22/08/2012 - 21:13

Nông dân “ngậm quả đắng” từ thương lái nước ngoài

Cần giải pháp quyết liệt

Câu chuyện một số thương lái nước ngoài sang một số địa phương nước ta tổ chức hệ thống chân rết thu gom nông thủy sản, kích giá tăng cao rồi sau đó tìm mọi cách o ép, không mua,… không phải là chuyện mới. Ngoài trái cây, thủy sản, khoai lang…, gần đây ở khu vực ĐBSCL còn có thêm “chiêu trò” là thu mua cành, lá một số loài cây dùng để chắn sóng, giữ đất ven biển. Vẫn biết rằng thị trường có cầu, ắt có cung! Thế nhưng, lần tìm ra những nguyên nhân thì mới vỡ lẽ yếu tố thị trường thì rất nhỏ. Thay vào đó là những thủ đoạn phá vỡ thị trường, làm đời sống người nông dân khó khăn...

Liệt kê những vụ việc diễn ra trong thời gian qua thấy rõ bản chất của vấn đề kích giá cao rồi tìm mọi cách để thoái thác của thương nhân nước ngoài. Ngoài khoai lang tím ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long; huyện Châu Thành, Đồng Tháp; huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ; cua biển ở Cà Mau; dừa ở Bến Tre còn có những vụ việc chưa thành hệ thống xuất hiện rải rác như thu mua cây bần ổi ở Bạc Liêu hay các loài bò sát như tắc kè, rùa, rắn... ở khắp các địa phương như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp...

Nhiều người trồng khoai lang ở TP Cần Thơ điêu đứng vì khoai đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua. Trong ảnh: Thu hoạch khoai lang tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: MỸ THANH. 

Có thể nói, qua những vụ việc nêu trên, không khó để nhận ra “kịch bản” của các thương vụ mua bán không chính thống này. Khi vùng nguyên liệu ngày đầu “đón” những vị khách thương lái nước ngoài đến, người dân rất vui mừng vì có thêm đầu ra cho nông sản, hàng hóa với giá cả nhỉnh hơn! Tuy nhiên, như một canh bạc mà người chơi – nông dân chơi với sự may rủi thì những thương lái - những chủ bạc lại trang bị nhiều chiêu thức tinh vi, mánh khóe. Thế là, sau vài đợt thu mua giá cao, nông dân đặt hết niềm tin vào hợp đồng miệng thì ngay lập tức phải “ngậm quả đắng”. Kéo theo sau đó là thua lỗ, hoang mang, gia đình rối ren. Giáo sư Tiến sĩ Võ - Tòng Xuân, nhà khoa học gắn liền với nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL, nhận định: “Nông dân mình làm ra được rồi thì bán không được! Còn không là tự dưng khi không có người đến mua rồi lại ùn ùn đi trồng! Trồng xong rồi thì bị gạt. Có thể nói, hệ thống thị trường của mình yếu, thiếu sự hướng dẫn cho người dân. Và người dân gặp rất nhiều khó khăn đối với vấn đề này...”.

Trong hoạt động trao đổi mua bán, việc người bán bán cái có và người mua mua cái cần là điều bình thường. Nhưng ở đây, người nông dân Việt Nam đang trao đổi, mua bán không chính thống với thương nhân nước ngoài, thông qua hệ thống thương lái bị điều khiển từ xa. Pháp luật của nước ta cũng từng đã đề cập vấn đề này thông qua Nghị định 90/2007/NĐ-CP quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (Nghị định 90). Tuy nhiên, với việc quy định thương nhân nước ngoài không đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì họ không thể không nghĩ ra những chiêu trò lách luật. Sang Việt Nam với hộ chiếu du lịch rồi từ đó tổ chức hệ thống thu mua hàng hóa và sau đó là làm rối loạn thị trường...

Bên cạnh cái được thì ít mà cái mất thì nhiều từ những vụ việc thu mua hàng nông sản có bàn tay thương lái nước ngoài, những hạn chế trong quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của nước ta ngày càng bộc lộ. Về vấn đề này, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nêu rõ: “Các cơ quan và chính quyền hiện nay còn nhiều lúng túng trong vai trò tạo môi trường, nhất là trong khâu quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến. Bên cạnh đó, chưa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu. Khách quan mà nói, nông dân sản xuất manh mún, tiềm lực kinh tế thấp, kỹ năng nghề nghiệp thấp nếu doanh nghiệp đầu tư vào đây rủi ro còn cao!”. Theo Giáo sư- tiến sĩ Võ - Tòng Xuân, tình trạng hàng nông sản, đặc biệt là khoai lang rớt giá như hiện nay là do thiếu tổ chức sản xuất, để nông dân phát triển tự phát. Muốn chấm dứt điệp khúc “được mùa, mất giá”, nông dân cần tổ chức hợp tác, liên kết lại. Bên cạnh đó, vai trò nhà nước cần phải được khẳng định hơn để làm cầu nối giữa nông dân với các doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài v.v..

Mới đây, theo đại diện Bộ Công Thương, trong tháng 8, Bộ sẽ hoàn chỉnh dự thảo thông tư hướng dẫn quy định hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài. Trong đó, nội dung chính là tập trung vào việc phân loại thương nhân nước ngoài với các điều kiện khi tham gia mua bán hàng hóa, xuất nhập khẩu, có cả chế tài xử lý các trường hợp mua bán trái phép. Có thể nói, đây chính là bước đi cụ thể hơn khi Nghị định 90 vẫn còn nhiều điểm bất cập. Tuy nhiên, ngay cả khi có các thông tư, nghị định... điều cốt yếu là bản thân người dân cần xem xét khi tham gia mua bán hàng nông sản. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đề nghị: “Nếu để bà con lại vướng vào rủi ro sẽ không an toàn. Với những văn bản pháp luật được ban hành, mong rằng bà con nông dân cần cảnh giác với những thương nhân nước ngoài hoạt động không hợp pháp trên lãnh thổ đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, trong đó có ĐBSCL”.

Với những diễn biến nêu trên, câu chuyện về mối liên kết “4 nhà” vẫn không hề cũ. Bởi khi có sự liên kết chặt chẽ với một hệ thống quy hoạch vùng nguyên liệu khoa học, phù hợp thì những vụ việc về thương nhân nước ngoài phá vỡ thị trường trong nước sẽ chỉ còn là bài học của quá khứ.

THANH TÙNG

Chia sẻ bài viết