15/10/2016 - 16:20

Cần Thơ - Cảnh quan châu Á

Hơn 10 năm từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ ra sức chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc đô thị sông nước vùng ĐBSCL. Mới đây, TP Cần Thơ đạt Giải "Ban giám khảo bình chọn" của cuộc thi Giải thưởng Cảnh quan châu Á 2016. Qua đó, tạo thêm động lực cho thành phố trong xây dựng cảnh quan, tạo lập môi trường sống cho người dân ngày càng tốt hơn…

* Đạt Giải thưởng Cảnh quan châu Á

Nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh của thành phố đến các nước trong khu vực và trên thế giới, TP Cần Thơ gửi hồ sơ tham dự Giải thưởng Cảnh quan châu Á 2016 vào tháng 7-2016. Giải thưởng Cảnh quan châu Á là cuộc thi thường niên, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010 dưới sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hiệp Quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị TP Fukuoka (Nhật Bản) công nhận. Với mục tiêu tạo lập môi trường sống đầy đủ và hạnh phúc cho người dân châu Á, cuộc thi cũng nhằm tôn vinh các thành phố, vùng, dự án… thể hiện vai trò tích cực như là hình mẫu trong việc tạo lập công trình cảnh quan. Cuộc thi có hai giải thưởng: Giải Cảnh quan châu Á và Giải Ban giám khảo bình chọn. Các tiêu chí đánh giá của giải thưởng xoay quanh 5 điểm chính: sự kết hợp hài hòa giữa môi trường địa phương và môi trường khu vực; an toàn, thuận tiện và bền vững; tôn trọng văn hóa và lịch sử của địa phương và khu vực; chất lượng thẩm mỹ cao; có nhiều đóng góp cho phát triển địa phương, khả năng trở thành điển hình cho các thành phố khác.

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, Ban tổ chức cuộc thi Giải thưởng Cảnh quan châu Á 2016 đã thông báo hồ sơ dự thi "Cần Thơ-Thành phố sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long" được đề cử và đạt Giải "Ban giám khảo bình chọn". Thành phố sẽ tham dự và nhận giải tại Lễ trao Giải thưởng Cảnh quan châu Á 2016 diễn ra vào ngày 29 và 30-10-2016 tại thành phố Yinchuan (Ngân Xuyên, Trung Quốc). TP Cần Thơ là địa phương duy nhất của Việt Nam đạt giải của cuộc thi Giải thưởng Cảnh quan châu Á lần này. Với mục tiêu của cuộc thi nhằm mang lại điều kiện sống tốt hơn cho người dân châu Á, các dự án, thành phố đạt giải của cuộc thi này còn có sự liên kết chặt chẽ với các chương trình hỗ trợ phát triển theo Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Đây cũng là một trong những cơ hội để liên kết quốc tế và xây dựng hình ảnh quảng bá cho sự phát triển và nét đặc sắc của TP Cần Thơ với cộng đồng quốc tế.

 Cầu đi bộ Ninh Kiều và cảnh quan khu vực Bến Ninh Kiều đang tạo “điểm nhấn” cho đô thị TP Cần Thơ.

Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Đạt giải cuộc thi Giải thưởng Cảnh quan châu Á 2016 là động lực để TP Cần Thơ xây dựng cảnh quan đô thị, tạo lập môi trường sống tốt hơn cho người dân thành phố. Nỗ lực của TP Cần Thơ là cải thiện cảnh quan đô thị gắn liền với đặc trưng thành phố sông nước vùng ĐBSCL, phục vụ cộng đồng dân cư… với những khu vực cảnh quan đẹp như: Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ Ninh Kiều, công viên Lưu Hữu Phước…. Theo Sở Xây dựng thành phố, trước mắt, việc xây dựng hạng mục kè, công viên và đường sau kè sông Cần Thơ (thuộc Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị) sẽ là dự án điểm của thành phố, hướng đến tiếp tục tham dự Giải thưởng Cảnh quan châu Á.

*Cải thiện diện mạo đô thị

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, thông qua định hướng phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch đô thị, thời gian qua, thành phố triển khai nhiều dự án góp phần cải thiện diện mạo đô thị. Những dự án quan trọng được Chính phủ và các nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết Đức…) đã và đang thực hiện cho TP Cần Thơ hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo đó, Dự án Nâng cấp Đô thị TP Cần Thơ (gọi tắt là dự án 1) tập trung nâng cấp khu vực thu nhập thấp tại quận Ninh Kiều và Bình Thủy; 35 khu vực thu nhập thấp (gồm 245 hẻm), tương đương 40,8km đường hẻm, 5km đường lớn, 4km kênh rạch và 4,5km thoát nước đô thị. Cải tạo kênh và Hồ Xáng Thổi rộng 6,5ha; cải tạo Rạch Tham Tướng, Rạch Cái Khế, Rạch Sơn… Dự án Nâng cấp Đô thị vùng ĐBSCL-Tiểu Dự án TP Cần Thơ (dự án 2) đang thực hiện (triển khai thi công 29/29 gói thầu xây lắp, trong đó đã bàn giao đưa vào sử dụng nhiều gói thầu), tập trung nâng cấp khu vực thu nhập thấp tại 4 quận là Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn và Cái Răng; 31 khu vực thu nhập thấp (94 hẻm) tương đương 44,26km đường hẻm, 35km hệ thống thoát nước. Ngoài ra, xây dựng hệ thống thoát nước Nguyễn Việt Hồng dài 500m; xây dựng hồ Bún Xáng với diện tích 17ha; cải tạo Rạch Ngỗng, Rạch Phía Nam; chống ngập tại các đường: Đại lộ Hòa Bình, Mậu Thân, nút giao Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh…

Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ngân hàng Thế giới tài trợ (dự án 3) cũng đang triển khai. Dự án này với mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững TP Cần Thơ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giảm tổn thương cho thành phố khi bị ngập; cải thiện, nâng cao tính kết nối khu trung tâm và các khu vực khác của thành phố; đảm bảo giảm tối thiểu tác động đến vùng và khu vực; nâng cao tính năng động và kết nối trong đô thị; góp phần phát triển Cần Thơ là đô thị xanh, đô thị sông nước. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 320 triệu USD; trong đó vốn vay ODA khoảng 250 triệu USD, viện trợ không hoàn lại 10 triệu USD, vốn đối ứng trên 60 triệu USD. Theo ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2016 dự án 3 sẽ tổ chức đấu thầu tối thiểu 5 gói thầu gồm: cầu và đường Trần Hoàng Na, cầu Quang Trung và 2 gói thầu đường nối từ Cách Mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918… Đây là các công trình quan trọng để tạo thêm điểm nhấn cho đô thị sông nước, có vị trí nằm ở trung tâm và là động lực cho vùng ĐBSCL phát triển, cũng như phục vụ phát triển kinh tế-xã hội TP Cần Thơ trong thời gian tới.

Để tạo điểm nhấn cảnh quan cho đô thị sông nước nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đã đầu tư xây dựng cầu đi bộ Ninh Kiều - nối từ bến Ninh Kiều qua cồn Cái Khế. Đây cũng là sáng kiến cải thiện diện mạo đô thị và tăng cường kết nối giữa phát triển đô thị với những giá trị truyền thống của địa phương. Ngoài vai trò là một công trình giao thông thì đây còn là một công trình kiến trúc mang tính chất biểu tượng văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước. Công trình cầu đi bộ Ninh Kiều hoàn thành chỉ trong khoảng thời gian ngắn (khoảng 1 năm kể từ khi triển khai thi công), khánh thành vào ngày 6-2-2016. Cầu đi bộ Ninh Kiều - phần cầu chính có kết cấu cầu bê tông cốt thép bán vĩnh cửu, với chiều dài 199m, bề rộng cầu 7,2m; các hạng mục phụ trợ gồm: hệ thống chiếu sáng theo kịch bản, hệ thống cây xanh 2 bên thành cầu, hệ thống thoát nước, hệ thống phòng hộ và công viên đầu cầu phía Ninh Kiều… Phương án kiến trúc của cầu do các kiến trúc sư tại TP Cần Thơ phác thảo ý tưởng và thiết kế chi tiết, trong đó mặt cầu được thiết kế cách điệu uốn lượn hình chữ S tượng trưng cho hình dáng đất nước Việt Nam, tại 2 phần cầu mở rộng được bố trí hai đài hoa sen là Quốc hoa của nước Việt Nam kết hợp hệ thống chiếu sáng và mái che hiện đại… Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cầu đi bộ Ninh Kiều luôn thu hút đông đảo người dân TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh sông nước về đêm, ngắm dàn đèn nghệ thuật trên cầu rất đẹp mắt…

Công viên Lưu Hữu Phước cũng đã được TP Cần Thơ đầu tư vốn cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, phục vụ lợi ích công cộng, đồng thời tạo không gian quảng trường rộng thoáng cho các hoạt động văn hóa và tổ chức sự kiện của thành phố. Công viên này rộng khoảng 2 ha; gồm quảng trường, công trình công cộng, cây xanh… Công trình cải tạo công viên Lưu Hữu Phước đang tạo được điểm nhấn cho đô thị TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết