31/08/2008 - 20:25

Báo động nạn gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu ở TP Cần Thơ

Đội kiểm tra liên ngành đang kiểm tra định lượng tại một cơ sở KDXD. Ảnh: NVS

Ngày 15-8-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1353/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương trong cả nước kiểm tra kịp thời, làm rõ hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu (KDXD). Ở TP Cần Thơ, từ đầu tháng 7-2008, Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của thành phố (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 127) đã tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là kiểm tra các cơ sở KDXD. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp KDXD cố tình vi phạm.

Không sợ thanh tra

DNTN Nam Thạnh, tham gia kinh doanh xăng dầu tại huyện Phong Điền từ tháng 6-2000, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 5701000117, do ông Nguyễn Văn Thạnh đứng tên, ngoài trụ sở chính tại ấp Tân Lợi, xã Tân Thới còn có chi nhánh tại ấp Trường Thuận, xã Trường Long. Cả hai địa điểm có đến 8 trụ bơm và đều nằm ở vị trí trên bến dưới thuyền.

Ngày 4-7-2008, nhiều người dân ở ấp Tân Lộc, xã Tân Thới, huyện Phong Điền đã gởi đơn đến UBND TP Cần Thơ, UBND huyện Phong Điền và Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) phản ánh động cơ ghe máy và xe ô tô của họ bị hỏng hóc do sử dụng nhiên liệu tại cây xăng Nam Thạnh. Trong đó, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn do đó là phương tiện ghe chở hàng hóa hoặc xe honda ôm để nuôi sống gia đình. Khi bà con kiểm tra phát hiện bình nhiên liệu có lẫn nước, tạp chất đã thông báo cho ông Thạnh biết, đồng thời mời đại diện chính quyền đến chứng kiến, nhưng ông Thạnh vẫn tiếp tục bán nhiên liệu kém chất lượng. Ngày 11-7-2008, Thanh tra Sở KH-CN đã tổ chức thanh tra phát hiện DNTN Nam Thạnh phá niêm chì cột bơm dầu diesel và có 2.000 lít xăng A 92 có lẫn tạp chất. Kết quả xét nghiệm mẫu xăng này cho thấy chỉ số octan chỉ còn 86,4. DNTN Nam Thạnh đã bị Thanh tra Sở KH-CN xử phạt hành chính 22,5 triệu đồng và buộc tái chế lô hàng xăng A 92 kém chất lượng. Ông Nguyễn Minh Thế, Chánh Thanh tra Sở KH-CN, cho biết: “Trong năm 2007, DNTN Nam Thạnh cũng bị xử phạt hành chính vì bán nhiên liệu kém chất lượng”.

Hơn nửa tháng sau (ngày 31-7), cơ sở KDXD tại ấp Trường Thuận, xã Trường Long của ông Nguyễn Văn Thạnh đã bị Đội kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo 127 TP Cần Thơ kiểm tra, đối chiếu sổ sách phát hiện trong tháng 1-2008 doanh nghiệp đã nhập thừa 9.552 lít xăng A 83 so với dung tích bồn chứa tại đây. Đoàn kiểm tra phải đến cây xăng của ông Nguyễn Văn Thạnh tại xã Tân Thới để kiểm tra, phát hiện số bồn chứa xăng A 83 ở đó không thể chứa thêm 9.552 lít xăng A 83 mà ông Thạnh đã nhập thừa. Khi đó, ông Nguyễn Văn Thạnh mới thừa nhận: “9.552 lít xăng A 83 đó tôi đã đổ vào bồn xăng A 92 để hưởng chênh lệch giá được trên 3,8 triệu đồng”. Ông Nguyễn Văn Sanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường kiêm Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 127 cho biết: “Theo quy định, DNTN Nam Thạnh đã bị phạt hành chính 10 triệu đồng và mức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch giá sung vào ngân sách”. Tính chung, với hành vi gian lận thương mại tại 2 cơ sở KDXD, ông Nguyễn Văn Thạnh đã bị phạt hành chính đến 32,5 triệu đồng.

DNTN Tiến Thọ, tại ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An, huyện Thốt Nốt do ông Võ Tòng Trung đăng ký KDXD, được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Cần Thơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 5701000929 ngày 15-1-2004, có quy định “khi hoạt động phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán xăng dầu do Sở Thương mại cấp”. Thế nhưng, đến thời điểm Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra (ngày 11-8-2008), DNTN Tiến Thọ không xuất trình được giấy Chứng nhận đủ điều kiện KDXD, ngoài ra, còn có nhiều vi phạm khác, như: không xuất trình được hợp đồng làm đại lý (mua nhiên liệu không rõ nguồn gốc), không đóng thuế VAT theo quy định đối với doanh nghiệp (hưởng mức thuế khoán 800.000 đồng/tháng), cột bơm xăng A 92 bị sai số đến 950ml/20.000 lít, vượt xa so với tiêu chuẩn cho phép (dưới 100 ml/20.000 lít). Làm việc với Đội kiểm tra liên ngành là ông Võ Tiến Thọ (con của ông Võ Tòng Trung), ông Thọ cho biết: “Ba tôi đang đi du lịch”. Ông Nguyễn Văn Sanh nói: “Theo quy định việc xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện với chủ doanh nghiệp, Đội kiểm tra liên ngành tạm giữ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Biên lai thuế của DNTN Tiến Thọ, hẹn khi ông Võ Tòng Trung đi du lịch về thì đến cơ quan Quản lý thị trường TP Cần Thơ tại đường Trần Phú, quận Ninh Kiều để hoàn tất hồ sơ vụ việc”.

Trước đó, khi Thanh tra Sở KH-CN kiểm tra cơ sở KDXD của DNTN Nam Thạnh tại xã Tân Thới thì ông Thạnh cũng không có mặt, đoàn thanh tra phải làm việc với bà Nguyễn Thị Lẫy vợ của ông Thạnh. Đến khi cơ sở KDXD tại xã Trường Long bị Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra, làm rõ hành vi gian lận thương mại thì ông Thạnh mới chịu đến Sở KH-CN thực hiện quyết định xử phạt hành chính.

Phòng chống gian lận còn lắm gian nan

Ông Nguyễn Văn Sanh cho biết: “Theo quy định, quá trình kiểm tra và xử phạt hành chính đối với cơ sở KDXD phải có đại diện của các cơ quan chức năng, như: Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Thanh tra của Sở KH - CN, Thanh tra của Chi cục Thuế, Phòng Quản lý giá công sản (Sở Tài chính), Phòng PC 15 (Công an TP Cần Thơ). Trường hợp kiểm tra, phát hiện cơ sở KDXD có hành vi gian lận thương mại phải lập biên bản xử lý hành chính thì người ký biên bản phải là chủ doanh nghiệp. Trên thực tế, vào đợt kiểm tra cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra công khai, vậy mà doanh nghiệp KDXD cố tình đối phó bằng cách lánh mặt khi cơ quan chức năng đến kiểm tra nhằm kéo dài thời gian xử lý hành chính”.

Trong công tác kiểm tra cơ sở KDXD, ngoài hạn chế về mặt nhân sự, các cơ quan chức năng còn gặp khó khăn thêm về kinh phí hoạt động phối hợp kiểm tra lấy mẫu thử nghiệm. Để xử phạt doanh nghiệp vi phạm về chất lượng xăng, dầu, cơ quan chức năng phải lấy mẫu nhiên liệu gởi đến Trung tâm 3 (Quatest 3) TP Hồ Chí Minh thử nghiệm, chi phí thử nghiệm lên đến 1,8 triệu đồng/mẫu. Để thực hiện Kế hoạch 21/KH-BCĐ của Ban chỉ đạo 127 TP Cần Thơ về việc tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường góp phần kiềm chế lạm phát. Cuối tháng 6-2008, ông Đỗ Văn Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường đã có văn bản đề nghị thành phố hỗ trợ 65 triệu đồng cho chi phí kiểm mẫu đối với 5 mặt hàng giá cả dễ biến động là: xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón và gạo. Tuy nhiên, mãi đến giữa tháng 8-2008 Sở Tài chính mới có Văn bản số 1597/STC-HCSN tham mưu UBND TP Cần Thơ chi hỗ trợ 26,64 triệu đồng từ nguồn thu công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Ông Nguyễn Văn Sanh cho biết thêm: “Hiện nay, công tác kiểm tra cơ sở KDXD vẫn tiếp tục, nhưng kinh phí dành cho việc kiểm mẫu quá hạn chế, Đội kiểm tra khó thực hiện được mục tiêu ngăn chặn cơ sở KDXD gian lận thương mại”. Trả lời việc tại sao Ban Chỉ đạo 127 không đề nghị thành phố cấp kinh phí bổ sung, ông Sanh nói: “Năm 2008, Ban Chỉ đạo 127 chỉ được thành phố giao kinh phí hoạt động 20 triệu đồng, khi Thường trực UBND thành phố đề ra Kế hoạch 21/KH-BCĐ mới được cấp thêm hơn 52 triệu đồng. Trong đó, có cả phần chi phí kiểm mẫu”.

* * *

TP Cần Thơ hiện có trên 300 cơ sở KDXD, trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch 21/KH-BCĐ Đội kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 15 cơ sở KDXD tập trung trên các tuyến quốc lộ, phát hiện 8 cơ sở vi phạm về chất lượng, đo lường, về giá cả và điều kiện đăng ký kinh doanh, về việc nộp thuế. Tổng số tiền phạt hành chính lên đến trên 46 triệu đồng. Thực tiễn, nguồn kinh phí chi cho hoạt động kiểm tra cơ sở KDXD trích từ nguồn thu công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương triệt để kiểm tra, làm rõ hành vi gian lận thương mại của các cơ sở KDXD, đồng thời, thông tin trên phương tiện đại chúng các cơ sở KDXD kém chất lượng. Thiết nghĩ, đây là những điều kiện thuận lợi để Đội kiểm tra liên ngành tránh những cản ngại không đáng có, phát huy chức năng kiểm soát thị trường giúp người dân không bị thiệt thòi vì doanh nghiệp KDXD cố tình gian lận thương mại.

 ĐÌNH KHÔI

 ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết