08/08/2011 - 09:17

Cầu Kè - mùa "trái đắng"!

Nhiều nhà vườn ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, gọi mùa thu hoạch trái cây đặc sản ở địa phương mình năm nay là mùa “trái đắng”. Bởi từ trước đến nay, chưa bao giờ họ phải vất vả vật lộn với khó khăn về thời tiết, sâu bệnh tấn công... để rồi đến mùa thu hoạch năng suất, chất lượng và giá cả của các loại trái cây ngon như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng tuột giảm đến thê thảm.

Nằm ven dòng sông Hậu, đất đai được phù sa vun bồi màu mỡ nên từ bao đời nay, Cầu Kè luôn được xem là xứ vườn trù phú đứng hàng đầu của tỉnh. Những địa phương như: An Phú Tân, Ninh Thới, Hòa Tân, Tam Ngãi là những xứ vườn nổi tiếng của huyện với các loại cây trái ngon đặc sản chôm chôm, nhãn da bò, măng cụt, sầu riêng, cam sành, với tổng diện tích hơn 7.700 ha, cho sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 100.000 tấn. Đặc biệt, cây măng cụt trên vùng đất An Phú Tân, Ninh Thới, có diện tích hơn 200 ha, là trái ngon đặc sản nổi tiếng khắp cả nước và đã giúp cho hàng trăm hộ có mức thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng mỗi năm. Thế nhưng, ở ngay đầu vụ tập trung chăm sóc cho cây trái năm nay (tháng 4 và 5 dương lịch), nhà vườn ở Cầu Kè phải vất vả chống đỡ với nước mặn xâm nhập sâu đến tận diện tích vườn. Thời tiết mùa khô nắng gay gắt, cây ăn trái cần lượng nước ngọt nhiều để tưới nhưng nhà vườn vẫn phải buộc lòng bỏ công, bỏ tiền để đắp bờ bao cục bộ ngăn mặn cứu cây. Anh Đỗ Văn Tài, Chủ nhiệm HTX măng cụt Tân Thành, xã An Phú Tân, than thở: “ Để ngăn mặn, nhà vườn trong huyện phải tốn kém thêm tiền lên bờ bao cục bộ cả triệu đồng/ công. Đó chưa kể chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nuôi dưỡng cây cũng hơn mọi năm. Ấy vậy mà năng suất, chất lượng một số cây như chôm chôm, măng cụt vẫn bị giảm hơn 30%”.

Trồng cây cho trái chất lượng nhưng gặp cảnh
rớt giá.

Vượt qua được nạn nước mặn, nhà vườn Cầu Kè chưa kịp thở phào thì diện tích vườn nhãn, chủ yếu là nhãn da bò bị bệnh chổi rồng, bệnh chết nhánh. Ước tính đến thời điểm cuối tháng 7-2011, toàn bộ diện tích hơn 1.500 ha nhãn của huyện đã có hơn 50% diện tích bị bệnh chổi rồng không cho trái. Số tiền mà nhà vườn trồng nhãn bị thiệt hại do bệnh chổi rồng ước tính lên đến hàng trăm tỉ đồng. Ông Thạch Cộng, ở xã Hòa Tân, thở dài bộc bạch: “Gia đình tôi có 7 công nhãn. Đến giờ thì hơn 60% diện tích phải cưa nhánh bỏ vì bệnh chổi rồng. Vụ nhãn năm nay xem như mất trắng hơn 40 triệu...”. Theo anh Trần Văn Lực, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Tân, hiện toàn xã có hơn 280 ha nhãn cho trái. Đến thời điểm này, số diện tích bị bệnh chổi rồng thiệt hại từ 50 % trở lên chiếm đến 130 ha. Bình quân, một ha nhãn cho thu hoạch từ 10 - 12 tấn/ vụ. Nếu chỉ tính với giá 8.000 đồng/kg như hiện nay, nhà vườn ở Hòa Tân đã mất hơn chục tỉ đồng.

Mất một nguồn thu lớn do thời tiết, bệnh trên cây ăn trái, nhà vườn Cầu Kè chỉ còn biết trông chờ vào những trái cây đặc sản của mình có giá cao để bù đắp lại phần nào. Nhưng sự trông đợi đã không như mong muốn của nhà vườn. Đồng loạt các loại trái cây đặc sản của huyện Cầu Kè giá cả đều “đổ dốc”. Thêm một lần nữa nhà vườn nếm “vị đắng” của sản phẩm mình làm ra. Anh Đỗ Văn Tài, Chủ nhiệm HTX măng cụt Tân Thành, xã An Phú Tân, cho biết: “ Chưa bao giờ giá măng cụt tuột thấp đến mức khó thể ngờ như năm nay. Ngay đầu vụ thu hoạch, măng cụt có giá 50.000 đồng/kg, nhưng chỉ kéo dài chưa được 10 ngày giá giảm xuống chỉ còn 16.000 đồng/kg. Còn tính đến thời điểm hiện nay, măng cụt chỉ còn 10.000 đồng/kg”. Không chỉ có măng cụt, giá chôm chôm cũng tuột giảm từ 12.000 đồng/kg, nay cũng chỉ còn 6.000đồng/kg. Còn đối với cây cam sành đã được nhà vườn Cầu Kè mở rộng diện tích mấy năm nay, với tổng diện tích trên 2.000 ha, cũng không tránh khỏi cơn “đổ dốc” giá cả. Anh Nguyễn Văn Ba, ấp Ngãi Nhì, xã Tam Ngãi, cho biết: “Mấy năm nay, nhà vườn chúng tôi mừng khấp khởi vì trồng cây cam sành tránh được bệnh vàng lá Greening, giá cả luôn ổn định ở mức từ 30.000 - 36.000 đồng/ kg. Vậy mà giá cam sành hiện nay bán tại vườn chỉ có 16.000 đồng/kg. Người trồng cam sành chúng tôi ước tính mất tiền tỉ”.

Đến bao giờ nhà vườn ĐBSCL nói chung, Trà Vinh nói riêng mới thoát cảnh làm ra sản phẩm mà không được định giá bán. Trong khi đó giá phân bón, nông dược, lãi suất ngân hàng... luôn đứng ở mức cao lại do thương lái, doanh nghiệp quyết định, nông dân luôn thua thiệt. GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học có nhiều năm gắn bó với hạt gạo, trái cây ĐBSCL, đề xuất: “Để nông dân không “tự bơi” trong cơ chế thị trường, Chính phủ cần sớm có chính sách “Nông nghiệp thời WTO”. Nông dân phải tham gia vào cụm liên kết và được đào tạo kỹ năng sản xuất theo các quy trình cần thiết, được đầu tư để có đủ năng lực sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của thị trường, bán được hàng hóa có giá trị kinh tế cao”.

Được mùa mất giá, câu chuyện cũ nhưng có giá trị mới, đang đặt ra cho nhà nước, nhà khoa học, nhà nông câu hỏi bức bách là nông sản Việt Nam bao giờ mới hết bấp bênh?

Bài, ảnh: PHÚC SƠN

Chia sẻ bài viết