25/02/2016 - 20:08

“Thử sức” lên rừng xuống biển

Khám phá và thử thách bản thân với những cung đường rừng, những nẻo đường biển ngoạn mục… đang được giới trẻ ưa thích. Đây không chỉ là chuyến du lịch thú vị mà còn để rèn luyện kỹ năng sống.

* Những cung đường rừng

Khu vực miền Đông Nam bộ có nhiều khu rừng già để giới trẻ vừa khám phá vừa rèn luyện kỹ năng sống. Trong đó, du lịch rừng được biết đến nhiều nhất là Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Bù Gia Mập (Bình Phước), Phan Dũng (Phan Rang). Xa hơn một chút là khu vực Hòn Bà- Tà Gụ (Khánh Hòa). Gọi đây là những chuyến đi thử thách bởi các khu rừng già này có chút khó khăn về đường sá và đòi hỏi sức khỏe để đi bộ một, hai ngày trong rừng; đồng thời, phải chấp nhận điều kiện sống thiếu thốn, không tiện nghi giữa rừng.

Gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở rừng Nam Cát Tiên.

Du lịch rừng Nam Cát Tiên được khai thác với nhiều gói tour do kiểm lâm tổ chức. Mỗi gói là một trải nghiệm khác nhau, từ xem thú rừng ăn đêm, đi bộ xuyên rừng vào tận "sào huyệt" của cá sấu nước ngọt, đạp xe đi tìm những gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi với đường kính vài chục người ôm hay qua Đảo Tiên tìm hiểu về cứu hộ các loài linh trưởng từng bị bắt, được đưa về đây nuôi bán hoang dã, phục hồi lại bản năng sống trước khi thả về rừng. Chỉ riêng khu rừng này có phòng nghỉ và dịch vụ lều trại phục vụ khách tham quan.

Bù Gia Mập là khu rừng đậm chất hoang sơ. Dọc theo biên giới Việt Nam- Campuchia ngoài con đường bê- tông tuần tra biên giới xuyên rừng, còn lại là đường rừng. Nhiều đoạn phải cắt rừng đi. Để khám phá rừng Bù Gia Mập, phải liên hệ với ban quản lý rừng để được tổ chức, hướng dẫn. Hướng dẫn viên là nhân viên kiểm lâm nhưng làm du lịch rất chuyên nghiệp. Trên đường đi, họ là người dẫn đường, thuyết minh về hệ sinh thái rừng và các sinh cảnh vốn có. Khi hạ trại, họ trở thành những đầu bếp chuyên nghiệp, thoăn thoắt chặt ống tre, ống nứa trong rừng, hái lá rừng, đọt mây non… kết hợp với thịt heo, gà mang theo để chế biến thành các món cơm lam, canh thụt ống tre, thịt kho ống tre và gà nướng...

Đi xe đạp khám phá thiên nhiên rừng Nam Cát Tiên.

Khó khăn hơn là rừng Phan Dũng và Hòn Bà- Tà Gụ. Với rừng Phan Dũng, phải đi xe gắn máy băng rừng, rồi tiếp tục đi bộ đến đêm, ngủ lại giữa rừng, hôm sau trở ra. Rừng Phan Dũng chưa được khai thác du lịch, cũng không có kiểm lâm hướng dẫn đường; chủ yếu do dân phượt khám phá và truyền kinh nghiệm cho nhau. Còn Hòn Bà và thác Tà Gụ, xe ô tô, xe gắn máy lên được tận nơi nhưng để nối hai điểm đó lại với nhau, phải băng rừng suốt 1 ngày rưỡi, đêm ngủ lại giữa rừng. Hòn Bà là ngọn núi cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Đỉnh Hòn Bà đã được khai thác du lịch, cũng là nơi bắt đầu xuống xe đi bộ 1 ngày rưỡi xuyên rừng sang thác Tà Gụ đầy gian nan nhưng thú vị. Băng ngang rừng, len lỏi qua những gốc cây cổ thụ. Suốt cả ngày, nắng khó soi chiếu xuống mặt đất vì rừng rậm và nhiều tầng cây sinh sống. Nhiều đoạn phải "đi ngược", tay bấu víu vào vách đá, rễ cây để xuống dốc. Khu rừng này thường chỉ có kiểm lâm và người bản địa đi, hiếm khi có du khách. Vì vậy, khi bước ra khỏi rừng tới khu dân cư, người dân mắt tròn mắt dẹt nhìn bạn ngẩn ngơ rồi chào hỏi nhiệt tình như thể đón khách quí đến làng. Thác Tà Gụ nằm sâu trong rừng thẳm, nước từ độ cao 40-50m đổ xuống ào ào, hùng vĩ một cách quyến rũ.

*Những nẻo đường biển

Điểm đến của những du khách trẻ đi tự túc thường là khu "tứ Bình" (2 đảo Bình Hưng, Bình Ba và 2 bán đảo Bình Lập, Bình Tiên thuộc Khánh Hòa và Phan Rang) và nẻo đường biển từ Long Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu) xuyên qua Mũi Né (Bình Thuận) chạy dài tới vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa).

"Tứ Bình" là vùng biển "đình đám" trong năm 2015 của du lịch tự túc và sang năm 2016 này vẫn chưa giảm độ "hot". Có người định cư lâu năm nhưng vùng biển ngay cửa vịnh Cam Ranh còn rất hoang sơ và trong lành. Biển xanh, cát trắng và những rạn san hô làm say đắm lòng người, thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng và khám phá. Có nhiều dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ và đi lại tại các điểm này. Bữa chính giá từ 120.000 đồng/ suất ăn 3-4 món; hải sản tính theo thời giá, dao động 300.000- 400.000 đồng/ kg ghẹ, 250.000-300.000 đồng/ kg mực đã tính công chế biến; phòng nghỉ từ 250.000 đồng/ 2 khách, bungalow giá khoảng 650.000 đồng/ 3 khách, phòng tập thể giá khoảng 100.000 đồng/ khách; tàu ngắm san hô ở Bình lập giá 100.000 đồng/ khách đoàn từ 7 người trở lên; tại Bình Ba, cano khoảng 1.700.000 đồng/ chiếc (chở được 15 khách) đi quanh đảo và ngắm san hô, thuyền thúng đáy kính ngắm san hô 30.000 đồng/ khách.

Đối với cung đường ven biển, tuyệt vời nhất là đi xe gắn máy hoặc ô tô tự lái để có thể dừng chân bất kỳ điểm nào mình thích. Có hàng chục điểm không thể bỏ quan trên con đường xuyên ba tỉnh, như: Dinh Cô và các bãi biển Long Hải, Hồ Tràm, Hồ Cốc, suối nước nóng Bình Châu (Bà Rịa- Vũng Tàu); biển Bình Châu, La Gi, Kê Gà, biển Thuận Tiến, biển Mũi Né, đồi cát Trinh Nữ, Bàu Trắng, Cổ Thạch (Bình Thuận); Cà Ná, Mũi Dinh, Ninh Chữ, các trang trại trồng nho và các tháp Chăm ở khu vực nội thành Phan Rang, Hang Rái, Vĩnh Hy (Phan Rang)… Từ đây, đi tiếp con đường uốn lượn ven biển sẽ tới vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa). Cung đường này hiện đã được trải nhựa suốt tuyến, ít xe lớn di chuyển, đường vắng.

Bài, ảnh: Miên Hạ

Chia sẻ bài viết