22/01/2008 - 22:38

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Cần dự báo chính xác cung - cầu lao động

Làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm (ĐTN, GQVL) ở TP Cần Thơ? Rất nhiều ý kiến cho rằng một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải dự báo được cung - cầu lao động và sử dụng nguồn nhân lực cũng như thay đổi nhận thức, biện pháp phù hợp. Sau đây là ý kiến của đại diện các đơn vị, ngành chức năng ở TP Cần Thơ về vấn đề này.

Một lớp dạy nghề may gia dụng ngắn hạn miễn phí cho lao động nữ ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Ảnh: ANH PHƯƠNG

* Ông Lê Văn Diện, Trưởng Phòng Quản lý - Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ: ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ

- Thời gian qua, công tác ĐTN và GQVL đã giúp lao động có kỹ năng nghề nhất định và kiến thức khoa học kỹ thuật căn bản, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, như: ngành nghề đào tạo chưa sát với định hướng phát triển của địa phương, thiếu hướng nghiệp trước và sau học nghề, thiếu vốn vay để phát huy kiến thức đã học...

Muốn giải quyết tốt vấn đề gắn ĐTN với GQVL, cần dự báo được nhu cầu sử dụng và cung ứng nguồn nhân lực. Để làm được việc này, đòi hỏi phải có Trung tâm dự báo nguồn nhân lực (Theo dự kiến, sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thành lập Trung tâm dự báo cấp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ để dự báo cho cả vùng). Trên cơ sở dự báo khoa học, thành phố đề ra các kế hoạch dạy nghề với qui mô phù hợp, hướng nghiệp cho người lao động.

Để nâng cao hiệu quả ĐTN, GQVL, sắp tới, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về học nghề, việc làm cho người lao động; quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề; xây dựng chương trình ĐTN phù hợp; nâng cao trình độ văn hóa cho học viên; tổ chức phân luồng học sinh THCS, THPT để phát triển việc học tập và học nghề phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác ĐTN là giải pháp căn cơ, bền vững. Theo đó, cần huy động các trường, doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề, các tổ chức và cá nhân tham gia dạy nghề; vận động các nguồn kinh phí để cung cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác ĐTN, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

* Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ Điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Bộ: DỰ BÁO CUNG CẦU LAO ĐỘNG PHẢI CHÍNH XÁC, KHOA HỌC, CỤ THỂ

- Dự báo cung - cầu lao động và sử dụng nguồn nhân lực rất cần thiết cho việc định hướng kế hoạch, mục tiêu ĐTN, GQVL. Muốn vậy, cần phải tiến hành khảo sát thực trạng với đội ngũ cán bộ chuyên môn. Dự báo cung cầu lao động phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, cụ thể, dựa trên định hướng phát triển và phục vụ sự phát triển của địa phương.

Thời gian qua, thông tin dự báo còn rất hạn chế, không sát với thực tế cung cầu lao động, hiệu quả không cao. Chế độ phối hợp thông tin cung cầu lao động còn rời rạc, chưa thường xuyên. Trên thực tế, đơn vị đào tạo chỉ cần được cung cấp thông tin nhu cầu lao động, ngành chức năng và các địa phương phải có chiến lược phát triển và thật sự quan tâm đến việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực.

Theo chúng tôi, ngành chức năng nên nghiên cứu hình thức sàn giao dịch việc làm là nơi tổng hợp các đầu mối cung - cầu lao động, thu hút lao động các địa phương qua hệ thống mạng vi tính, điện tử, tăng lượng thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động đến các địa phương.

Trong quá trình đào tạo, nhà trường đảm bảo trang bị cho học sinh 4 điều kiện: chất lượng tay nghề đủ tự tin đi xin việc, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng xin việc, hiểu biết về thị trường lao động. Khi học sinh chuẩn bị tốt nghiệp, nhà trường chủ động liên hệ giới thiệu học sinh đến doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dễ xin việc.

* Ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên TP Cần Thơ: TƯ VẤN, HƯỚNG NGHIỆP: “HỌC CÁI XÃ HỘI CẦN”

- Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ là đơn vị chịu trách nhiệm chính về vấn đề hoạch định, phát triển hoặc dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, phải liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng với các sở, ngành liên quan, như: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thương mại - Du lịch, Sở Công nghiệp... là những đơn vị có khả năng mời gọi đầu tư. Sở LĐ-TB&XH phải nắm được định hướng phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô. Từ đó đưa ra dự báo thực tế, khả thi.

Hiện nay, bất cập lớn nhất giữa ĐTN và GQVL là các ngành nghề kỹ thuật đòi hỏi người lao động phải có tác phong công nghiệp nhưng lao động quen với cách làm ăn nhỏ, lẻ, manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Từ đó, người lao động đến với việc làm thiếu tinh thần trách nhiệm, kỷ luật lao động, dễ chán nản, bỏ việc. Học sinh nghề thiếu sự hướng nghiệp, không xác định được khả năng, sở trường của mình, chọn nghề không phù hợp. Trong khi đó, các trường phổ thông chưa thật sự chú trọng việc hướng nghiệp cho học sinh, thiếu sự theo dõi, kiên trì tư vấn đến cùng.

Trung tâm GTVL Thanh niên với chức năng là tổ chức của Đoàn Thanh niên sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn cho lao động trẻ bằng nhiều hình thức, trực tiếp tác động đến nhận thức của lao động về chọn “học cái xã hội cần”, chọn vì bản thân mình chớ không phải do tác động của gia đình.

* Ông Đào Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ: NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN, TAY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NGOẠI THÀNH

- Tôi cho rằng, dự báo cung - cầu lao động, sử dụng nguồn nhân lực là rất cần thiết. Bởi vì, nguồn lao động ngoại thành còn rất nhiều, chưa sử dụng hết. Việc điều tra lao động sẽ là định hướng giúp dự báo chính xác tình hình sử dụng lao động để đề ra kế hoạch ĐTN sát hợp.

Theo tôi, không có con đường nào khác hơn là phát triển, mở rộng ngành nghề phù hợp để GQVL, đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống người lao động, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng ĐTN. Thời gian tới, cần đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, nâng cao chất lượng tay nghề lao động ngoại thành.

Trong năm 2008, theo tinh thần chỉ đạo của huyện, Trung tâm Dạy nghề huyện Cờ Đỏ tiếp tục nâng cao chất lượng dạy nghề theo hai mục tiêu chính, đó là: ĐTN, GQVL trong nước, làm đối tác cho các doanh nghiệp trong sử dụng lao động và phổ cập giáo dục. Ngoài việc thực hiện đa dạng hóa hình thức học nghề ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp và mở rộng hình thức liên kết đào tạo vừa học nghề vừa học văn hóa, Trung tâm tổ chức các lớp trung cấp nghề tại các trung tâm xã, thị trấn, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho lao động ngoại thành được nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề, từng bước đáp ứng xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp.

KỲ PHƯƠNG (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết