27/09/2018 - 11:29

Bảo vệ quyền, lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng 

Xu hướng tiêu dùng hiện đại, bên cạnh việc phòng chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng còn muốn biết rõ hơn thông tin về sản phẩm, như: quy trình nuôi trồng thế nào; chế biến, đóng gói ra sao; đạt được các chứng nhận gì... Từ thực tế này, giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử thông qua mã QR (Quick Response - mã phản hồi nhanh) ra đời và nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà sản xuất, phân phối lẫn người tiêu dùng.

Tại Hội thảo “Nông nghiệp thông minh- Ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VNPT Cần Thơ) tổ chức vừa diễn ra, ông Bùi Duy Ninh, đại diện VNPT Cần Thơ, khẳng định: “Việc áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh vào quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm là hết sức cần thiết. Đặc biệt, ứng dụng công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm điện tử đã và đang được nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng quan tâm vì những lợi ích trước mắt và lâu dài”.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Trong thỏa thuận hợp tác về triển khai “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025”, ngoài việc hỗ trợ TP Cần Thơ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: chính quyền số, du lịch, giao thông, y tế, giáo dục, an ninh công cộng, quy hoạch đô thị,… thì nông nghiệp thông minh cũng là lĩnh vực được quan tâm đầu tư. Trong đó, dịch vụ VNPT Check - Tem điện tử xác thực hàng hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản, góp phần chống lại hàng gian, hàng giả”.

VNPT-Check sử dụng các công nghệ tiên tiến để kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Theo đó, khi doanh nghiệp sử dụng VNPT Check sẽ được cấp mã tem điện tử và in tem điện tử trên sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Về phía người tiêu dùng chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet và cài đặt phần mềm VNPT Check hoặc thông qua một số phần mềm hỗ trợ quét mã QR code như: Zalo, facebook… có thể quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm. Một đặc điểm nổi bật của tem điện tử là được thiết kế tương thích, áp dụng cho nhiều loại hàng hóa và ở mọi lúc, mọi nơi.

Kết quả hiện trên màn hình điện thoại thông minh sau khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm dưa lưới của Cần Thơ Farm.

Ông Phạm Phú Thịnh, đại diện VNPT Cần Thơ, nhấn mạnh: “Với VNPT Check, quyền và lợi ích của nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng hoàn toàn được đảm bảo. Theo đó, thông qua công cụ hỗ trợ này, nhà sản xuất, doanh nghiệp kịp thời phát hiện, ngăn chặn sản phẩm giả, tự bảo vệ quyền lợi chính mình; cung cấp thông tin kinh doanh tin cậy, kịp thời tới khách hàng; giúp doanh nghiệp quảng bá, tăng độ nhận biết sản phẩm; tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu uy tín đối với khách hàng. Đối với người tiêu dùng, sẽ dễ dàng tra cứu, kiểm tra được những thông tin liên quan đến nhà sản xuất và sản phẩm; tự bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của mình và góp phần ngăn chặn hàng nhái, hàng giả…”.

Ở khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, VNPT Check đã được triển khai ứng dụng tại nhiều đơn vị, trên nhiều dòng sản phẩm: Thủy sản 007, gạo ST, khô trâu Sáu Sành, gạo Tài Nguyên Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng); bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (tỉnh Bến Tre); cua Cà Mau (tỉnh Cà Mau); Cơ sở sản xuất Nông trại sạch Cần Thơ - Cần Thơ Farm, rượu Phong Điền (TP Cần Thơ)... Ông Nguyễn Văn Phong, Chủ Cơ sở sản xuất Cần Thơ Farm, chia sẻ: “Sử dụng tem truy xuất nguồn gốc làm chi phí sản xuất tăng thêm (400-500 đồng/tem). Tuy nhiên, đây là giải pháp hữu hiệu để xác nhận trái dưa lưới đó do Cần Thơ Farm làm ra và mạnh dạn khẳng định chất lượng, độ an toàn của sản phẩm là hoàn toàn chính xác. Bên cạnh sản phẩm dưa lưới, chúng tôi sẽ tiếp tục dán tem cho dòng sản phẩm rau các loại”.   

Những lợi ích từ việc truy xuất nguồn gốc điện tử nói chung và VNPT Check nói riêng đã được khẳng định. Tuy nhiên, theo ông Trần Thế Như Hiệp, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ TP Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, với truy xuất nguồn gốc điện tử, chúng ta mới chỉ giải quyết ở khâu cuối cùng của sản phẩm (tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trên thị trường). Trong khi đó, đường đi chuỗi giá trị nông sản của nền nông nghiệp thông minh, “đầu ra” của khâu này lại là “đầu vào” của khâu kia. Chính vì vậy, bên cạnh ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử, VNPT nên khai thác hạ tầng lõi về công nghệ thông tin để hỗ trợ IoT, lắp đặt hệ thống cảnh báo hạn mặn, sâu bệnh… để hình thành nên chuỗi giá trị nông sản hoàn thiện với độ chính xác cao nhất.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp đã xây dựng Kế hoạch “Nhân rộng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và định hướng áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020”. Theo đó, thành phố sẽ đào tạo, hướng dẫn sử dụng và cập nhật, truy xuất thông tin sản phẩm qua hệ thống thông tin điện tử cho các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đối với các sản phẩm nông sản như thịt gia súc, gia cầm; rau, củ, quả, trái cây; sản phẩm nông lâm thủy sản chế biến bao gói sẵn sẽ tiến hành xây dựng gắn tem và mã số nhận diện thí điểm bước đầu tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng lớn trên địa bàn thành phố. Đồng thời xây dựng 1 hệ thống website thông tin điện tử về truy xuất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết