21/07/2012 - 19:27

Ts Trần Thanh Bé - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ:

Cần quy hoạch và đầu tư thích đáng cho vùng sản xuất lúa tập trung

 

Hiện nay, dù các doanh nghiệp (DN) mở kho thu mua tạm trữ lúa hè thu (HT), nhưng giao dịch mua bán lúa gạo trên thị trường vẫn chưa sôi động. Vừa qua, Bộ Tài chính công bố giá thành lúa vụ HT năm nay ở ĐBSCL bình quân là 3.993 đ/kg. Tất nhiên tùy theo điều kiện và tay nghề nông dân (ND) từng địa phương của mỗi tỉnh, giá thành sản xuất lúa cao thấp khác nhau và đã có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng so giá thành lúa HT như trên và giá lúa đang mua bán trong vùng ĐBSCL sẽ khó tính cho nông dân có lãi trên 30%. Như vậy, từ vấn đề này đâu là bài toán lâu dài cho sản xuất lúa ở ĐBSCL? Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với TS Trần Thanh Bé – Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ xung quanh vấn đề này.

* Theo ông, với cách tính như thế có phản ánh tình hình sản xuất thực tế của ND ĐBSCL?

- Đây là cách “tính giá thành sản xuất lúa kế hoạch” theo quy định của Nhà nước (Thông tư 171/2010/TTLT-BTC-BNNPTNT), dựa vào điều tra (3 xã/huyện x 3 huyện/tỉnh), định mức kinh tế - kỹ thuật, giá thực tế,“cập nhật” chỉ số giá tiêu dùng CPI (kế hoạch; cụ thể để tính cho vụ lúa HT năm 2020, sử dụng CPI = 10%) để tính toán. Tất nhiên là giá thành sản xuất tùy vào nhiều điều kiện cụ thể từng địa phương, cả tự nhiên, xã hội và khoa học công nghệ. Tính toán theo quy định trên, “theo thống nhất giữa hai bộ Tài chính và Nông nghiệp-PTNT”, giá thành “kế hoạch” sản xuất lúa vụ hè thu 2012 ở các tỉnh ĐBSCL biến động từ 3.524 đến 4.540 đồng/kg , bình quân toàn vùng là 3.993 đồng/kg. Con số này đã cao hơn giá thành tính toán cho lúa vụ HT năm 2011 (3.760 đồng/kg). Chúng tôi e rằng cách tính toán này chưa phản ánh đầy đủ chi phí thật sự trong sản xuất lúa nên đã đề xuất và đang tiến hành một nghiên cứu về giá thành sản xuất lúa tại TP Cần Thơ. Rất tiếc, nghiên cứu mới bắt đầu điều tra nên chưa có kết quả cho vụ HT 2012 này.

* Qua khảo sát, nghiên cứu, ông có nhận định gì về giá thành lúa HT một khi gặp thị trường tiêu thụ chưa được thuận lợi, giá giảm, lợi nhuận ND thu được không cao?

- Rõ ràng nông dân sản xuất lúa (đông nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ) không giữ được quyền quyết định giá bán sản phẩm của họ (họ cũng không quyết định được giá mua vật tư cần thiết cho sản xuất)! Nông dân phải bán lúa ngay khi thu hoạch để trang trải mọi chi phí cho cuộc sống, trong đó có “cấp bách” trả nợ vay cho sản xuất lúa (ngân hàng, cửa hàng vật tư và các nguồn tín dụng khác). Khi thị trường tiêu thụ không thuận lợi, nhất là vụ HT, ND càng gặp khó khăn, lợi nhuận giảm – thậm chí thua lỗ, dù chủ trương của Nhà nước là “để ND có lời 30% trên giá thành”.

* Mới đây, Chính phủ vừa công bố tạm trữ thêm 500.000 tấn quy gạo, hỗ trợ 100% lãi suất cho DN nhằm khơi thông dòng chảy lúa hàng hóa và giữ giá cho ND đảm bảo lãi 30%. Tuy nhiên cách này không mới và dường như chúng ta luôn bị động, đối phó tình thế. Theo ông, làm thế nào chủ động hơn từ sản xuất đến kinh doanh của một quốc gia có thế mạnh xuất khẩu gạo?

- Đúng vậy, giải pháp tình thế “mua lúa tạm trữ” là không mới. Như đã nói, ND không thể chờ đến khi “giá có lợi” mới bán; rất nhiều người đã bán hết lúa khi giá lúa thị trường còn rất thấp. Cần có giải pháp căn cơ hơn. Có người đề xuất “hỗ trợ trực tiếp cho ND, thay vì cho doanh nghiệp mua lúa tạm trữ”, nhưng xem ra khó khả thi. Phải giúp ND tổ chức lại sản xuất – liên kết lại để trở “thành lực lượng mạnh” trên thị trường (sản xuất quy mô lớn – mô hình cánh đồng mẫu lớn), vừa giảm được chi phí sản xuất (giảm giá thành) vừa “có tiếng nói trên thị trường” (với khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều). Phải liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp lúa gạo (liên kết trong chuỗi) – đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, từ sản xuất đến phân phối, đôi bên cùng có lợi – thay vì chèn ép nhau vì lợi ích nhóm riêng. Vai trò của Hội Nông dân – tiếng nói của giai cấp ND – cần được phát huy để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ND. Vinafood cũng cần chủ động hơn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu và chia sẻ lợi nhuận hợp lý với ND trồng lúa.

* Trước tình hình tiêu thụ lúa HT gặp khó khăn, trong những năm tới ở ĐBSCL nếu điều chỉnh lại thì ND nên sản xuất lúa gạo theo hướng nào?

- Về lâu dài, ĐBSCL vẫn là vùng sản xuất lúa gạo chính của cả nước. Nếu ND sản xuất lúa gặp khó khăn kéo dài thì doanh nghiệp lúa gạo làm sao kinh doanh, xuất khẩu tìm kiếm lợi nhuận? Do vậy, Nhà nước cần quy hoạch và đầu tư thích đáng cho vùng quy hoạch sản xuất lúa tập trung, tạo điều kiện cho ND tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để có sản phẩm chất lượng cao với giá thành hạ. Với mặt hàng đặc biệt này (ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế và cuộc sống của đại bộ phận nhân dân), Nhà nước cần kiên trì chỉ đạo hiệu quả và kịp thời về thị trường lúa gạo – cả trong nước và xuất khẩu – đảm bảo lợi ích hài hòa của ND, doanh nghiệp và quốc gia. Cần có kho trữ lúa gạo hiện đại giúp cho ND và cả doanh nghiệp trữ sản phẩm, chờ giá có lợi sẽ đưa sản phẩm vào lưu thông.

* Xin cảm ơn ông!

HỮU ĐỨC (thực hiện)

Chia sẻ bài viết