05/12/2013 - 22:17

ĐOÀN CẢI LƯƠNG TÂY ĐÔ


10 năm trưởng thành

Đoàn cải lương Tây Đô là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Nhà hát Tây Đô - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ. Đồng hành cùng thành phố sau 10 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, nghệ sĩ Đoàn cải lương Tây Đô đã vượt nhiều khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ phục vụ khán giả và đào tạo lực lượng diễn viên kế thừa, góp phần bảo tồn và giữ gìn nghệ thuật truyền thống...

Mang niềm vui đến với bà con

Tại lễ công bố quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia "Địa điểm chuyển quân, trạm quân y tiền phương và nơi cất giấu vũ khí thuộc Lộ Vòng Cung Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ" tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền vào cuối tháng 4-2013, sau phần lễ, bà con được xem Đoàn cải lương Tây Đô diễn lại trích đoạn trong vở cải lương "Món nợ vùng ven" do các nghệ sĩ của đoàn dàn dựng, biểu diễn. Bà con đứng đông kín một đoạn đường Nguyễn Văn Cừ nối dài và dành cho đoàn những tiếng hò reo không ngớt, có cả những tiếng sụt sùi khi nghệ sĩ diễn đến những đoạn cảm động. Bà Nguyễn Thị Kiểu, người dân xã Mỹ Khánh, xúc động: "Được coi nghệ sĩ diễn cải lương vầy còn gì bằng, ai cũng diễn hay ca giỏi. Lâu lắm rồi mới được coi nghệ sĩ diễn trực tiếp như thế này". Cũng từ ý nghĩa đó, các nghệ sĩ Đoàn cải lương Tây Đô lấy niềm vui của khán giả thành phố làm niềm vui cho mình mà nỗ lực làm nghề.

Đồng chí Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, trao Bằng khen cho NSƯT Thảo Vân - HCV Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012.

Đến thăm Đoàn cải lương Tây Đô vào một ngày cuối tháng 11, Trưởng đoàn Trần Văn Thiện cho biết: đoàn vừa hoàn thành xong hơn 1 tuần lưu diễn phục vụ bà con ở các khu dân cư, khu công nghiệp và một số phường vùng ven của thành phố. Chương trình có thời lượng gần 120 phút với nhiều thể loại nhưng chủ lực vẫn là trích đoạn cải lương và ca vọng cổ. Đặc biệt, lần đầu tiên, đoàn giới thiệu chập cải lương "Ước mơ người đưa đò" của tác giả Long Hải, do Trung Trinh chuyển thể cải lương. Chập cải lương nói về sự đổi thay trên mọi lĩnh vực của thành phố sau 10 năm trực thuộc Trung ương, được chuyển tải bằng một câu chuyện có lý, có tình, không gượng gạo, lên gân nên khá thu hút khán giả. Mỗi đêm diễn đều có trên 500 khán giả đến xem. Có những điểm diễn ở Phong Điền, Bình Thủy, số khán giả lên đến hàng ngàn người. Dù len lỏi ở các vùng ven, giao thông chưa thuận tiện cho đoàn nhưng các nghệ sĩ đều phấn khởi vì được đem tiếng đờn lời ca phục vụ bà con.

Hiện Đoàn cải lương Tây Đô có 40 nhân sự gồm cả diễn viên, nhạc công, âm thanh ánh sáng, hậu đài… Trong 10 năm qua, Đoàn cải lương Tây Đô đã diễn phục vụ trên 620 suất, khắp các địa bàn trên thành phố, thu hút gần 300 ngàn lượt khán giả đến xem. Đoàn thường chọn diễn ở những vùng ven, còn thua thiệt trong hưởng thụ đời sống văn hóa, biểu diễn những tiết mục gần gũi với đời sống người dân nhưng cũng lồng ghép nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước. Hiện tại, Đoàn cải lương Tây Đô diễn phục vụ khoảng 50 suất/năm, phục vụ trên 150 ngàn người xem.

Chuyến lưu diễn xa nhất và cũng là đáng nhớ nhất của các nghệ sĩ là diễn phục vụ khán giả trung tâm Thủ đô và 7 quận, huyện của Hà Nội dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. "Nghe có cải lương Nam bộ ra diễn, bà con đất Bắc đi coi rất đông, mỗi suất hơn 1.500 người xem và cổ vũ rất nhiệt tình nên hầu như tan biến mệt mỏi, chỉ biết diễn hết mình" - Trưởng đoàn Trần Văn Thiện nhớ lại. Ngoài ra, trong 10 năm qua, đoàn còn diễn giao lưu ở các tỉnh khu vực Nam bộ hơn 20 suất. Đó cũng là những lần nghệ sĩ của đoàn được giao lưu, cọ xát nghề nghiệp.

Hiện Nhà hát Tây Đô đang có chủ trương "sáng đèn" mỗi tháng với nhiều chương trình văn nghệ tổng hợp. Trong đó, Đoàn cải lương Tây Đô đóng vai trò nòng cốt với những câu vọng cổ, trích đoạn cải lương mượt mà, sâu lắng.

Nâng cao chất lượng chuyên môn

Trong 10 năm qua, Đoàn cải lương Tây Đô không chỉ hướng đến phục vụ khán giả thành phố mà còn đầu tư vở diễn, nhân lực để tham gia các Liên hoan, hội diễn, các giải thưởng. Qua đó, đoàn đã khẳng định được vị trí cải lương Cần Thơ trong làng sân khấu với nhiều huy chương, bằng khen. Mới đây, tại Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, với vở "Món nợ vùng ven", các nghệ sĩ của đoàn đã đạt 1 HCV, 2 HCB và 1 Bằng khen của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Vở cải lương "Món nợ vùng ven" đem về cho Đoàn cải lương Tây Đô 1 HCV, 2 HCB tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012.

Đó là những thành quả từ việc đầu tư về đào tạo nhân lực và làm nghề. Hiện trong số 20 diễn viên của đoàn đã có 15 người có trình độ từ trung cấp văn hóa nghệ thuật trở lên, trong đó có nhiều người được đoàn cử đi học. Điển hình như nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung sau khi được đoàn cho đi học lớp Đại học đạo diễn sân khấu và tốt nghiệp năm 2010 đã dàn dựng cho đoàn nhiều trích đoạn, chập cải lương. Đặc biệt, "Món nợ vùng ven" là vở cải lương đầu tay của Kiều Mỹ Dung đã gặt hái nhiều thành công cho đoàn. Đạo diễn Kiều Mỹ Dung chia sẻ: "Khóa học đạo diễn đã trang bị cho tôi nhiều kiến thức và kinh nghiệm để ứng dụng trong bước đường làm nghề của mình".

Nhiều nghệ sĩ trẻ đầu quân cho đoàn cũng được tạo điều kiện thể hiện bản lĩnh, tài năng sân khấu. Hiện ngoài đôi đào - kép chính là Hoàng Khanh - Ngọc Nhung, đôi đào - kép nhì Phương Anh - Hồng Thủy cũng được đánh giá cao bởi tuổi đời còn khá trẻ nhưng có những thành tích vượt trội. Nghệ sĩ Phương Anh được xem là "hiện tượng" trong làng sân khấu bởi sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Cần Thơ, chuyên ngành diễn viên cải lương, anh về đầu quân cho Đoàn cải lương Tây Đô chưa đầy 4 tháng đã đạt giải Vàng - giải thưởng Trần Hữu Trang. Nghệ sĩ Phương Anh xúc động: "Nhờ lãnh đạo đoàn và các nghệ sĩ đi trước phát hiện và chăm bồi nên tôi mới có thành tích đó. Mọi người chỉ cho tôi từng cách đi đứng trên sân khấu, cầm micro đến ca diễn, o luyện giọng hát…". Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ có thâm niên trong nghề của đoàn như: Kiều Mỹ Dung, NSƯT Thảo Vân… cũng khẳng định tài năng và tên tuổi của mình. 10 năm qua, 3 lần tham dự Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, các năm: 2005, 2009, 2012, NSƯT Thảo Vân đều đạt HCV với nét diễn dày dặn, xúc cảm, lay động người xem. NSƯT Thảo Vân vui vẻ: "Làm việc trong đoàn với điều kiện sinh sống khá tốt, lại được lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ nên tôi luôn phấn đấu làm nghề, phục vụ người mộ điệu". Đoàn Cải lương Tây Đô còn tự hào là cái nôi của nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh, được khẳng định bằng giải thưởng Trần Hữu Trang và đang là đào kép chánh được ưu ái trên sàn diễn TP Hồ Chí Minh như Phượng Loan, Lam Tuyền, Ngọc Trắng…

Ông Trần Văn Thiện, Trưởng Đoàn cải lương Tây Đô, cho biết: Khu hậu cứ của đoàn đã xuống cấp nên anh em gặp khó trong sinh hoạt. Để giúp các nghệ sĩ an tâm công tác, UBND TP Cần Thơ đã quy hoạch xây dựng khu hậu cứ của đoàn trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài với tổng diện tích hơn 2 hécta với nhiều hạng mục: phòng tập diễn, nhà công vụ, nhà xe, kho dụng cụ … Mới đây, Nhà hát Tây Đô được đầu tư 7 tỉ đồng mua sắm hệ thống âm thanh, ánh sáng. Đây là điều kiện thuận lợi cho Nhà hát nói chung, Đoàn cải lương Tây Đô nói riêng trong biểu diễn, làm nghề, không còn tình trạng thuê mướn như trước đây.

* * *

Vừa hoàn thành đợt lưu diễn phục vụ bà con vùng ven, các nghệ sĩ lại tất bật tập dợt, chuẩn bị chương trình phục vụ khán giả dịp lễ, Tết sắp tới, nhất là sự kiện 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết