16/10/2010 - 21:13

Bến xe đò Cần Thơ
xưa và nay

Phần còn lại Bến xe mới Cần Thơ hiện nay.
Ảnh: ANH KHOA

Ở thành phố Cần Thơ, từ thời Pháp thuộc đến nay đã có những bến xe đò đưa rước khách như: Bến xe Hàng Xoài, Bến xe đường Ngô Quyền, Bến xe đường Hàng Bã Đậu, Bến xe mới (đường Hùng Vương), Bến xe 91B...

Trước hết xin đề cập đến bến xe đò liên tỉnh đường Hàng Xoài xuất hiện trước năm 1945. Ai là người có tuổi đời trên 70 và đã từng ở tại Cần Thơ mới biết. Theo ông Phan Lương Minh, con ông Phan Lương Báo (Hiệu trưởng trường tư thục Võ Văn xưa), bến xe đò này nằm ở Route Colonial (đường thuộc địa- Quốc lộ 4) sau gọi đường Hàng Xoài (nay là đường Hòa Bình). Tại sao lại gọi là đường Hàng Xoài? Được biết, trên đoạn đường này thời Pháp thuộc có trồng giữa đường hai hàng xoài song song. Xe đò đậu dài từ đầu ngã tư Ngô Quyền xuôi theo về phía nhà thương. Có 2 hãng xe đò đưa khách đi Sài Gòn do người Việt Nam ta làm chủ. Tuy rằng bến xe mà kỳ thật chẳng có mái che, cũng không có bảng hiệu, phía bên kia là đồn cảnh sát cao cẳng (vị trí nhà sách Phương Nam bây giờ). Với bến xe đò này nhà văn Sơn Nam có nhiều kỷ niệm khá lý thú: “...bến xe đò, từng đoàn người ngồi tràn lề đường thích thú với việc đờn ca vọng cổ, phần lớn là dân lao động, thêm số người lanh lẹ là lơ xe đò (phụ xế), họ đi về tận Sài Gòn, Cà Mau, Sóc Trăng. Đàn Kìm (Nguyệt), thêm đàn ghita, loại đàn Tây Ban Nha này cải tiến chút ít, khoét phím, lên dây lại dường như “hội nhập” được với hơi hướm, hò, xự, xang, xê, cống, nghe khá du dương. Trong giới mộ điệu vài người ăn mặc sang trọng, nghe giới thiệu thì đó là vị Mạnh Thường Quân sẵn sàng chi tiền cho anh em phát triển nhạc “tài tử”, thí dụ như mua gà vịt, thêm chút ít rượu...” (Hồi ký Sơn Nam, tập I, tr.71). Nhà văn Sơn Nam còn cho biết giá cả đi xe trên một số tuyến đường : “...Tiền xe từ Rạch Giá đến Cần Thơ là một đồng hai (120km) nhưng nhỏ tuổi như tôi chỉ tốn có 6 cắc (60 xu). Tôi lên xe ngồi để người phụ xế sắp đặt chỗ ngồi cho gọn, khép nép, chung quanh xe là nhiều người rao hàng để hành khách ăn buổi sáng vì buổi trưa mới đến bến Cần Thơ. Tôi còn nhỏ, ba tôi cho riêng tôi 2 cắc (20 xu), rất tủi thân vì trong khi ấy gia đình khá giả dám trả 1 đồng hai (hai chỗ dành cho trẻ con rộng rãi hơn) lại dành cho con một cái bánh bao to để ăn dọc đường. Xe khách bóp kèn inh ỏi, chạy vòng quanh để tìm kiếm khách. Rồi bỗng nhiên chạy thẳng theo đường Cần Thơ” (tr.517). Và: “Bấy giờ, dầu lửa, dầu xăng đều bị quản lý chặt chẽ. Dầu xăng chỉ là rượu cồn chế biến lại, có màu tím dợt. Xe ô tô chở khách phải dùng “ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau. Trước khi cho xe khởi động thì quạt lên cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi “Autogène”, theo mô hình của kỹ sư Thịnh Hưng Ngẫu sáng tạo ở Sài Gòn” (tr.156).

Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ngày 26-8-1945 quân dân ta làm chủ tình hình Cần Thơ, tiếp theo ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tai Quảng trường Ba Đình tuyên bố cùng quốc dân và cả thế giới đều rõ biết “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời” lá cờ đỏ sao vàng ngợp trời tung bay trong gió, trước sự hồ hởi, phấn khởi của hàng hàng lớp lớp người Việt khao khát độc lập tự do nói chung và cán bộ nhân dân Cần Thơ.

Niềm hạnh phúc sướng vui chưa được bao lâu, vào đầu tháng 10-1945 quân Pháp do tướng Leclere cầm đầu, núp bóng liên quân Anh - Ấn (giải giới Nhật) trở lại Sài Gòn, cố gắng tái lập lại ách thống trị tại ba xứ Đông Dương. Quân ta tuy đông, tinh thần yêu nước cao vời nhưng rồi tạm thời rút lui, tránh thế giặc đang mạnh, rút vào căn cứ cách mạng kháng chiến. Cần Thơ bị quân giặc chiếm. Bến xe đò liên tỉnh di dời từ Hàng Xoài xuống đường Ngô Quyền, sau chuyển xuống đường Hàng Bã Đậu (khúc đối diện với Trường Võ Văn). Trong Cần Thơ xưa, tác giả Huỳnh Minh ghi lại: “...Lúc trước, bến xe đò được đặt ở đại lộ Saintenoy (sau là Ngô Quyền) sau dời xuống đường Paul Bert (sau là Nguyễn An Ninh) chỗ hàng Bã Đậu chật hẹp, sình lầy vô cùng bất tiện” (tr.230). Bến xe nằm ở đường Ngô Quyền mà kỳ thật xe đò chỉ đậu từ khúc ngã tư Phan Đình Phùng và Ngô Quyền xuôi về phía bến tàu, cụ thể là trước tiệm Hồng Phát, Ngãi Xiêm, nhà sách Văn Nhiều... và mỗi xe chỉ đậu đón khách không được quá 5 phút. Riêng bến xe đường Hàng Bã Đậu thì dài và rộng hơn nhờ nằm trên lộ và trên cả lề đường (vì thuở ấy khúc này trống trải) xe đò, xe hàng đều đậu cả. Xe đò có 4 hãng lớn là Đức Hiệp, Đại Đồng, Thiên Tân và Nhơn Hòa, Đại Đồng có trạm riêng phía lộ bên kia, còn Nhơn Hòa có trạm đối diện với Cầu Củi (đường Nguyễn Trãi).

Về bến xe mới (đường Hùng Vương) Huỳnh Minh viết: “Qua khỏi chỗ có cây cầu Sáu Thanh cũ mà nay đã lấp bằng ấy, xe chạy tới ngã ba (đúng ra thì nay là ngã tư vì phóng thêm một con lộ thẳng, hồi trước thì tục gọi ngã ba Cây Xăng). Bạn trông thấy ngay công trường Tự Do, phía trái là Đại lộ Hai Bà Trưng, phía mặt là đường liên tỉnh số 27 đi Long Xuyên.

“Xe ngừng tại bến, bạn sẽ chẳng khỏi ngạc nhiên tán thưởng. Đây cũng là một khu tân tạo công viên rộng rãi, bến xe dài 250 thước, rộng 60 thước là nơi tập trung các lái xe chở khách đi Bạc Liêu, Sóc Trăng, Châu Đốc..v.v..

“...Cứ xem năm 1966 bến xe ở Thủ đô Sài Gòn cũng chưa có được một khoảng trống riêng biệt như Phong Dinh”.

“ Đã thế, những căn phố lầu khang trang nằm dọc theo đại lộ sau bến xe dùng làm khách sạn, tiệm ăn, nhà thuốc tây, bán hàng tạp hóa.v.v... Cảnh trí lộng lẫy tưng bừng như lúc nào cũng hân hoan chào đón du khách từ bốn phương đổ về đây” (tr.230). Huỳnh Minh mô tả, cách nay đã 44 năm, hiện giờ vật đổi sao dời hình ảnh cũ chỉ để lại một chút hoài niệm...

Bến xe đò của Cần Thơ trước năm 1975 còn gọi là Bến xe mới. Bến xe 91B ra đời tháng 3-1995 với quy mô 3,5ha. Đến cuối năm 2002 công trình hoàn thành và tháng 1-2003 đã chính thức được bàn giao cho xí nghiệp Bến xe tàu Cần Thơ (nay là Công ty CPBXTP Cần Thơ) quản lý và khai thác song song với bến xe đường Hùng Vương (một phần Bến xe Ninh Kiều).

Lịch sử các bến xe của Cần Thơ tính ra đến nay tròm trèm gần thế kỷ. Được biết tương lai TP Cần Thơ sẽ xây dựng thêm hai bến xe khách nữa tại phường Hưng Phú và Ba Láng (quận Cái Răng) nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

NGUYỄN TẤN VĨNH

THAM KHẢO:

- Địa lý Cần Thơ, Tỉnh ủy và UBND Cần Thơ, 2002.

- Cần Thơ xưa, Huỳnh Minh, NXB Thanh Niên, 2001.

- Hồi ký Sơn Nam tập I, NXB Trẻ, 2005.

Chia sẻ bài viết