09/09/2018 - 16:48

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh

Cần giải pháp đồng bộ, quyết tâm từ doanh nghiệp 

Với loại hình chủ yếu là nhỏ và vừa, doanh nghiệp (DN) TP Cần Thơ đa phần có năng suất, chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh thấp, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao vì quy mô nhỏ, thiết bị, trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm đổi mới... Hỗ trợ, thúc đẩy DN ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh được thành phố xác định là hành trình dài, với nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm từ phía DN.

Nhờ áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất, sản phẩm cá thát lát của Công ty cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa, phường Phú Thứ, quận Cái Răng đã và đang được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Khó tiếp cận

Ông Trần Thế Như Hiệp, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP Cần Thơ - Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, nhận định: “Mặc dù số lượng DN quan tâm và thực hiện đổi mới công nghệ đã tăng trong những năm qua nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ. Trong đó, phương thức chính là mua công nghệ của nước ngoài và bắt chước thiết kế lại theo mẫu. Còn lại đa phần các DN muốn thực hiện “Cách mạng công nghệ” trên quy mô lớn thường gặp phải vô vàn khó khăn. Nguyên nhân thường là do yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới công nghệ của Nhà nước hiện nay chưa đủ mạnh và sức thuyết phục để tạo động lực mạnh mẽ cho DN thực hiện đổi mới công nghệ”. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đổi mới công nghệ tại các DN còn mang tính tự phát, chưa có bộ phận nghiên cứu phát triển để xây dựng chiến lược kinh doanh, mở rộng sản xuất của DN.

Theo ông Trương Đạt Anh, Trường Đại học FPT Cần Thơ, mặc dù được hưởng những chính sách ưu tiên nhất định của Nhà nước, sự quan tâm của xã hội cũng như sự ủng hộ từ các chủ thể có liên quan. Nhưng hiện tại, các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của DN vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. “Đơn cử như vấn đề về cơ sở hạ tầng, các startup thường không đủ điều kiện để trang trải các chi phí phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị phục vụ nghiên cứu dẫn tới hạn chế trong phát triển ý tưởng, sản phẩm. Đó là chưa kể, họ thường không có kinh nghiệm thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới gia nhập thị trường (đăng ký kinh doanh, đất đai…), thương mại hóa sản phẩm (đăng ký tiêu chuẩn, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật…), bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”- ông Trương Đạt Anh phân tích.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, nhận định: Khó khăn của DN trong đổi mới công nghệ xuất phát từ 2 phía, từ DN (thiếu vốn, nhân lực yếu, năng lực tiếp cận công nghệ yếu…) và từ chủ trương, chính sách (khó tiếp cận được thông tin; chương trình hỗ trợ công nghệ tiên tiến, công nghệ mới không phù hợp với trình độ công nghệ trung bình của DN Cần Thơ; nguồn vốn vay ưu đãi có những điều kiện DN nhỏ khó đáp ứng…). Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ cho rằng, với bản chất rủi ro lớn, thiếu tài sản đảm bảo, DN khởi nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận các tổ chức tín dụng, chỉ có thể tiếp cận qua các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, TP Cần Thơ hiện nay vẫn chưa có các Quỹ đầu tư mạo hiểm phục vụ hoạt động khởi nghiệp…

Hỗ trợ từ nhiều phía

Nhận thức được nhu cầu bức thiết từ thực tiễn, TP Cần Thơ đã và đang thực hiện nhiều Chương trình, kế hoạch, dự án để hỗ trợ DN nói chung và DN khởi nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ như: Chương trình Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Dự án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ đến năm 2020”… Ngoài ra, DN có thể tìm đến: Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc… để được sự hỗ trợ, tư vấn thiết thực khi có nhu cầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự hỗ trợ từ Nhà nước là cần thiết nhưng vai trò quyết định vẫn phải là DN với những định hướng và quyết sách rõ ràng trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Theo ông Trương Đạt Anh, Trường Đại học FPT Cần Thơ, đa phần các DN khởi nghiệp được khuyến khích phát triển trên nền tảng công nghệ. Vì vậy, rất cần chính phủ hỗ trợ kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính quyền địa phương và các sở ngành hữu quan cần tích cực hỗ trợ DN tháo gỡ các khó khăn về vốn (thông qua các chương trình hỗ trợ, tài trợ), về cơ sở vật chất nghiên cứu phát triển (hoạt động ươm tạo, hỗ trợ nghiên cứu); kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá (các chương trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng); khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết (hỗ trợ tư vấn pháp lý, cung cấp dịch vụ hành chính công…). Về phía DN phải có chiến lược phát triển kinh doanh rõ ràng để có thể tiếp cận được những cơ hội kêu gọi vốn; thường xuyên quan tâm và tiếp cận các chương trình hỗ trợ của chính quyền địa phương liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

 Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ, đề xuất thành phố đầu tư về cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sẵn có (cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, tổ chức thúc đẩy kinh doanh), tiến tới hình thành Khu tập trung dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ cho rằng, các chương trình cho vay cần nghiên cứu thủ tục phù hợp với DN nhỏ vốn không có điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng kèm theo đó là thủ tục phải càng đơn giản càng tốt với thời gian xét duyệt ngắn nhất có thể. Song song đó, các thông tin phổ biến đến DN cần được thực hiện thông qua nhiều kênh để DN có nhiều cơ hội tiếp cận và cần có chuyên gia tư vấn công nghệ và chuyên viên hướng dẫn thủ tục cho DN trong việc hưởng ưu đãi về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết