinh viên tình nguyện dạy học, tổ chức vui chơi cho khoảng 40 thiếu nhi là con cháu người dân tộc Khmer ở quận Ô Môn; đồng thời, tổ chức dạy bơi, dân vũ, sinh hoạt đội - nhóm. Từ tháng 6, các Quận, Huyện đoàn cũng tiếp nhận học sinh tiểu học và THCS về sinh hoạt hè tại địa bàn nơi cư trú. Trong 2 tháng nghỉ hè, các em được cơ sở Đoàn tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tổ chức về nguồn kết hợp dã ngoại, tập huấn kỹ năng sống, cùng nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao.

Những hoạt động ý nghĩa cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội nhằm chăm lo, hỗ trợ giúp thiếu nhi phát triển toàn diện, trở thành những công dân tốt của đất nước.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết