“Toán là nghề, còn thơ là nghiệp, là nơi để mình gửi gắm những cảm xúc, buồn vui”, nhà thơ trẻ Huỳnh Ngọc Huy Tùng, hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ, chia sẻ. Nghĩ vậy, nên Huy Tùng cứ “nghề ôn, nghiệp luyện”, trau chuốt bằng trải nghiệm rất đời.
Nhà thơ Huỳnh Ngọc Huy Tùng. Ảnh: NVCC
Huỳnh Ngọc Huy Tùng hiện là giáo viên dạy Toán của Trường THPT Tân Long (Phụng Hiệp, Hậu Giang). Anh quê ở Cà Mau nhưng lại gắn bó với vùng đất Cần Thơ - Hậu Giang. Nhà thơ trẻ với nụ cười hiền, cách cư xử lễ phép và nho nhã nên tạo được thiện cảm với người đối diện.
Đến nay, Huy Tùng đã có hơn 200 bài thơ, phần nhiều được đăng báo, in sách và đoạt nhiều giải thưởng. Dấu ấn thơ Huy Tùng đầu tiên phải kể đến là những bài thơ viết về Bác Hồ. “Xem ảnh Bác ở Lương Tâm” là một điển hình. Trong một lần đi viếng Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, Huy Tùng xúc cảm trước những hình ảnh Bác Hồ gần gũi, giản dị: Bác xuống đồng, thăm ruộng, động viên bà con nông dân… Vậy là những câu thơ hay được cảm tác:
“…Nắng chói chang như cũng bất ngờ
Bỗng sà xuống thấp ngắm Người… thật lạ!
Đất bật lên mầm xanh cỏ mạ
Một tiếng cười phả gió mênh mông…”
Bài thơ này của Huy Tùng đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo - Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức năm 2019.
Còn với bài thơ “Tháng Năm này đón Bác vào thăm”, Huy Tùng bằng niềm thương kính Bác Hồ đã viết nên những vần thơ như là tấm lòng của đồng bào miền Nam ruột thịt:
“Tháng Năm này đón Bác vào thăm
Qua cây cầu xi măng (không quên một thời cầu tre lắt lẻo)
Nghe câu hát huê tình, dạo một tiếng đờn tài tử
Bước xuống thăm đồng, bùn ấm ấp bàn chân”
Thơ Huy Tùng mang đến cho người đọc những cảm xúc nhẹ nhàng, đằm thắm về tình yêu quê hương, đất nước, những nghĩ suy của một cây bút trẻ với trách nhiệm công dân. Huy Tùng không chọn thể hiện những câu thơ lãng mạn mông lung hay ướt át, mà thay vào đó là những chín chắn và đọng lại xúc cảm cho người đọc. Thử đọc mấy câu thơ trong “Gửi người lính Trường Sa” của Huy Tùng:
“Thư Hậu Giang em viết gửi cho anh
Trường Sa yêu thương trải hoài trong trí nhớ
Sóng vỗ bờ xa thì thầm nhắc nhở
Xà No chiều về em luôn đợi chờ anh!”
Ngày ngày, khi rời bục giảng, xong việc giáo án, Huy Tùng lại gửi gắm lòng mình vào những vần thơ. Anh không viết vội, không buộc mình phải viết và chỉ viết những vần thơ mà anh thực sự rung động. Có phải vậy chăng mà thơ Huy Tùng chạm được đến trái tim người đọc? Một bí quyết mà Huy Tùng chia sẻ là anh hay tìm và lưu giữ nhiều câu ca dao, tục ngữ, những nét văn hóa truyền thống của vùng đất. Đó là vốn từ để Huy Tùng “sơ chế” và đưa vào thơ một cách khéo léo. Từ đó, thơ của anh có bản sắc riêng.
Duy Khôi