29/10/2011 - 08:38

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII:

Cắt giảm đầu tư công là biện pháp bắt buộc để kiềm chế lạm phát

Sáng 28-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến vào Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015. Nhiều vấn đề nóng về nợ công, đầu tư công, lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội... đã được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự.

* Không nên quá lo lắng về nợ công

Trước những quan ngại của nhiều đại biểu về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Tính đến 31-12-2010, tỷ lệ nợ Chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài là 42,2%, nợ công là 57,3%. Trong kế hoạch trình Quốc hội, ước đến 31-12-2011 nợ công là 54,6%, đến 31-12-2012 là 58,4%. Chỉ số này được tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được mức 6,5%, tỷ lệ nợ công sẽ thấp hơn đáng kể.

Về cơ cấu nợ công, trong tổng nợ công của Việt Nam, nợ ODA chiếm 75%, vay ưu đãi khác 19%, vay thương mại chỉ 7%. Vay ODA có thời gian rất dài và lãi suất ưu đãi. Khi so với các nước cần chú ý cơ cấu này, nhất là đối với những nước đang phát triển và các nước đã thoát khỏi ngưỡng nghèo, tỷ trọng nợ công phần vay thương mại chiếm rất nhiều. Về phương pháp tính cũng có khác nhau, các nước phát triển tính tỷ lệ theo giá trị đồng tiền, Việt Nam tính theo phương pháp giá trị danh nghĩa. Nếu quy theo giá trị đồng tiền, tỷ lệ nợ công của Việt Nam còn thấp hơn. Tuy vậy, Chính phủ cũng tính toán cơ cấu này đã và sẽ có thay đổi khi mà khoản ODA và ưu đãi đang trả dần, khoản vay thương mại đang có xu hướng tăng lên vì nước ta đã được đưa vào danh sách là nước có thu nhập trung bình. Chính phủ đã tính toán để có chiến lược quản lý nợ công thích hợp hơn cho từng giai đoạn. Nợ nước ngoài đang có xu hướng giảm và nợ trong nước tăng, đây là xu hướng tốt để nước ta giảm được sự phụ thuộc vào nước ngoài, chủ động hơn trong việc vay nợ.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Tài chính đã xây dựng xong chiến lược quản lý và phát triển nợ công đến năm 2020, đang trình Chính phủ để trình các cơ quan có liên quan xem xét, thông qua. Bộ đang chủ động xây dựng các kế hoạch trung hạn và các đề án cụ thể để thực hiện chiến lược này khi được phê duyệt. Chính phủ cũng chỉ đạo hoàn thiện cơ chế công khai minh bạch, tăng cường công tác quản lý nợ. Hiện tình hình nợ công được cập nhật 3 - 6 tháng/lần trên các bản tin quản lý nợ. Chính phủ đã cho Bộ Tài chính thành lập Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, giúp cho việc quản lý tập trung thống nhất vấn đề về nợ công. Chính phủ cũng đã chỉ đạo và đồng ý cho Bộ chủ trì xây dựng đề án xếp hạng tín nhiệm quốc gia để nâng mức xếp hạng tín nhiệm đảm bảo cho việc vay nợ của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong thời gian tới một cách tổng thể nhất.

* Cắt giảm đầu tư công là biện pháp bắt buộc để kiềm chế lạm phát

Nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên quan thực hiện Nghị quyết 11-NQ/CP về cắt giảm đầu tư công. Làm rõ thêm để có nhận thức và đánh giá thống nhất, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Nghị quyết 11 không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí của năm 2011 của các bộ, ngành, địa phương về Trung ương. Thực tế, đến thời điểm này, Chính phủ chưa thu hồi, chưa cắt một đồng vốn nào. Việc cắt giảm ở chỗ không được kéo dài việc thực hiện các khoản vốn đầu tư mà đã cấp cho năm 2010 (giảm khoảng 5.000 tỉ đồng); không cho ứng trước ngân sách của năm 2012, kể cả trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước (10.000 - 12.000 tỉ đồng); không cho phép khởi công mới các công trình. Đến hết tháng 9, đã cắt giảm và điều chuyển 81.500 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho biết: Cắt giảm đầu tư công khác với cắt giảm chi thường xuyên. Nghị quyết 11 yêu cầu cắt giảm chi tiêu thường xuyên 10%, Bộ Tài chính đã cắt ngay trên phần chi cho các địa phương, bộ, ngành, tổng số khoảng 3.800 tỉ đồng. Việc cắt giảm đầu tư công là rất khó khăn, phức tạp nhưng đây là biện pháp bắt buộc để kiềm chế lạm phát.

Tổng kết phiên thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế- xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Qua 1,5 ngày làm việc, 101 đại biểu đăng ký phát biểu và đã có 68 đại biểu trực tiếp phát biểu tại Hội trường. Đa số các đại biểu thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế -xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về Báo cáo của Chính phủ.

Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội là cơ sở quan trọng để Quốc hội xây dựng ban hành Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 và 5 năm tới.

Mặc dù kế hoạch thu ngân sách năm 2012 được xây dựng tiếp tục tăng so với năm trước, nhưng cũng tỷ lệ thuận với số chi dự kiến. Ngoài việc cơ cấu thu chưa vững chắc, việc đảm bảo cân đối trong phân bổ ngân sách là vấn đề được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến tại phiên họp chiều 28-10 của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.

Tham gia thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012, đa số ý kiến thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao những nỗ lực trong điều hành nền kinh tế năm 2011 trước bối cảnh chịu nhiều tác động từ khó khăn chung của kinh tế thế giới. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, triển khai đồng bộ của các cấp, ngành và địa phương, công tác thực hiện dự toán ngân sách nhà nước có nhiều cải tiến, thu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Nhiều đại biểu đề nghị trong năm 2012, Chính phủ cần rà soát lại các nguồn thu, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra tăng cường chống chuyển giá, chống thất thu trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tránh tăng thu từ tiền sử dụng đất và thu từ khoáng sản thô.

Về thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, nhưng tổng số chi vẫn vượt dự toán 9,7%. Mức tăng trên tương đối lớn, thể hiện việc thực hiện chính sách tài khóa trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật sự hiệu quả, thực hiện nguyên tắc tài chính chưa nghiêm.

Liên quan tới công tác phân bổ ngân sách , đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) đề nghị, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2012 tăng chi cho các lĩnh vực nhằm bảo đảm an sinh xã hội là đúng hướng, nhưng cần có kế hoạch cụ thể, trong đó chú trọng chi cho các đề án giảm nghèo và đề án đào tạo nghề cho người dân nhằm giảm nghèo bền vững. Đại biểu Mã Điều Cư (Quảng Ngãi) và đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, cần quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn ở ba vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và 62 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, bố trí đầu tư phát triển ưu tiên các dự án, công trình hoàn thành năm 2012, các dự án giao thông, thủy lợi cấp bách, đầu tư cho các vùng kinh tế động lực có khả năng tạo nguồn thu ngân sách lớn.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các đại biểu đề nghị tập trung chi phân bổ ngân sách năm 2012 cho các dự án trọng điểm, an sinh xã hội. Ngoài ra, Chính phủ cần điều hành tích cực hơn để cân đối thu chi, giảm dần nợ công. Việc phân bổ ngân sách cũng cần bảo đảm cân đối cụ thể theo vùng - miền, trong đó chú ý tăng chi cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

NHÓM PV TTXVN

Quyết tâm thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: Cho đến nay, tổng số cán bộ công chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện là khoảng 270 nghìn cán bộ, công chức, tăng khoảng 13,7% so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa 12. Toàn quốc có khoảng 233 nghìn cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn. Khoảng 200 nghìn cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn và khoảng 350 nghìn cán bộ không chuyên trách cấp ấp, thôn. Tuy nhiên, nhiều địa phương căn cứ tình hình thực tế bổ sung thêm khoảng 150 nghìn cán bộ, vì thế hiện nay, tổng số cán bộ không chuyên trách triển khai theo quy định Nghị định 92 và sự vận dụng thêm của các địa phương là khoảng 700 nghìn người. Bộ máy cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn đã cơ bản ổn định, có sự chuẩn hóa cán bộ, góp phần nâng cao sức chiến đấu của cơ sở Đảng và năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, hiện nay, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Nội vụ tăng một số chức danh cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách của xã, phường, thị trấn và của thôn, ấp; nâng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách hoặc đề nghị Trung ương giao cho địa phương quyết định chế độ phụ cấp. Bộ Nội vụ sẽ căn cứ đề nghị của địa phương và ý kiến đại biểu Quốc hội để tổng hợp nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Cũng theo Bộ trưởng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành xây dựng đề án cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công. Bộ Nội vụ quyết tâm cùng các ngành chức năng thực hiện đúng lộ trình thực hiện đề án này, vì đây là vấn đề có tính cấp bách, bức xúc, nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành. Từ năm 2012-2014, sẽ cố gắng điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp, sau đó mới tính đến quan hệ lương tối thiểu-trung bình- tối đa và sau đó là tính đến thang lương, bậc lương, ngạch lương và chế độ phụ cấp.

Chia sẻ bài viết