29/11/2018 - 21:12

Cần Thơ - điểm kết nối quảng bá du lịch vùng ĐBSCL 

Khoảng 3 năm nay, Cần Thơ có sự phát triển du lịch vượt bậc trên nhiều phương diện, đặc biệt là lượng khách đến, dịch vụ và hạ tầng cơ sở du lịch. Điều này cho phép Cần Thơ trở thành điểm trung chuyển thích hợp, đầu mối kết nối du lịch ĐBSCL với các tỉnh, thành trọng điểm du lịch trên cả nước.


Các doanh nghiệp hoạt động du lịch của Bạc Liêu và Cần Thơ ký kết biên bản ghi nhớ về sự hợp tác.

Năm 2018, Cần Thơ đón nhiều đoàn xúc tiến, quảng bá của các tỉnh thành ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, như: Hà Giang, Quảng Bình, Bình Thuận, Đắk Lắk… Từ đó đã có không ít biên bản ký kết ghi nhớ về sự hợp tác phát triển du lịch giữa các đơn vị với Cần Thơ. Trên cơ sở đó, Cần Thơ được kỳ vọng trở thành đầu mối kết nối cho vùng ĐBSCL, trung chuyển khách đến các tỉnh, thành trọng điểm du lịch trên cả nước.

Cụ thể, tháng 11 vừa qua, Bạc Liêu đã có đoàn công tác quảng bá xúc tiến tại Cần Thơ và đề ra nhiều định hướng hợp tác. Năm 2017, Bạc Liêu đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, khách lưu trú tại Bạc Liêu chỉ chiếm khoảng 1/3 lượt khách đến; sản phẩm du lịch chưa đa dạng và thiếu sức hút với du khách. Trước thực trạng này, Bạc Liêu đã có những quy hoạch định hướng về phát triển du lịch làm đa dạng hệ thống sản phẩm, dịch vụ. Ngành du lịch Bạc Liêu cũng xác định một trong những bước quan trọng để thúc đẩy du lịch của tỉnh là sự liên kết, kết nối, nhất là với Cần Thơ. Bà Cao Xuân Thu Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Chúng tôi đặt kỳ vọng sự kết nối trực tiếp với Cần Thơ, sẽ góp phần làm cho diện mạo du lịch Bạc Liêu thay đổi. Mục tiêu đặt ra qua sự liên kết này là sẽ có khoảng 50% khách đến Cần Thơ kết nối đến Bạc Liệu, dự kiến trong 2-3 năm tới, lượng khách đến Bạc Liêu sẽ tăng gấp 3 lần. Số lượt khách lưu trú cũng được kỳ vọng đạt từ 40-50% lượt khách đến”. (Năm 2017, Cần Thơ đón trên 7,5 triệu lượt khách- PV).

Bạc Liêu tin tưởng sự liên kết sẽ mang hiệu quả, bởi Cần Thơ không chỉ có phát triển nhanh về du lịch mà nơi đây còn có rất nhiều đơn vị lữ hành - đầu mối mang khách đến cho các địa phương. Bước đầu cho sự kết nối này, các đơn vị lữ hành đã thay đổi cách thức đưa khách về Bạc Liêu. Bà Hồ Thị Diệu Hiền - Phó Giám đốc Vietravel Cần Thơ, chia sẻ thông tin: “Vietravel vừa ký kết với Bạc Liêu và có hướng điều chỉnh sản phẩm tour. Trước đây, tour khám phá miền Tây Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau sẽ không có nghỉ đêm tại Bạc Liêu, nhưng giờ chúng tôi điều chỉnh có lưu trú tại Bạc Liêu”. Phía Vietravel thông tin lượng khách đến miền Tây mùa cao điểm (tháng 6,7,8) có khoảng 1.000 khách/tháng, trong đó tuyến Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau chiếm khoảng 60%, còn các tháng còn lại bình quân khoảng 500 khách/tháng. Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ nhìn nhận việc hợp tác giữa Bạc Liêu và Cần Thơ sẽ mang đến nhiều lợi ích trong việc trao đổi thông tin, tìm các giải pháp phù hợp để việc liên kết, kết nối tour tuyến phát huy hiệu quả, từng bước góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch của hai tỉnh, thành.


Cần Thơ quảng bá du lịch tại Phú Yên.

Cần Thơ đang có mức tăng trưởng bình quân về lượng khách lẫn doanh thu từ du lịch đều đạt khoảng 20%. Chính vì thế, địa phương trở thành điểm kết nối được nhiều tỉnh, thành lựa chọn để quảng bá du lịch. Mới đây, Quảng Bình cũng đã chọn TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ là hai địa phương để thực hiện chương trình roadshow “Du lịch Quảng Bình, những trải nghiệm khác biệt”. Trong đó, Cần Thơ được kỳ vọng là điểm kết nối đến các tỉnh ĐBSCL với Quảng Bình. Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình kỳ vọng lần quảng bá này sẽ tạo diễn đàn để doanh nghiệp du lịch Quảng Bình xúc tiến, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp du lịch tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch đến Quảng Bình và khách các tỉnh Bắc Trung bộ đến các tỉnh Tây Nam bộ; đồng thời đề xuất kế hoạch mở đường bay Đồng Hới – Cần Thơ. Quảng Bình đặt nhiều kỳ vọng ĐBSCL là thị trường khách du lịch tiềm năng của du lịch Quảng Bình cũng như các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ. Trong đó loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, khám phá trải nghiệm hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng là những sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của người dân miền Tây. Đặc biệt, Cần Thơ là địa phương đang phát triển du lịch nhanh khi thu hút khoảng 7,5 triệu lượt khách (năm 2017), sẽ là điểm trung chuyển khách tuyệt vời nếu như kết nối được đường bay từ Đồng Hới - Cần Thơ.

Chương trình Quảng bá xúc tiến du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn năm 2018-2020, định hướng đến năm 2030, đã được UBND thành phố phê duyệt vào cuối năm 2017, đang được triển khai. Mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch Cần Thơ, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Cần Thơ tại các thị trường du lịch trọng điểm trong nước và nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch thành phố, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đưa du lịch Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung xúc tiến quảng bá, khai thác thị trường mục tiêu trong nước là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung; Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông; thị trường quốc tế là các nước và vùng lãnh thổ : Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Chủ động tham gia đoàn công tác xúc tiến quảng bá, hội chợ triển lãm của thành phố và của Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch tổ chức, cũng như các sự kiện, lễ hội, hội chợ du lịch lớn trong nước và nước  ngoài để có cơ hội tiếp cận, mời gọi các đối tác, công ty lữ hành chuyên đưa khách quốc tế vào Việt Nam và thành phố Cần Thơ.

Cần Thơ đã và đang làm tốt vai trò quảng bá, liên kết, kết nối về du lịch, từng bước trở thành đầu mối liên kết cho vùng ĐBSCL về du lịch. Thực tế, về liên kết, quảng bá du lịch, Cần Thơ đã ký kết hợp tác với hơn 20 tỉnh, thành có tiềm năng, góp phần đưa du lịch Cần Thơ và ĐBSCL đến với nhiều du khách hơn.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết