NGỌC BÍCH (TTXVN)
ChatGPT là cụm từ được nhiều người nhắc đến trong những ngày qua. Ðây là một chatbot trí tuệ nhân tạo (TTNT) do Công ty Khởi nghiệp OpenAI (Hoa Kỳ) phát triển. Trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều chia sẻ của người dùng thử nghiệm ChatGPT để hội thoại, trao đổi, trả lời câu hỏi, viết báo, làm thơ, thậm chí cả tư vấn chuyện tình cảm. Khả năng trả lời tự động của Chat GPT mang đến nhiều kết quả thú vị nhưng chuyên gia công nghệ cảnh báo có những câu trả lời không chính xác. Do đó, người sử dụng cần cẩn trọng với những sản phẩm của công nghệ TTNT.
Một số ứng dụng có tên ChatGPT trên CH Play. Ảnh: Nhân Dân online
Cảnh giác với ChatGPT dạng đạo, nhái
Tò mò về ChatGPT, anh Nguyễn Hoài Bảo (sinh viên Ðại học FPT) đã lên App Store và Play Store để tìm ứng dụng (app) cài đặt vào điện thoại thì thấy có một vài ứng dụng có tên tương đối giống. Tuy nhiên, khi cài thử thì anh bị yêu cầu trả phí dù chưa trải nghiệm thử.
“Ăn theo” ChatGPT, hiện có hàng loạt ứng dụng xuất hiện trên kho ứng dụng. Một số ứng dụng cũng đạt được vài nghìn đến vài triệu lượt tải trong thời gian ngắn. Ðiểm giống nhau là các ứng dụng này đều có logo bắt chước theo biểu tượng của OpenAI. Tuy nhiên, mọi người dùng cần lưu ý, đến thời điểm hiện tại, chưa có ứng dụng ChatGPT chính thức trên kho ứng dụng.
Theo các chuyên gia công nghệ, ChatGPT là một hệ thống máy tính sử dụng công nghệ TTNT, có thể trả lời các câu hỏi theo nhiều loại ngôn ngữ khác nhau của con người. Thậm chí, từ những từ khóa đơn giản, ChatGPT có thể tạo ra văn bản giống như con người viết ra, do đó trong 2 tháng qua, từ khóa “ChatGPT” được tìm kiếm nhiều nhất trên Google.com. Hiện ChatGPT được cung cấp miễn phí và đơn giản qua trang web chat.openai.com. Do đây là trang web của nước ngoài nên người dùng muốn đăng ký tài khoản buộc phải có số điện thoại và IP (địa chỉ internet) tại một số quốc gia được chấp nhận. Hiện tại, số điện thoại của Việt Nam không thể đăng ký và kích hoạt tài khoản (account) dùng ChatGPT.
Từ thực tế này, trên mạng cũng xuất hiện các hiện tượng bán tài khoản ChatGPT với giá vài chục nghìn đồng. Chuyên gia công nghệ khuyến cáo, người dùng cần có kiến thức nền về công nghệ và nên tìm hiểu thêm thông tin về OpenAI. Hiện OpenAI chưa cung cấp ChatGPT dưới dạng ứng dụng (app) mà hoạt động miễn phí trên trình duyệt. Do đó, người dùng cần cân nhắc về mọi yêu cầu trả tiền, trả phí để sử dụng ứng dụng, tránh bị lừa đảo.
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT chia sẻ, có thể nói, ChatGPT là một sự "tiến hóa" từ công cụ tìm kiếm. Ðiểm mới là ChatGPT có thể trao đổi dưới hình thức ngôn ngữ giống như một người đang trao đổi với chúng ta. Ðiều đó có nghĩa là ChatGPT có khả năng là hiểu được câu hỏi đặt ra theo ngữ cảnh cũng như dạng câu hỏi có hàm ý. Sau khi xử lý thông tin, Chat GPT có được để tạo ra những câu trả lời rất mạch lạc, dễ hiểu và liên tục trong mạch trao đổi giữa hai bên.
Khi thử nghiệm ChatGPT, ông Nguyễn Thế Trung đã đặt câu hỏi “ChatGPT có thể phản biện những thông tin sai lệch hay không?”. Ông nhận được câu trả lời: ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ được huấn luyện trên lượng dữ liệu lớn, nhưng nó không có khả năng phản biện chính xác thông tin sai lệch. ChatGPT sẽ trả lời theo những dữ liệu và thông tin mà nó đã học được, nhưng có thể có trường hợp trả lời sai hoặc không chính xác. Vì vậy, tốt nhất, người dùng cần kiểm tra và xác nhận thông tin bằng các nguồn tin cậy trước khi sử dụng hoặc áp dụng thông tin được ChatGPT cung cấp.
Người dùng cần thận trọng
Hiện nay, những công nghệ hiện đại, đặc biệt là Học máy (Machine Learning) cùng với nền tảng Dữ liệu lớn (Big Data) đang giúp cho các sản phẩm công nghệ có ứng dụng TTNT (AI) sẽ ngày càng thông minh hơn. Do kết quả trả lời phụ thuộc vào nguồn thông tin có sẵn trong hệ thống, nên càng sử dụng nhiều, độ chính xác thông tin trả lời của ChatGPT cũng sẽ tốt hơn. Ngay cả Sam Altman - nhà sáng lập ChatGPT cũng mong muốn người sử dụng nên cẩn trọng với công nghệ TTNT.
Tác giả Sam Altman cũng chia sẻ về việc cập nhật ChatGPT để những phiên bản sau, khi thu phí chính thức sẽ ngày càng có nhiều người sử dụng làm ChatGPT tốt hơn. Bởi vì, TTNT có thể tự học, càng ngày càng tốt hơn. Ðiều đó cũng khiến cho người sử dụng cần luôn thận trọng với các sản phẩm ứng dụng công nghệ, nhất là khi nó ngày càng thông minh hơn. Sam Altman cũng cho biết, lúc đầu sử dụng bạn thấy ChatGPT rất tuyệt vời. Nhưng sau 10 lần, rồi 100 lần sử dụng, có lúc ChatGPT cũng sẽ đưa ra kết quả sai. Cần hiểu là, nếu ChatGPT được nạp dữ liệu đầu vào không đúng, thì kết quả sẽ đưa ra sai - y như những thông tin giả mạo vẫn xuất hiện trên không gian mạng.
Công ty Open AI của Sam Altman đã giới thiệu ChatGPT phiên bản thử nghiệm cách đây hơn 2 tháng. Không chỉ thu hút sự quan tâm của giới công nghệ, sau 5 ngày ra mắt ChatGPT đã đạt mốc kỷ lục khi có 1 triệu người sử dụng và nhanh chóng cán mốc 100 triệu người dùng. Thống kê của Tổ chức theo dõi thị trường Sensor Tower (Hoa Kỳ) cho thấy, để đạt mức 100 triệu người dùng, ứng dụng dịch thuật Google Dịch cần 6,5 năm; Instagram mất khoảng 2,5 năm; ứng dụng Tik Tok cần 9 tháng. Trong khi ChatbotGPT đang giữ mức kỷ lục là 2 tháng.
Ước tính, trung bình mỗi ngày có 13 triệu người sử dụng ChatGPT. Ngày 2-2 vừa qua, ChatGPT đã công bố bản thu phí, với mức 20 USD/tháng. Hiện tại, ChatGPT có thể sử dụng bằng địa chỉ IP và số điện thoại tại Mỹ, Canada, cùng một số nước châu Âu khác.
Tại Việt Nam, trên nhiều diễn đàn công nghệ có chia sẻ cách đăng ký tài khoản để sử dụng ChatGPT. Tuy nhiên, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro, trong đó nguy cơ người sử dụng có thể bị mất tiền nhưng vẫn không được trải nghiệm, hoặc bị dẫn đến những đường link lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân. Do vậy, người dùng cần thận trọng và thông minh khi lựa chọn sử dụng các nền tảng, sản phẩm công nghệ hiện đại.l