24/03/2010 - 08:28

100.000 ha lúa đông xuân có nguy cơ bị nhiễm mặn nặng

* Cảnh giác cao với đàn gia cầm có biểu hiện bệnh cúm H5N1

Theo báo cáo mới nhất của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến lúa đông xuân 2009-2010 các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre là 620.000 ha/1.545.000 ha, chiếm 40% diện tích toàn vùng. Trong đó, diện tích có nguy cơ xâm nhập mặn cao khoảng 100.000 ha/650.000 ha, chiếm 16 % diện tích canh tác lúa của các tỉnh trên.

Trong các tháng 3, 4 và đầu tháng 5, dự báo của ngành nông nghiệp cho thấy, nước mặn tiếp tục lên cao tại các tỉnh ven biển và đạt đỉnh cao nhất trong tháng 3. Tháng 3 cũng sẽ xuất hiện những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao có thể đạt từ 35-37 độ, các cơn mưa chuyển mùa có khả năng diễn ra trong tháng 4 và đầu tháng 5-2010. Mùa mưa có khả năng sẽ bắt đầu vào giữa tháng 5 (muộn hơn trung bình nhiều năm từ 10-15 ngày).

Hiện nay, nồng độ mặn ở ngoài kênh rạch một số nơi biến động từ 3‰ (Bạc Liêu) đến 7‰ (Hậu Giang), tuy nhiên nồng độ mặn trong các ruộng lúa không đáng kể. Để phòng chống mặn xâm nhập ruộng lúa, mục tiêu của các tỉnh là giảm nồng độ mặn trên các kênh rạch xuống dưới 1,5 ‰ để không ảnh hưởng khi một số trà lúa cần đưa nước vào ruộng cuối vụ. Riêng tại Kiên Giang có khoảng 2.900 ha lúa bị khô hạn (An Minh và An Biên), hiện nay đã thu hoạch năng suất sụt giảm đáng kể và tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ 120 kg lúa giống/ha để các hộ nông dân xuống giống lúa trong vụ hè thu 2010. Đánh giá của Cục Trồng trọt cho thấy, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến lúa đông xuân ở ĐBSCL đã diễn biến bất lợi cho sản xuất lúa so với trung bình nhiều năm, mặc dù thời vụ xuống giống lúa trong tháng 11 và tháng 12 vẫn không thay đổi và đúng theo thời vụ khuyến cáo.

Để hạn chế tình trạng xâm mặn ảnh hưởng tới diện tích cây trồng, Cục đã khuyến cáo các địa phương trước mắt cần: Thay đổi cơ cấu giống bằng các giống lúa chống chịu mặn, phèn. Các giống lúa qua khảo sát ngoài đồng cho thấy có khả năng chống chịu mặn và phèn, bố trí thời vụ né mặn, hạn ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao; gia cố bờ bao, tu sửa bờ vùng, hoàn chỉnh, nâng cấp hệ thống các kênh thủy lợi để tăng cường trữ nước ngọt; tập trung cho công tác thủy lợi nội đồng vì hiện nay hệ thống thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng được tưới tiêu nước khi có diễn biến bất thường của thời tiết, khí tượng thủy văn; phối hợp điều tiết nước giữa các mục đích sử dụng, các địa phương thụ hưởng các công trình thủy lợi quốc gia.

* Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 23-3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần lưu ý, dù dịch cúm gia cầm tạm lắng trong hai tuần qua nhưng các địa phương, các ngành chức năng không được mất cảnh giác đối với đàn gia cầm có biểu hiện bệnh do vi rút H5N1 độc lực cao nhiều khả năng lây sang người.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng đánh giá cao nỗ lực dập dịch của các tỉnh Bến Tre, Bắc Ninh, Quảng Ninh, là những tỉnh có các ổ dịch phát sinh trong hai tuần qua (từ ngày 9/3 - 23/3). Các địa phương này đã kịp thời bao vây, dập tắt các ổ dịch và tiêu hủy toàn bộ số gia cầm mắc bệnh. Điểm chung của các tỉnh này là đều phát dịch trên đàn gia cầm chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin cúm gia cầm theo quy định. Do vậy, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Thú y tăng cường công tác giám sát việc triển khai tiêm phòng vắc xin đợt I/2010 tại các địa phương.

Đối với 4 tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày là: Tuyên Quang, Bến Tre, Bắc Ninh và Quảng Ninh, Cục Thú y đề nghị tập trung mọi lực lượng dập tắt dịch, không để dây dưa kéo dài; tổ chức giám sát dịch đến tận hộ gia đình, đồng thời tiêu hủy ngay những đàn gia cầm có biểu hiện bệnh, chết bất thường; kiểm soát chặt việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm trong vùng dịch. Ngoài ra các tỉnh này cần khuyến cáo tới người chăn nuôi trong vùng dịch không chăn thả vịt.

* Trong hai tuần qua, dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tai xanh không có báo cáo phát sinh ổ dịch mới trên cả nước. Hiện còn 3 tỉnh là Điện Biên, Sơn La và Hà Giang có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

LIÊN PHƯƠNG-HOÀNG TÙNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết