03/04/2008 - 10:48

Cả nước đồng tâm hiệp lực để kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng

Ngày 2-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị của Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc về các giải pháp kiềm chế lạm phát, tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, tổng hợp ý kiến tham luận của các đại biểu về những giải pháp kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Mục tiêu lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân ta là kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 7%, thấp hơn 1,5% so với năm 2007. Duy trì ở mức tăng trưởng 7% là chúng ta “Trụ” lại để phát triển trong năm tới, kiên quyết bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm đã đề ra. Tiềm lực tăng trưởng kinh tế của ta vẫn được bảo đảm tốt cả nguồn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước. Ví dụ: công nghiệp quý I vẫn tăng trưởng, có tỉnh tăng tới 30%; vật liệu xây dựng chủ đạo như xi măng sẽ có thêm 11 triệu tấn do 10 nhà máy đã và sẽ đi vào sản xuất trong năm nay. Chính phủ không tăng giá điện, giá than và tiếp tục bù lỗ giá xăng, dầu... là tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp và giảm sức ép tới đời sống của nhân dân. Các hiệp hội thép, xi măng... đã cam kết không tăng giá vì Chính phủ đã hỗ trợ từ chính sách trên. Chính phủ ghi nhận các kiến nghị của các địa phương sẽ xem xét cụ thể để ưu tiên giải quyết những việc cấp thiết. Đối với 8 giải pháp đã nêu phải được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ trong đó thực hiện tiết kiệm chi tiêu tài chính công; cắt giảm đầu tư các dự án không có hiệu quả; không cấp bù vốn cho những dự án chưa cần thiết đồng thời yêu cầu các địa phương, ngành chuyển vốn ưu tiên cho các công trình, dự án có hiệu quả kinh tế, phục vụ sản xuất; cần phải chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải. Thắt chặt tín dụng nhưng vẫn duy trì vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động; tập trung khai thác và sản xuất hàng xuất khẩu để giảm nhập siêu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính từ Trung ương tới địa phương; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đặc biệt chú trọng củng cố sản xuất nông nghiệp để bù đắp tổn thất do thiên tai và rét hại vừa qua, nhất là nước ta có tới 30% hộ nghèo và cận nghèo. Yêu cầu các tỉnh, thành và ngành chức năng phải tập trung cân đối các mặt hàng chủ yếu, kiểm soát thị trường và có chính sách hỗ trợ lương thực kịp thời đến các hộ nghèo, kiên quyết không để hộ dân nào đứt bữa. Không để tình trạng đầu cơ, tùy tiện tăng giá các mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh; thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi... Thủ tướng nhấn mạnh: Các cơ quan hành chính của Nhà nước phải gương mẫu thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu từ xăng, xe, hội nghị; tiết kiệm điện... đến đình chỉ đầu tư các công trình công cộng chưa cần thiết để toàn dân, toàn xã hội noi theo; để từng nhà, từng người dân phát huy tinh thần yêu nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất, phát triển kinh tế. Kiềm chế lạm phát để bảo đảm duy trì tăng trưởng, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân ta để tạo nên sức mạnh tổng hợp, khắc phục khó khăn, phát huy các lợi thế để từng bước giảm lạm phát, tiến tới ổn định và tăng trưởng bền vững trong các năm tới.

Thủ tướng tin tưởng rằng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã thẳng thắn nêu rõ những hạn chế, những trở ngại từ chính cơ chế và đồng thời chủ động đưa ra các giải pháp để tháo gỡ sẽ tạo nên cơ sở căn bản để kiềm chế được lạm phát.

HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết