17/05/2008 - 09:29

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII

Cần đa dạng hóa các hình thức cai nghiện ma túy

* Luật Dầu khí hiện nay đang quá “chật’’

Sáng 16-5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy và việc thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

Đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, cũng như Báo cáo tổng kết và Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH 11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.

Về quản lý người sau cai nghiện, đại biểu Nguyễn Thị Vân (Hà Tĩnh), Giàng A Chu (Yên Bái), Lê Thành Tâm (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu khác nhất trí với việc việc lựa chọn phương án 2 trong dự thảo Luật. Theo đó:

“1. Người nghiện ma túy sau thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về nơi cư trú được chính quyền cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ phòng, chống tái nghiện trong thời gian từ 1 đến 2 năm. Người không tái nghiện thì được xóa tên khỏi danh sách quản lý. Trường hợp người nghiện ma túy sau thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc có nguy cơ tái nghiện cao tiếp tục được đưa vào cơ sở quản lý sau cai nghiện từ 1 đến 2 năm.

2. Người đã cai nghiện ma túy được chính quyền cơ sở, gia đình và các tổ chức tiếp nhận, tạo điều kiện học nghề, tìm việc làm, vay vốn, tham gia các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng.

3. Chính phủ quy định cụ thể về quản lý và chính sách hỗ trợ sau cai nghiện ma túy”.

Thảo luận về các hình thức cai nghiện quy định trong dự thảo luật, các đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội)... nhất trí với việc quy định đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, theo đó Điều 26b trong dự thảo Luật, quy định “Các hình thức cai nghiện ma túy gồm: a) Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; b) Cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc”. Đại biểu Giàng A Chu nhấn mạnh tuy việc quy định cai nghiện tại cộng đồng ít hiệu quả nhưng vẫn phải quy định trong luật để những địa phương nào có điều kiện thì áp dụng. Lý giải về việc lựa chọn phương án này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng việc đa dạng hóa các hình thức cai nghiện là cần thiết để vận động cả xã hội tham gia, phát huy được trí tuệ, sức lực của cả cộng đồng; đồng thời tạo điều kiện cho người cai nghiện tái hòa nhập với xã hội.

Khoản 3, điều 27 quy định: “Chính quyền cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ và tổ chức cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm cho người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng”. Xung quanh quy định này, đại biểu Quốc hội Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) đề nghị cần bỏ quy định này vì tính khả thi thấp. Theo đại biểu chỉ nên quy định chính quyền cơ sở tạo điều kiện để người cai nghiện tìm việc làm. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên).

* Chiều 16-5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí. Dự án luật này đã được các đại biểu thảo luận ở tổ và phần thảo luận ở Hội trường chỉ có một số đại biểu tham gia nhưng về cơ bản lại thống nhất yêu cầu: Cần nghiên cứu một cách tổng thể, sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí để phát triển ngành dầu khí nước ta trên các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh sản phẩm từ dầu khí; trong đó tập trung vào việc quy định khâu tìm, kiếm thăm dò khai thác và nếu được thì cả khâu chế biến. Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng: Dự kiến Việt Nam chỉ khai thác dầu đến năm 2020, nếu công tác xây dựng luật không tiến hành nhanh (hoàn thiện) thì đến thời điểm đó trữ lượng dầu không còn nhiều, khi đó luật ra đời cũng ít ý nghĩa. Nhất là các điều khoản phải phù hợp với quốc tế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí. Trên thực tế, rủi ro trong hoạt động thăm dò dầu khí là rất lớn, vấn đề gia hạn hợp đồng dầu khí luôn là mối băn khoăn hàng đầu của các nhà đầu tư. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) bày tỏ: Đến nay, mới chọn những vấn đề trên để sửa đổi, bổ sung vào Luật Dầu khí là muộn và không đủ, chỉ giải quyết được một số bất cập, cần phải chỉnh sửa ngay cho phù hợp với tình hình phát triển ngành dầu khí; nếu trong kỳ họp này chưa thể sửa toàn diện được luật thì không nên tiếp tục kéo dài nữa mà phải dừng lại và tìm cách làm để hoàn chỉnh luật, trong đó có việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả khâu trung nguồn (vận chuyển, tàng trữ dầu khí) và thậm chí hạ nguồn (chế biến, kinh doanh sản phẩm xăng dầu). Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng: Dầu khí luôn “nóng” cho nên cần có các điều “mở” để tăng khả năng điều hành của Chính phủ đối với hoạt động dầu khí. Cụ thể, Điều 26 nên ghi thêm: “Chính phủ sẽ quy định về đấu thầu và ký kết hợp đồng dịch vụ và mua sắm hàng hóa dầu khí”- đại biểu Nguyễn Thúc Kháng (Bà Rịa-Vũng Tàu) kiến nghị.

Về nội dung cho phép tiếp tục kéo dài thời gian tìm kiếm thăm dò hoặc thời hạn hợp đồng dầu khí, Dự thảo luật quy định trong trường hợp đặc biệt, việc cho phép tiếp tục kéo dài thời gian tìm kiếm, thăm dò hoặc thời hạn hợp đồng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lưu ý Quốc hội đã và đang đổi mới nhiều và đề nghị giao quy định này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chứ không phải Thủ tướng Chính phủ. Hay quy định chuyển thẩm quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ, cũng nên giao cho Quốc hội quyết định. Hợp đồng dầu khí có hiệu lực sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội cần giám sát những công việc này và thể hiện trách nhiệm của mình. Trong trường hợp cần thiết, phải đảm bảo thời hạn, có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Ngày thứ hai tuần tới (19-5), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội cùng một số tỉnh khác.n

QUỲNH HOA - T.T.N (TTXVN)


Chia sẻ bài viết