11/06/2020 - 09:00

"Cây sáng kiến" của Sư đoàn 330 

Nhiều năm qua, không chỉ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, Đại úy Tống Ngọc Ngoan, Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) còn thể hiện niềm đam mê sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Tại Hội thi “Sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, trang thiết bị huấn luyện" do sư đoàn tổ chức năm 2020, sáng kiến “Thiết bị thả mục tiêu bóng neo điều khiển từ xa” và cải tiến “Khóa nhanh bộ phận ngắm sau súng máy phòng không 12,7mm” của Đại úy Tống Ngọc Ngoan đã được Sư đoàn 330 công nhận, ứng dụng vào công tác huấn luyện, diễn tập.

Theo Đại úy Tống Ngọc Ngoan, trong quá trình tham gia bắn đạn thật, diễn tập, nhận thấy việc chuẩn bị mục tiêu cho bài 3a súng máy phòng không (SMPK) 12,7mm bắn mục tiêu bóng neo cố định, thường phải sử dụng một tổ gồm 3-4 người để thả bóng. Khi mục tiêu bị gió thổi dạt xuống thấp không đúng với điều kiện bài bắn, người chỉ huy phải ra lệnh cho tổ mục tiêu cơ động từ hầm ẩn nấp ra vị trí bóng để thu dây, thả bóng lại hoặc thay thế bóng khác. Việc này vừa tốn nhiều thời gian, lại có nguy cơ mất an toàn lại cao. Đặc biệt, trong các cuộc diễn tập bắn đạn thật, để đảm bảo mục tiêu bóng neo cho lực lượng pháo phòng không 37mm, 57mm thì phải sử dụng một tổ mục tiêu cơ động dọc theo đoạn hào từ dưới lên để thả bóng, sau đó trở về. Trong khi đó, khu vực đoạn hào này lại nằm trên đường đạn bay của pháo 105mm, nếu không hiệp đồng tốt, rất dễ xảy ra mất an toàn.

Đại úy Tống Ngọc Ngoan thực hành sáng kiến “Thiết bị thả mục tiêu bóng neo điều khiển từ xa”.

“Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, lên ý tưởng, trao đổi với đồng đội, tôi đã sáng chế ra “Thiết bị thả mục tiêu bóng neo điều khiển từ xa”. Ngoài bắn bài 3a (bắn mục tiêu bóng neo cố định), thiết bị này còn có thể phục vụ bài bắn 3b (bắn mục tiêu bóng thả), bài 4 SMPK 12,7mm (mục tiêu bay thấp), hoặc bắn diễn tập”, Đại úy Tống Ngọc Ngoan cho biết.

Cấu tạo của sáng kiến “Thiết bị thả mục tiêu bóng neo điều khiển từ xa”, gồm 3 phần chính: Tay điều khiển sử dụng nguồn pin 12 volt để điều khiển các tổ hợp thả bóng; bộ phận thu và xử lý tín hiệu, sử dụng nguồn pin 12 volt, các cụm công tắc, cục thu sóng (RX), xử lý dữ liệu (ESC), pin 2200mah, 3 servo; tổ hợp thu, thả bóng gồm: Động cơ 12 volt, dây điện, nhông truyền động, dây thả bóng… Ngoài ra, còn các phụ kiện đi kèm như sạc B3, bóng bay. Sau khi đã lắp ráp hoàn chỉnh, khi sử dụng chỉ cần mở công tắc thiết bị sẽ tự bắt sóng; khi bóng cố định, người điều khiển chỉ cần điều chỉnh tay điều khiển qua bên phải thì mục tiêu sẽ bay lên, hoặc bẻ sang trái thì trái bóng sẽ bay xuống. Chi phí cho bộ sản phẩm khoảng 3 triệu đồng.

Chia sẻ về cải tiến “Khóa nhanh bộ phận ngắm sau SMPK 12,7mm”, Đại úy Tống Ngọc Ngoan, cho biết: “Trong quá trình huấn luyện, bắn đạn thật, trực tiếp sử dụng máy ngắm k43, tôi nhận thấy còn một số hạn chế như: Khi nới ốc hãm bộ phận ngắm sau thì thân ngắm và bệ ngắm sau rời rạc khó thao tác. Còn khi khóa cố định ốc hãm tay trái cố định bộ phận ngắm sau, tay phải vặn cố định, nếu vặn không chặt thì quá trình bắn sẽ bị sai lệch; hoặc nếu vặn lệch phải thì phải thao tác lại từ đầu; trong điều kiện ban đêm thì rất khó quan sát và cố định ốc hãm. Từ những khúc mắc đó, tôi đã cải tiến ra “Khóa nhanh bộ phận ngắm SMPK 12,7mm” có ưu điểm là nhỏ gọn, dễ thao tác. Thiết bị này gồm các chi tiết như: Tay khóa, lò xo ép, ốc chứa lò xo với chi phí khoảng 80.000 đồng. Thao tác sản phẩm khá đơn giản, chỉ cần mở tay khóa, sau khi thống nhất chính xác điểm ngắm, đường ngắm thì bẻ gập tay khóa. Có thể sử dụng tay khóa để vặn chặn lại mà không cần phải sử dụng cờ lê. Sau khi lắp khóa nhanh, vẫn có thể trả về thiết kế ban đầu bằng cách thay ốc về vị trí cũ.

Năm 2019, Đại úy Tống Ngọc Ngoan còn có sáng kiến: “Thiết bị quan sát ban đêm cho các loại súng bộ binh” và “Giá hiệu chỉnh cho các loại súng bộ binh”, tất cả đều được Sư đoàn 330 ghi nhận, ứng dụng vào công tác huấn luyện.

Thiếu tá Trần Chí Tâm, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 330, khẳng định: “Những sáng kiến của Đại úy Tống Ngọc Ngoan tuy còn một vài hạn chế về hình dáng, kích thước, nhưng là ghi nhận cho sự nỗ lực, nêu cao tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị quyết tâm, khắc phục khó khăn; tiếp tục nghiên cứu, đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”.

Theo QUANG ĐỨC (Báo Quân đội Nhân dân)

Chia sẻ bài viết