07/09/2017 - 20:10

Cần cân nhắc khi nhân rộng 

Hơn 10 ngày qua, nhiều người dân thành phố khi đi qua đường Hùng Vương (quận Ninh Kiều), không khỏi thích thú với những bức tranh vẽ mang thông điệp bảo vệ môi trường trên các nắp cống. Mô hình này do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Thới Bình (quận Ninh Kiều) và sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh- Cơ sở Cần Thơ thực hiện. Trước tiên phải khẳng định, đây là sáng kiến và tinh thần cộng đồng rất đáng biểu dương của tuổi trẻ trong xây dựng nét văn minh đô thị cho thành phố. Thực tế, những ngày đầu khi tranh vẽ được khai sinh trên nắp cống, màu sắc rực rỡ, những bức tranh đáng yêu và ý nghĩa đã tạo được sự chú ý của người dân.

Những bức tranh trên nắp cống bị phai màu, loang lổ nước thải. 

Nhiều người dân cho rằng, đẹp thì có đẹp nhưng tính hiệu quả xem ra khá hạn chế. Thực tế mới hơn 10 ngày “tuổi”, nhiều bức tranh đã bị người dân chạy xe, giẫm đạp lên làm phai màu, luộm thuộm sình bùn. Một số nắp cống có tranh vẽ lại trở thành nơi tập kết rác thải, vương vãi túi ni lông, ly nhựa. Những bức tranh được chăm chút từng nét cọ, mảng màu- ý thức của sự văn minh, nét đẹp văn hóa đối lập hoàn toàn với những túi rác thải- ý thức chưa tốt. Vả lại, những bức tranh ngay trên lối đi, dưới cái nắng nóng gắt gao kiểu này không thể bền vững. Ghi nhận thực tế, nhiều bức tranh đã phai lợt rất nhiều, không còn nhìn rõ đường nét, dù mới vẽ hơn 10 ngày.

Thật ra, mô hình này cùng với việc vẽ tranh trên cột điện đã được thực hiện ở nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Tháp… và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đồng tình nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không khéo, những bức tranh ấy sẽ thành “rác mỹ thuật”. Bởi cứ kiểu một nhóm người lụi cụi vẽ tranh, trong khi người người thi nhau xả rác, dán, sơn quảng cáo trên nắp cống, cột điện thì những bức tranh rồi sẽ trở nên xấu xí, rối rắm.

Về những cây cột điện “trổ hoa”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trả lời báo chí rằng: “Không nên phát triển tự phát như vậy. Nó không bảo đảm hiệu ứng mỹ thuật và cũng ảnh hưởng an toàn giao thông. Ý nghĩ tốt chưa đủ, nó vẫn có thể thành rác mỹ thuật”. Rõ ràng, lo ngại của ông Thành là hoàn toàn có cơ sở và thực tế chứng minh ở những địa phương đã thực hiện trước.

Công sức của các bạn trẻ thực hiện, kinh phí cho mô hình (cho dù là xã hội hóa) phải được tính toan, đối sánh với hiệu quả của mô hình. Bởi vậy, việc nhân rộng mô hình này ra khắp các tuyến đường của thành phố cần phải xem xét cẩn thận, tránh việc tự phát và lãng phí. Muốn đạt được mục đích người dân hạn chế tối đa xả rác nơi công cộng, nắp cống, hình thành nếp sống văn minh cho người đô thị, thì không thể chỉ trông chờ vào những bức tranh nắp cống. Cốt lõi vẫn là hình thành nếp sống, ý thức vì cộng đồng trong mỗi người dân.

Bài, ảnh: DUY LỮ

Chia sẻ bài viết