15/08/2008 - 15:36

Cần quan tâm phát triển nghề làm muối ở Đồng bằng sông Cửu Long

Năm nay, giá muối tăng làm cho nhiều nông dân nuôi tôm sú kém hiệu quả lại chuyển sang làm muối. Hiện nay, diêm dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào cuối vụ thu hoạch muối nhưng lượng muối dự trữ trong dân hãy còn nhiều. Bà con đang chờ giá muối lên để tăng thêm thu nhập; trong khi đó dự báo cả nước sẽ phải nhập thêm khoảng 500.000 tấn muối. Liệu sắp tới điệp khúc “nguồn cung nhiều, muối rớt giá” có còn tái diễn?


ĐBSCL có 4 tỉnh làm muối chủ lực gồm: Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, với diện tích khoảng 4.000ha, tập trung nhiều nhất ở Bạc Liêu. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh còn tồn 31.520 tấn muối do diêm dân địa phương dự trữ chờ giá tăng. Tổng kết niên vụ muối 2007-2008, Bạc Liêu có 1.383 hộ sản xuất hơn 2.090ha, thấp hơn năm 2003 gần 400ha, với 3.775 lao động, trong đó có 10% lao động làm thuê. Nghề làm muối ở Bạc Liêu tập trung tại các xã Vĩnh Trạch Đông (TX Bạc liêu), Vĩnh Hậu và Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), xã Long Điền Đông, Long Điền Tây và An Phúc (huyện Đông Hải).

Giá muối đang tăng cao do sản lượng thiếu hụt, nhiều người làm muối đang trữ hàng lại chờ giá tăng thêm. Trong ảnh: Thu hoạch muối ở huyện Duyên Hải, Trà Vinh. Ảnh: QUỐC DŨNG 

Theo nhận định của ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng phòng Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn-Chi cục Phát triển nông thôn -Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu,với giá muối bình quân 1.200 đồng /ký, mỗi ha người làm muối thu lời 31.700.000 đồng. 100% các xã có diện tích sản xuất muối đều có điện, trường, trạm y tế, 4/6 xã có đường ô tô đến trung tâm (trừ 2 xã Vĩnh Thịnh và An Phúc). Do giá muối không ổn định, cộng thêm diện tích tăng, giảm hàng năm theo giá thị trường, nên từ đó ảnh hưởng đến đời sống của diêm dân.

Còn nhớ năm 2003, năm diện tích muối cao nhất ở Bạc Liêu lên đến 3.155ha, sản lượng 174.380 tấn. Sau đó, do giá cả bấp bênh, nhiều hộ lên vuông chuyển sang nuôi tôm sú. Đến thăm xã Long Điền Tây, nơi có diện tích muối cao nhất ĐBSCL, những năm 1999-2000, diện tích sản xuất muối của địa phương lên đến 1.500ha, gấp 3 lần diện tích làm muối của huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây, vụ muối vừa kết thúc. Ông Tô Hoàng Liệt, Chủ tịch UBND xã vừa lạc quan nhưng lại vừa lo lắng, nói: “Năm nay, xã kết thúc vụ muối tương đối thắng lợi vì trúng mùa trúng giá, song lại đang lo vì một số hộ vẫn neo hàng chờ tăng giá”. Điển hình như hộ ông Tạ Văn Khương, “vua muối” Đông Hải còn dự trữ 3.000 giạ muối. Ông Khương cho biết: “Năm nay giá muối 41-42 ngàn đồng/ giạ, tăng gấp 3 lần so với năm 2006. Không phải chỉ có mình gia đình tôi, mà ấp này còn nhiều hộ trữ muối, chờ giá cao mới bán”. Vừa nói, ông vừa dẫn tôi ra xem hàng chục tum muối ngoài đồng, bà con đang dùng lá lợp nhà phủ lên cho mưa không thấm vào làm giảm sản lượng. Ông Tô Hoàng Liệt, Chủ tịch UBND xã Long Điền Tây còn cho biết thêm, muối được dự trữ thường bị hao hụt chí ít cũng 10%, đó là chưa kể khi muối ngoại nhập khẩu tràn vào, do đó xã đang vận động diêm dân theo dõi thông tin hàng ngày để tiếp cận thị trường cho khỏi bị thua thiệt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết các địa phương sản xuất và chế biến muối đều có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chưa nắm bắt được thông tin thị trường. Riêng tại Bạc Liêu chỉ có 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần muối và thương mại Bạc Liêu và Công ty cổ phần muối Đông Hải (DOSASCO) ở huyện Đông Hải chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh muối. Đầu mùa, do giá muối tăng cao nên diêm dân đã bán ra hết toàn bộ lượng muối tồn vụ trước và sản lượng muối vừa sản xuất. Ngược lại, gần giữa vụ cho đến cuối vụ, do giá muối giảm nên bà con ngưng bán, dự trữ chờ tăng giá.

Trong thời gian qua, Chương trình mục tiêu hỗ trợ vùng sản xuất muối và khuyến diêm-Bộ NN&PTNT (4,8 tỉ đồng) đã đầu tư nạo vét 7 tuyến kinh phục vụ sản xuất muối và 3 công trình giao thông nông thôn. Ngoài ra, Dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối Long Điền Tây, huyện Đông Hải do Tổng Công ty Muối Việt Nam làm chủ đầu tư với nguồn vốn hơn 31 tỉ đồng đã và đang được triển khai thực hiện.

Để giải quyết tình trạng sản xuất và tiêu thụ tự phát như hiện nay, ngành NN&PTNT Bạc Liêu đã triển khai kế hoạch sản xuất muối vụ mùa 2008-2009 nhằm tiếp tục duy trì nghề muối truyền thống của địa phương, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hạ giá thành, tăng lợi nhuận, rút ngắn khoảng cách thu nhập so với các ngành nghề khác và tăng sức cạnh tranh cho diêm dân. Theo đó, tăng diện tích sản xuất muối hơn 5% (nâng lên tổng diện tích là 2.000 ha), phấn đấu đạt năng suất bình quân 50 tấn/ha, tổng sản lượng 100.000 tấn, trong đó có 30.000 tấn muối trắng, tăng 30% so với năm trước và diện tích kết hợp nuôi thủy sản 1.600 ha, chiếm 60% diện tích làm muối, tăng hơn vụ năm ngoái 89 ha.

Mới đây, từ Dự án Khuyến Nông-Lâm- Ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, Chi cục Phát triển nông thôn Bạc Liêu đã chọn xã Long Điền Tây (Đông Hải ) và xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, mỗi xã được đầu tư 250 triệu đồng nâng cao năng lực sản xuất muối chất lượng cao năm 2008.

Để các làng muối thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL phát triển sản xuất, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác sản xuất muối, tuân thủ lịch thời vụ, theo dõi thị trường thì vấn đề còn lại là phải có đội ngũ cán bộ quản lý. Theo nguyện vọng chung của các tỉnh có sản xuất muối, Bộ NN&PTNT nên sớm có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước ngành muối cho các địa phương dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước. Mặt khác Tổng công ty Muối Việt Nam sớm đầu tư kho dự trữ muối quốc gia, đồng thời các doanh nghiệp có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, thủ tục thông thoáng để diêm dân an tâm phát triển sản xuất.

NGUYỄN HÀ PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết