01/07/2018 - 15:53

Ấm áp nghĩa tình Thiếu Sinh Quân - Quân khu 9 

Đến hẹn lại lên đường. Lần này, anh Hoàng Thanh Sơn, Trưởng ban Liên lạc Thiếu Sinh Quân- Quân khu 9, đưa chúng tôi xuôi về miền biển, thăm lại nơi cách đây 40 năm, gần một trăm học sinh là con em gia đình cách mạng được đưa về xây dựng, học tập dưới mái trường cách mạng trong rừng U Minh.  Đó là Trường Thiếu Sinh Quân, Cục Chính trị, Quân khu 9; ra đời vào ngày 19 tháng 5 năm 1973 tại xã Vân Khánh, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá; nay là xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang (sau này trường chuyển về Cà Mau). Anh Hoàng Thanh Sơn trở lại để hoàn tất việc chuẩn bị cho buổi họp mặt vào cuối tháng 6 và khánh thành cầu Thiếu Sinh Quân- Quân khu 9, bắc qua kênh Chống Mỹ.

Anh Hoàng Thanh Sơn (người mặc quân phục) cùng đạo diễn Chánh Trực – người đang làm bộ phim 
“Thiếu Sinh Quân Quân khu 9 – Ba thế hệ một tấm lòng”.

Đứng trên bờ kênh bao quanh những cánh đồng. Thỉnh thoảng chiếc vỏ lãi chạy vút qua để lại một ánh nhìn xa vợi. Nhà dân thấp thoáng xen lẫn với tràm. Bà con luôn thân thiện dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Giao thông nông thôn ở đây hiện là nhu cầu cấp bách. Vì vậy, những học trò Thiếu Sinh Quân ngày xưa, nay luôn hướng về vùng quê nơi bà con đã đùm bọc, chở che những ngày họ còn đi học. Anh Hoàng Thanh Sơn tâm sự: “Trước đây, muốn biết chữ phải đổ cả máu và nước mắt, có thầy, có bạn đã hy sinh tại lớp học, bên bữa cơm chiều khi pháo giặc bắn vào. Vì những kỷ niệm xương máu ấy mà chúng tôi không thể không quay lại những nơi này”.

Ban Liên lạc Thiếu Sinh Quân- Quân khu 9 đã rong ruổi khắp mọi nơi, đến những điểm ngày xưa có Trường Thiếu Sinh Quân đóng quân, tìm hiểu và trình bày nguyện vọng hình thành sợi dây kết nối những học trò năm xưa với nhân dân, chính quyền địa phương. Hầu như mỗi nơi, Ban Liên lạc đến đều được địa phương và bà con nhiệt tình ủng hộ. Bốn năm kể từ khi củng cố lại Ban Liên lạc Thiếu Sinh Quân- Quân khu 9 đến nay, mỗi địa phương có ban liên lạc riêng và hoạt  động khá hiệu quả, cũng như thường xuyên trao đổi công việc qua điện thoại, email.

Năm nay Ban Liên lạc sẽ tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường Thiếu Sinh Quân đầu tiên của Tây Nam bộ, cũng như trong cả nước. Đó là trường được thành lập ngày 23 tháng 10 năm 1948 tại Chắc Băng (nay thuộc ấp Vĩnh Tây 2, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Nơi đây, vào tháng 6 năm 1949 hơn 300 học sinh đã dùng máu viết thư gởi Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa quyết tâm học tập và rèn luyện tốt. Đây cũng là nơi bà Nguyễn Hồng Châu (phu nhân nhà thơ Nguyễn Bính) dạy học. Vừa rồi chúng tôi đến thăm gia đình ông Đặng Hữu Tín, người cho đất cất Trường Thiếu Sinh Quân ngày xưa, nay gia đình lại vui vẻ đồng ý cho đất xây bia lưu niệm. Công việc cuối cùng này sẽ sớm hoàn thành trước khi tổ chức họp mặt kỷ niệm Thiếu Sinh Quân tròn 70 năm.

Những ngày này anh Hoàng Thanh Sơn đi lại như con thoi, vừa xuống An Minh thống nhất phương án làm cầu, kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu công trình; rồi về Cà Mau đôn đốc anh em dựng cho xong bộ phim tư liệu “Thiếu Sinh Quân Quân khu 9 - Ba thế hệ một tấm lòng”. Anh Sơn cho biết: Ban Liên lạc thống nhất những việc cần làm trong kỳ Họp mặt Thiếu Sinh Quân 3 thế hệ lần VII tại Cần Thơ, sau đó chúng tôi bắt tay vào việc ngay. Khó nhất là huy động kinh phí, nhưng không ngờ nhận được sự ủng hộ tích cực từ cựu học sinh Thiếu Sinh Quân, nay công tác trong và ngoài quân đội.

Cụ thể, Ban Liên lạc Thiếu Sinh Quân tại Cà Mau đã tập hợp anh em cựu học sinh Trường Thiếu Sinh Quân 962, Cục Hậu cần và Cục Chính trị Quân khu… cùng vận động cất nhà truyền thống Thiếu Sinh Quân trị giá khoảng 700 triệu đồng. Nơi đây hiện trưng bày những hiện vật, hình ảnh liên quan đến truyền thống Trung đoàn 962 khi xưa. Hiện tại đã bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý. Cà Mau là cái nôi của cách mạng và cũng là nơi cả ba trường Thiếu Sinh Quân kể trên có đóng quân cho đến ngày thống nhất đất nước. Còn Ban Liên lạc Thiếu Sinh Quân Trà Vinh đã tổ chức buổi họp mặt lần thứ I ôn lại truyền thống Thiếu Sinh Quân tỉnh nhà. Tại buổi họp mặt, đồng chí Trần Trí Dũng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy hứa sẽ vận động trao tặng 10 phần quà cho những bạn bè còn đang gặp khó khăn về nhà ở. Trà Vinh cũng đã cất, sửa chữa được 10 căn nhà trị giá gần 500 triệu đồng. Hay cựu học sinh Trường Thiếu Sinh Quân mang tên Anh Hùng Lực lượng Vũ trang Đoàn Văn Chia, trước giải phóng đóng quân tại xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, đã huy động anh chị em, bạn bè xây bia lưu niệm. Công trình nay đã hoàn thành. Hầu như mỗi học trò Thiếu Sinh Quân năm xưa đều có những việc làm cụ thể tri ân những nơi mình từng sống.

Đứng trên cầu Thiếu Sinh Quân- Quân khu 9 bắc qua kênh Chống Mỹ, anh Sơn lại nhẩm tính: “Kinh phí bắc cầu, làm phim tư liệu, lưu giữ hình ảnh thầy cô và những học sinh Thiếu Sinh Quân qua ba thế hệ…  không dưới 500 triệu đồng. Cộng hết các hoạt động thì đã vận động được trên 2 tỉ đồng”. Trước khi trở về Cần Thơ, anh Sơn không quên đến nghĩa trang, thắp nén nhanh cho thầy và các bạn đã ngã xuống. Lúc này, mắt anh nhìn thăm thẳm rồi nhẩm bài hát: “Chúng em là học sinh Thiếu sinh. Trên những nẻo đường về đây xây mái trường. Thiếu sinh quân nối tiếp truyền thống cha anh. Thiếu sinh quân…”. Giữa không khí thiêng liêng này, tôi nhớ lời Đại tá Trần Văn Lâu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng: “Ngày xưa, lúc ba tôi hy sinh, mẹ tôi dắt díu 5 đứa con lo chuyện ăn mặc, lại thêm giặc càn quét liên miên, pháo rơi trúng nhà. Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ các chú đưa vào học Trường Thiếu Sinh Quân”.l

CAO THANH MAI

Chia sẻ bài viết