13/04/2008 - 10:00

“Lời giải” cho “bài toán” giải phóng mặt bằng

Thời gian qua, tiến độ thi công nhiều dự án giao thông, khu dân cư, khu đô thị... trì trệ do giải phóng mặt bằng (GPMB) không được. Và một trong những nguyên nhân không GPMB được là do không có chỗ tái định cư (TĐC).

“Không có chỗ TĐC thì không thể nào GPMB được”. Đó là nhận định chung của chủ đầu tư dự án đường Mậu Thân- Sân bay Trà Nóc, dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ... và nhiều nhà đầu tư các khu dân cư trên địa bàn TP Cần Thơ. Đơn cử, sau nhiều lần trì hoãn, chủ đầu tư dự án khôi phục cầu Đầu Sấu, cầu Cái Răng yêu cầu UBND thành phố giao 100% mặt bằng vào tháng 6-2007. Thế nhưng, đến tháng 4-2008 công tác GPMB mới cơ bản hoàn thành. Cũng trong tháng 4-2008, Sở Giao thông- Công chính mới nhận quyết định giao 5,5 ha đất cặp khu TĐC Thới Nhựt 2 xây dựng khu TĐC cho dự án này và dự án đường Nam Sông Hậu dù những dự án trên đã được khởi công nhiều năm trước đó. Nguyên nhân là do mỗi dự án đều làm riêng khu TĐC nên rất manh mún và luôn bị động. Vì vậy, khu TĐC tập trung để bố trí TĐC cho các dự án trọng điểm trên địa bàn đang được xem là “lời giải” cho bài toán GPMB.

Theo ông Bùi Hữu Nhơn, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, mỗi địa phương phải có một vài khu TĐC tập trung rộng từ 50- 70 ha tùy theo địa phương đó có nhiều dự án hay ít. Căn cứ theo qui hoạch phát triển tổng thể của quận, huyện có bao nhiêu dự án được triển khai trong thời gian nào, phải di dời bao nhiêu hộ dân... để có kế hoạch xây dựng khu TĐC. Thành phố cần có nguồn kinh phí độc lập để xây dựng khu TĐC chứ không phải tính chung vào dự án như hiện nay.

 Một góc khu TĐC Thới Nhựt, quận Ninh Kiều.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình từ phía Sở Xây dựng. Ông Phạm Văn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đề xuất, thành phố nên có chương trình TĐC dành riêng cho các công trình trọng điểm. Chương trình này nằm trong chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, đừng xem công tác TĐC ở góc độ bó hẹp của từng dự án. Hàng năm, thành phố cần lên kế hoạch thực hiện những công trình trọng điểm cho năm tiếp theo để chuẩn bị kế hoạch xây dựng các khu TĐC. Đồng thời, tiến hành khảo sát, điều tra nguyện vọng của người dân nơi dự án sắp được triển khai, công bố nơi TĐC cho người dân biết. Chủ đầu tư phải có tư thế chủ động khi triển khai dự án. Sở Xây dựng là đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ tìm vị trí xây dựng khu TĐC cho các dự án sắp triển khai (như dự án mở rộng Quốc lộ 91, bờ kè sông Cần Thơ...). Những giải pháp tổng hợp này được xem là khả thi, có thể gỡ rối cho công tác GPMB hiện nay.

Ninh Kiều là quận có rất nhiều dự án đã và đang được triển khai, vì thế việc hình thành một khu TĐC tập trung là hết sức cần thiết. Khu TĐC Thới Nhựt 2 rộng 15,8 ha tại phường An Khánh đang được triển khai xây dựng để đáp ứng nhu cầu đó. Khu TĐC này được xây dựng ở vị trí liền kề với khu TĐC Thới Nhựt trước, người dân cặp rạch Từ Hổ và rạch Ngỗng vẫn được ổn cư đến khi nào phần giáp với khu Thới Nhựt xong mới di dời vào. Tổng kinh phí thực hiện khu TĐC là 130 tỉ đồng nhằm phục vụ dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ và một số dự án khác.

Dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ là một trong những công trình trọng điểm của quận, bởi tuyến đường này hiện đang quá tải, thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông. Vì thế, phải xây dựng khu TĐC trước mới tiến hành di dời các hộ dân ổn cư được. Công trình này có chiều dài 1,3 km với 320 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 270 hộ thuộc diện TĐC. Năm 2008, công trình được cấp 20,5 tỉ đồng để GPMB. Nhiều người dân trong dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ đồng tình: “Chỉ cần giá bồi hoàn hợp lý, có chỗ TĐC trước thì chúng tôi sẵn sàng giao mặt bằng để thi công”. Theo UBND quận Ninh Kiều, tháng 11-2008 khu TĐC Thới Nhựt 2 có thể bố trí TĐC được. Ông Bùi Hữu Nhơn, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, kiến nghị: Nhà đầu tư có thể ứng vốn để GPMB được bán chỉ định, không thông qua đấu giá quyền sử dụng. Chính quyền các cấp đẩy mạnh vay vốn từ các quĩ đầu tư để xây dựng các khu TĐC. Đối với dự án khu dân cư, Nhà nước cần đứng ra làm công tác GPMB rồi đưa ra đấu giá “đất sạch” (đất không còn tranh chấp) để chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần có những chính sách để giá bồi hoàn tương đương giá thị trường trong điều kiện bình thường.

Một tin vui cho các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc. Mới đây, theo thông tin từ Bộ Xây dựng, bộ này sẽ trình Chính phủ các giải pháp bình ổn thị trường bất động sản. Trong đó có giải pháp cho phép chính quyền địa phương tự tổ chức giải tỏa mặt bằng, đồng thời đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án. Theo nhiều nhà đầu tư, việc Nhà nước thực hiện công tác GPMB sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức, hạ giá thành và nhiều chi phí phát sinh khác. Bởi lẽ, hiện nay các dự án khu dân cư, đô thị... được giao cho doanh nghiệp tư nhân đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB, vì doanh nghiệp phải tự thỏa thuận giá đền bù với người dân. Nhiều người dân đòi mức giá bồi hoàn quá cao, doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Tình trạng này làm nhiều dự án phải kéo dài hoặc không thi công được do GPMB theo kiểu “da beo”... Không có mặt bằng, triển khai dự án khó khăn khiến nhiều nhà đầu tư ngán ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư vào thành phố!

Bài, ảnh: TRUNG DÂN

Chia sẻ bài viết