02/08/2020 - 21:13

Bí thư các cấp trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống COVID-19 

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sáng 2-8-2020, Thành ủy, UBND TP Cần Thơ họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố (Ban chỉ đạo) và các đầu cầu quận, huyện. Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy và đồng chí Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Trưởng Ban chỉ đạo - chủ trì hội nghị.

Rà soát, quản lý chặt người đi về từ vùng dịch

Quang cảnh buổi họp trực tuyến.

TP Cần Thơ hiện chưa phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tại có 201 người đang cách ly tập trung và 1.083 người đang theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú (trong đó có 1.074 trường hợp đi qua Đà Nẵng, Quảng Nam). Dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ lây nhiễm ra nhiều địa phương trong cả nước.

Thành phố thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát kiểm tra trong cộng đồng dân cư, cơ quan, công sở các trường hợp đi/đến Đà Nẵng từ ngày 5-7, hiện đang có mặt trên địa bàn TP Cần Thơ. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào có tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19. Ngoài ra, 215 người có triệu chứng liên quan đến COVID-19 được cách ly tập trung tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm, tất cả đều âm tính. Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tất cả hành khách trên các chuyến bay từ Đà Nẵng về Cần Thơ, kết quả âm tính.

Tại hội nghị trực tuyến, các đại biểu băn khoăn về kiểm soát người nhập cảnh trái phép, người từ vùng dịch về di chuyển bằng phương tiện cá nhân... Đồng chí Lê Quang Mạnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ quản lý cơ sở lưu trú, ngoài đăng ký tạm trú cho khách với công an, cần hỏi thêm lịch sử di chuyển của khách. Công an thành phố phối hợp chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ người lạ đến cư trú, tạm trú trên địa bàn.

Về cách ly tập trung, hiện thành phố chưa có cơ sở cách ly có thu phí. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Sở đã làm việc với 2 cơ sở lưu trú đồng ý thực hiện cách ly tập trung có thu phí với khả năng tiếp nhận của 2 cơ sở là 80 người, đang đề nghị Sở Y tế phối hợp địa phương thẩm định và đưa vào sử dụng.

Lấy mẫu xét nghiệm hành khách chuyến bay Đà Nẵng về Cần Thơ ngày 26-7.

Quyết liệt truy vết bởi tốc độ lây nhiễm gấp 2-3 lần đợt dịch bệnh trước
Ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh nội dung trên tại cuộc họp trực tuyến tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội tổ chức sáng 2-8. 
Ông Nguyễn Thanh Long đánh giá dịch bệnh lần này xuất hiện tại Đà Nẵng - thành phố du lịch có lưu lượng người đi/đến quá lớn. Có 1,4 triệu người đã từng đi/đến Đà Nẵng từ 1-7-2020 đến 29-7-2020, riêng khu vực 3 bệnh viện ở Đà Nẵng có đến 800.000 lượt người đi/đến. Bộ Y tế huy động lực lượng tinh nhuệ, đông nhất từ trước đến nay để hỗ trợ cho Đà Nẵng và Quảng Nam. Các địa phương vì vậy cần tăng tốc truy vết tất cả người đi/đến Đà Nẵng, tăng tốc xét nghiệm những người từng đến các địa điểm mà Bộ Y tế khuyến cáo. Đợt dịch bệnh lần này có tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước, gấp 2-3 lần, nên các địa phương cần quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, triển khai ngay tất cả biện pháp dù địa phương chưa có ca bệnh để khi xuất hiện tình huống xấu thì kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhanh nhất. Các cơ sở y tế có hợp đồng với bảo hiểm y tế tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân có yếu tố nguy cơ được xét nghiệm và bảo hiểm y tế chi trả. Các cơ sở chưa đủ điều kiện xét nghiệm thì lấy mẫu gởi cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm. Việc xét nghiệm càng sớm càng tạo thuận lợi cho khống chế dịch bệnh. Địa phương phải chủ động việc xét nghiệm, không chờ Trung ương.

Chủ động, sẵn sàng

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Trung nhấn mạnh dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp. Người dân Cần Thơ đến Đà Nẵng du lịch rất đông. Trước diễn biến mới của dịch, Ban chỉ đạo rất chủ động. Thành ủy đã ban hành 2 văn bản liên tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Thời gian tới, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành quán triệt quan điểm “chống dịch như chống giặc”. Bí thư, cấp ủy từ thành phố đến cơ sở trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; không giao khoán cho Ban chỉ đạo địa phương; huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc; bình tĩnh, chủ động, không chủ quan, lơ là nhưng không gây hoang mang, mất ổn định. Từ thành phố đến cơ sở, nhất là ở khu vực, ấp, tổ dân cư tập trung rà soát người nhập cư trái phép, người từ vùng dịch đến địa bàn, kịp thời cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Các bệnh viện cảnh giác, chú ý phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo. Sở Công Thương tăng cường quản lý, kiểm tra, không để hàng hóa tăng giá đột biến, nhất là hàng hóa thiết yếu và phòng, chống dịch. Sở Y tế rà soát, dự trù mua sắm bổ sung thiết bị, tính toán các phương án, đề xuất cụ thể, dự trù các tình huống xấu nhất.

Đồng chí Lê Quang Mạnh yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tuyệt đối không chủ quan lơ là, phải luôn chủ động và sẵn sàng, nhất là trong nắm bắt thông tin để ứng phó, không chờ chỉ đạo từ trên xuống. Bởi vì dịch bệnh diễn biến rất nhanh, nếu chờ chỉ đạo, không phản ứng kịp thời thì sẽ dễ mất kiểm soát. Tuy nhiên, không được mất bình tĩnh, khiến sự việc nghiêm trọng hơn mức cần thiết. Đảm bảo 2 mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Về việc tạm dừng tổ chức sự kiện có tập trung đông người, khuyến cáo hạn chế tập trung nhiều người tại tiệc cưới, tang lễ, các hoạt động kinh doanh không thiết yếu… theo tinh thần văn bản số 262 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-7-2020, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng phương án dừng sự kiện, dừng các hoạt động nếu dịch bệnh có tình huống bắt buộc chúng ta phải làm. UBND thành phố đã có văn bản vận động người dân thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 19, hạn chế tụ tập đông người, không ra khỏi nhà nếu không cần thiết, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; cài đặt ứng dụng NCOVI, Bluzone trên thiết bị di động, thực hiện nếp sống văn minh đô thị… 

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Sở Y tế cập nhật lại kịch bản phòng, chống dịch, nhất là sinh phẩm xét nghiệm diện rộng trong trường hợp dịch diễn biến xấu. Sở Y tế chỉ đạo xét nghiệm các trường hợp về từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi trong thời gian gần đây; chuẩn bị tổ chức bệnh viện dã chiến trong trường hợp cần thiết.

Mỗi ngôi nhà là một pháo đài chống dịch COVID-19
(CT) - Chiều 2-8-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch COVID-19. Tại điểm cầu Cần Thơ, đến dự có đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy; đồng chí Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; cùng Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố.
Tại cuộc họp, đồng chí Lê Quang Mạnh kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm các sinh phẩm xét nghiệm cho Cần Thơ trong trường hợp xét nghiệm diện rộng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Dự báo dịch COVID-19 sẽ còn phức tạp nếu không khoanh vùng, dập dịch quyết liệt. Vì thế cần tăng tốc, cương quyết xử lý các ổ dịch; tranh thủ từng giờ, từng phút truy vết. Chúng ta bình tĩnh, chủ động, kiên quyết ngăn ngừa có hiệu quả làn sóng COVID-19 thứ hai. Các địa phương chưa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm đứt gãy nền kinh tế. Người dân chủ động khai báo y tế, cài đặt Bluzone. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch. Các bệnh viện cần có biện pháp quản lý tốt, không để xảy ra ổ dịch trong bệnh viện. Các bộ, ngành, địa phương rà soát, phối hợp, tháo gỡ các vướng trong thực hiện gói hỗ trợ, gói an sinh, gói tiền tệ, gói tài khóa. Xử lý nghiêm minh các trường hợp tung tin giả, gây hoang mang dư luận; tiếp tục kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở, khởi tố các trường hợp nhập cảnh trái phép, đặc biệt là các đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình thực tiễn để chỉ đạo các phương án cụ thể đảm bảo an toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, có phương án cụ thể, chặt chẽ các địa phương cách ly, giãn cách xã hội.
Chiều 2-8, Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 30 ca mắc COVID-19, trong đó Đà Nẵng 16 ca, Quảng Nam 9 ca, Đắk Lắk 2 ca, Đồng Nai 1 ca, Khánh Hòa 1 ca, Hà Nam 1 ca. Tính đến 18 giờ ngày 2-8, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 620 ca COVID-19, trong đó 373 ca đã được chữa khỏi bệnh, 5 ca tử vong.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết