25/04/2016 - 20:20

30 năm “Bóng biển”

Tối 24-4, Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) diễn vở "Bóng biển" trong chương trình sân khấu cải lương định kỳ "Hòa điệu đất Chín Rồng" do VTV Cần Thơ thực hiện. Câu chuyện về nhà giáo Phan Ngọc Hiển và cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai được soạn giả Trọng Nguyễn viết 30 năm trước, nay một lần nữa lay động trái tim người mộ điệu.

"Bóng biển" khắc họa hình ảnh nhà giáo Phan Ngọc Hiển- người con của quê hương Cần Thơ- xuống vùng Tân Ân, Rạch Gốc (Cà Mau) để dạy học và gầy dựng phong trào cách mạng. Ở đó, bọn mật thám, lính kín luôn rình rập nhưng thầy giáo Hiển vẫn hoàn thành nhiệm vụ bằng tài trí và sự yêu thương, tiếp sức của các đồng chí cùng những người dân quê như Quýt, Hương, ông Tư câu sấu… Cuối cùng, ông cùng đồng đội đã tiến hành khởi nghĩa Hòn Khoai thành công vào ngày 13-12-1940.

Cảnh Hương được công nhận là đảng viên trước khi nhắm mắt được các nghệ sĩ diễn xuất xúc động. Ảnh: DUY KHÔI

Câu chuyện tưởng chừng không có quá nhiều kịch tính, điểm nhấn nhưng soạn giả Trọng Nguyễn đã tạo nên kịch bản hấp dẫn người xem bởi những lớp diễn và cách xây dựng hình ảnh nhân vật cá tính, ấn tượng. Đó là Giáo Hiển (Anh Chàng thủ vai) cương nghị, điềm đạm; nhân vật Tâm (Thúy An đóng) sốc nổi, mù quáng… Nhưng có lẽ, vai diễn ấn tượng trong vở là Hương (nghệ sĩ Diễm My đóng), một cô gái quê giác ngộ cách mạng. Vở diễn được đẩy lên cao trào khi Hương bị lính Tây bắn, trước lúc hấp hối trong vòng tay đồng đội vẫn bày tỏ ước vọng trở thành đảng viên. Thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã thay mặt tổ chức công nhận Hương là đảng viên trước khi cô nhắm mắt. Lớp diễn xúc động nhờ giọng ca mùi mẫn và diễn xuất có hồn của Diễm My. Tạo tiếng cười trong vở là nhân vật Đình (Hoàng Dững thủ vai), bạn trai của Hương. Đình tính tình ngay thẳng, bộc trực, không biết chữ, nghĩ gì nói nấy, làm nấy; nên đôi khi sai lầm. Hoàng Dững thể hiện thành công những lớp diễn đắt như đoạn Đình ngô nghê học đánh vần, giận dỗi người yêu...

Còn nhớ, khi Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu thi diễn vở này tại Cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015, soạn giả Trọng Nguyễn đến xem và đã khóc vì những kỷ niệm cùng "đứa con tinh thần" 30 tuổi của mình. Đây nguyên là vở kịch nói của soạn giả Trọng Nguyễn và được chính ông chuyển thể cải lương. Soạn giả Trọng Nguyễn khẳng định, những tình tiết trong vở được ông xây dựng dựa trên thực tế. Điển hình như nhân vật Quýt, người yêu của nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển, sau này soạn giả Trọng Nguyễn gặp lại vẫn còn đeo chiếc nhẫn mà Giáo Hiển tặng (một phân đoạn trong vở). Và sau 20 năm người yêu hy sinh, Quýt mới lập gia đình... Đặc biệt, cách đây hơn 20 năm, năm 1985, Đoàn Cải lương Hương Tràm (tỉnh Minh Hải) đã đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc với vở "Bóng biển". Những nghệ sĩ dự thi năm ấy giờ chính là thầy truyền nghề của các nghệ sĩ hôm nay. Đó là NSƯT Khưu Minh Chiến vai Giáo Hiển, NSƯT Minh Hoàng vai Đình… Bởi vậy ngồi xem học trò diễn lại vai của mình hơn 20 năm, ai cũng bồi hồi.

30 năm, một vở cải lương đề tài đấu tranh cách mạng vẫn làm thổn thức bao trái tim người mộ điệu. Đó là cái tài của soạn giả và cái tâm của từng thế hệ nghệ sĩ khi trọn lòng hóa thân vào từng vai diễn.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết