09/11/2009 - 20:47

Bác Sáu Chiêu thích làm từ thiện!

Ông Bùi Văn Chiêu và cháu nội Bùi Phương Linh bên cây cưa điện và cây bào điện.

Dù tuổi đã 90, nhưng ông Bùi Văn Chiêu (người dân địa phương quen gọi là bác Sáu Chiêu), ngụ ấp Thới Hiệp 1, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, vẫn say mê với công tác xã hội. 17 năm qua, bác Sáu Chiêu đã mở phòng thuốc nam và trại hòm ngay trên phần đất nhà để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Việc làm của bác Sáu Chiêu đã được rất nhiều người đồng tình ủng hộ và noi gương.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, tôi chạy xe men theo con đường lót đan thẳng vào ấp Thới Hiệp 1, gặp 1 trại hòm được cất trên mé sông, xéo xéo trại hòm có một căn nhà được cất với kiểu dáng bình thường, đó chính là nhà bác Sáu Chiêu. Bên trong nhà, bác Sáu Chiêu đang nhâm nhi tách trà, trò chuyện rôm rả cùng bà con lối xóm. 90 tuổi, nhưng trông bác Sáu Chiêu vẫn còn khỏe mạnh, tai vẫn thính và minh mẫn.

Từ năm 1992 đến nay, bác Sáu Chiêu là Chi hội Trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp Thới Hiệp 1 (trước đây khi chưa có tên gọi Chi hội Chữ thập đỏ, mọi người thường gọi là tổ từ thiện). Cũng từ năm 1992, bác Sáu Chiêu thành lập trại hòm và phòng thuốc nam. Bác Sáu Chiêu tâm sự: “Vì gia cảnh khó khăn, vợ tôi mất vì bệnh tật. Tôi cũng từng chứng kiến nhiều người quen biết bị bệnh mà không có tiền mua thuốc uống, chết mà không có hòm chôn... Nên sau khi lo cho con cái có của ăn của để, tôi nguyện làm việc gì đó có ích cho xã hội”. Từ tâm niệm đó, bác Sáu Chiêu gom góp tiền bạc trong nhà và đi vận động bạn bè, bà con lối xóm thành lập phòng thuốc nam và trại hòm để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi ngày, phòng thuốc nam có từ 30 đến 100 bệnh nhân đến khám bệnh và bốc thuốc. Tại phòng thuốc nam có hai người làm việc, đó là lương y Phạm Thị Tám - phụ trách khám bệnh và bốc thuốc cho bệnh nhân, và cô Trần Thị Ngò - đảm nhận việc dọn dẹp vệ sinh và canh giữ phòng thuốc. Những người đến làm việc cho phòng thuốc nam chủ yếu là tự nguyện, không lương, nhưng hầu hết đều gắn bó với công việc. Như lương y Phạm Thị Tám đã gắn bó với phòng thuốc của bác Sáu Chiêu 10 năm nay, tâm sự: “Do cảm kích lòng nhân ái của bác Sáu Chiêu nên tôi đến làm việc không nhận thù lao ở phòng thuốc này”. Từ khi bác Sáu Chiêu mở phòng thuốc nam, gia đình cô Trần Thị Ngò (gồm 6 thành viên) đều đến đây làm từ thiện. Cô Ngò bộc bạch: “Bác Sáu rất quan tâm, chăm lo cho phòng thuốc nam. Mỗi khi nghe lương y nói thuốc gần hết thì bác Sáu đi tìm cây thuốc bổ sung ngay”. Thời gian gần đây, do sức khỏe của bác Sáu đã yếu, gia đình cô Ngò tự đi tìm cây thuốc, rồi về chặt, phơi, đỡ đần cho bác Sáu Chiêu.

Trước đây, mỗi khi phòng thuốc nam gần hết thuốc, cháu nội của bác Sáu Chiêu là Bùi Duy Phương chạy ghe (loại 5 tấn) chở bác cùng 7-8 hội viên Chi hội Chữ thập đỏ ấp Thới Hiệp 1, đi kiếm cây thuốc ở các địa phương khác. Em Bùi Phương Linh, cháu nội của bác Sáu Chiêu (học sinh lớp 9) ngoài giờ học cũng thường theo ông nội đi tìm cây thuốc. Phương Linh nói: “Mỗi lần theo ông nội đi tìm cây thuốc, em thấy vui vui. Em muốn sau này sẽ làm được nhiều điều có ích như ông nội. Ông nội vẫn thường dạy em là phải sống và làm việc có ích cho xã hội, biết yêu thương giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...”.

Ngoài việc mở phòng thuốc nam, hằng tháng, bác Sáu Chiêu còn tặng cho người nghèo từ 2-3 cái hòm. Trong năm nay, bác Sáu Chiêu đã tặng cho người nghèo khoảng 40 cái hòm, trong đó tặng cho Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) 20 cái hòm. Mỗi khi có ai cho cây, ván, bác Sáu Chiêu đều lấy ghe chở cây đến xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, để cưa, làm ván đóng hòm. Gương mặt vui vẻ, bác Sáu Chiêu kể: “Mỗi lần đóng hòm, mọi người tụ họp ở nhà tôi đông vui lắm. Người góp một chút công sức nên công việc hoàn thành rất nhanh. Làm từ thiện là nhằm chia sẻ, an ủi, động viên phần nào những khó khăn, bất hạnh đối với người nghèo nên ai cũng muốn góp phần nhiều người tham gia càng tốt”. Trước việc làm nhân nghĩa của bác Sáu Chiêu, một mạnh thường quân đã tặng cho trại hòm 1 cây cưa điện để rọc ván và 1 cây bào điện. Khệ nệ khiêng cây cưa điện, cây bào điện ra cho tôi xem, bác Sáu Chiêu vừa tấm tắc khen: “Cây cưa điện và cây bào điện này tốt lắm! Có nó công việc đóng hòm từ thiện được nhanh hơn”.

Ông Võ Văn Chánh, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Thới Hiệp 1, xã Đông Thắng, trước đây từng là thư ký cho bác Sáu Chiêu (từ năm 1992, khi bác Sáu Chiêu tham gia hoạt động xã hội), cho biết: “Thấy ông Sáu Chiêu nhiệt tình làm từ thiện mà chữ nghĩa không bao nhiêu, tôi tự nguyện làm thư ký cho ông Sáu Chiêu. Do là người có uy tín nên khi ông Sáu Chiêu đi vận động từ thiện, mọi người đều ủng hộ. Nhiều lúc trong trại không còn hòm, ông Sáu Chiêu tự mình xuất tiền túi để mua cây, vật liệu để đóng hòm”.

Cả cuộc đời của bác Sáu Chiêu gắn chặt với công vườn, mảnh ruộng. Vốn sinh ra ở huyện Phong Điền, nhưng do gia đình nghèo khó, bác Sáu Chiêu theo cha đến huyện Cờ Đỏ khai khẩn đất hoang, làm ruộng, rồi lập gia đình, sinh con. Bác Sáu Chiêu có 80 công ruộng và đã chia đều cho các con. Bác lao động cực khổ dành dụm lo cho con cái, giờ đây, cuộc sống của bác đã thảnh thơi, thoải mái. Bác Sáu Chiêu bộc bạch: “Vốn quen lao động nên tôi không thích cuộc sống an nhàn. Già rồi không làm được việc nặng thì tôi làm công việc nhẹ nhàng, vừa có ích cho xã hội, vừa để đức cho con cái. Mỗi khi giúp đỡ được ai, tôi thấy mình dường như được tiếp thêm sức mạnh. Chắc nhờ vậy mà tôi sống thọ”. Sáng nào bác Sáu Chiêu cũng được con cháu chở đi uống cà phê. Tại những nơi đến, bác Sáu Chiêu mở rộng thêm mối quan hệ và tìm cách vận động bạn bè tham gia làm từ thiện.

Những việc làm của bác Sáu Chiêu hết sức ý nghĩa, thể hiện tấm lòng nhân ái, tình người với nhau trong cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Đẹp, Công an viên ấp Thới Hiệp 1, bày tỏ: “Không riêng gì tôi mà hầu hết mọi người trong xóm ấp đều quý mến, kính trọng bác Sáu Chiêu. Đối với các mặt công tác của địa phương, bác Sáu luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia, xứng đáng là tấm gương sáng về tuổi cao, sức khỏe tốt, làm nhiều việc tốt cho đời học hỏi và noi theo”.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết