26/02/2018 - 07:59

[ĐBSCL] Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững 

Là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình sản xuất. Nổi bật nhất là công tác đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển thủy lợi, khai thông dòng chảy, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu... đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL. 

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, năm qua, tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố đạt trên 5.870 tỉ đồng, đạt trên 100% kế hoạch, tăng 1,07% so với năm 2016. Kết quả này nhờ ngành nông nghiệp TP Cần Thơ ứng dung đồng bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện nghiêm Kế hoạch số 314/KH-SNN&PTNT ngày 28-2-2017 của Sở NN&PTNT về thủy lợi mùa khô. Trong năm, toàn thành phố đã thực hiện nạo vét hàng trăm km kênh, mương thủy lợi nội đồng, với khối lượng 178.925m3 đất, vượt gần 10% kế hoạch; kinh phí thực hiện gần 3 tỉ đồng do nhân dân đóng góp. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Hằng năm, công tác thủy lợi nội đồng mùa khô được các quận, huyện quan tâm thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tưới tiêu, khai thông dòng chảy, phục vụ sản xuất nông nghiệp... Mùa khô năm 2018 đang bắt đầu, các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng triển khai thực hiện công tác trên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả năm sau cao hơn năm trước...

TP Cần Thơ quan tâm nạo vét kênh, rạch, khai thông dòng chảy, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) tổ chức nạo vét kênh dẫn nước, phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn. Ảnh: HÀ VĂN

TP Cần Thơ quan tâm nạo vét kênh, rạch, khai thông dòng chảy, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) tổ chức nạo vét kênh dẫn nước, phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn. Ảnh: HÀ VĂN

Theo Bộ NN&PTNT, ở ĐBSCL, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2012-2017 đạt 4,26%. Tuy tốc độ tăng thấp hơn so với mục tiêu quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đề ra (5,2%/năm), nhưng cao hơn 1,42 lần so với mức tăng bình quân cả nước (2,99%/năm). Tốc độ tăng trưởng cao và ổn định đạt được trong 5 năm qua nhờ khai thác triệt để các tiềm năng và lợi thế của vùng, như: sản xuất lúa, cây ăn quả, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất...

  Bộ NN&PTNT đã tiến hành lập quy hoạch chi tiết các tiểu vùng, tỉnh, hệ thống công trình như Nam Bán đảo Cà Mau, hệ thống Nam - Bắc Bến Tre, vùng giữa sông Tiền - sông Hậu, các dự án chống ngập thành phố Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau… Điển hình, 5 năm qua (2012 – 2017), Dự án phát triển thủy lợi ĐBSCL - WB6 được triển khai thực hiện, với giá trị khoảng 210,342 triệu USD. Dự án đã được triển khai và đưa vào sử dụng, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi cho từng vùng. Ngoài việc cung cấp nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường, dự án còn tăng cường năng lực giám sát chất lượng nước (đặc biệt là xâm nhập mặn); kiểm soát mặn, giữ ngọt, dẫn ngọt, tiêu úng, tiêu chua, kiểm soát lũ, lấy phù sa đảm bảo  phục vụ cho khoảng 101.800ha đất tự nhiên, trong đó có khoảng 85.724ha đất sản xuất nông nghiệp; kiểm soát lũ cho hơn 45.000ha đất tự nhiên, phục vụ tưới tiêu, kiểm soát mặn cho 38.800ha, cải thiện giao thông thủy, bộ, chống sạt lở bờ kênh và cải thiện môi trường trong vùng dự án... Các hệ thống cơ sở hạ tầng trên đã góp phần bảo vệ, phát triển sản xuất và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Phát triển hạ tầng

Những năm qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã quan tâm công tác phát triển thủy lợi phục vụ cấp nước, tiêu chua, rửa phèn, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn… phục vụ sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL.

Ở TP Cần Thơ, đầu năm 2018, Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 đang được tập trung thực hiện. Trong đó, thành phố hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn TP Cần Thơ, đặc biệt những vùng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh; các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt. Trong đó tập trung xây dựng các hạng mục công trình cần thiết, cấp bách để bảo vệ an toàn 73.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất ổn định và giảm thiểu thiệt hại do lũ, tăng cường trữ nước cho mùa khô, phòng chống hạn mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kết hợp phát triển hệ thống giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo kiểm soát lũ và vận hành linh hoạt theo từng cấp độ, ổn định sản xuất theo phân vùng quy hoạch thủy lợi... Với quy hoạch này, TP Cần Thơ được chia thành 7 vùng thủy lợi cơ sở: vùng I (vùng Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh); vùng II (vùng Cái Sắn - Thốt Nốt), gồm cả khu vực đô thị; vùng III (vùng Thốt Nốt - Ô Môn); vùng IV (vùng Ô Môn - Xà No); vùng V (vùng Bình Thủy - Ninh Kiều) khu vực đô thị. vùng VI (vùng Nam Cái Răng); vùng VII (khu vực cù lao Tân Lộc và cồn Sơn). 

Tại khu vực đô thị quy hoạch trên tuân thủ theo Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ được Bộ NN&PTNT phê duyệt theo Quyết định số 1721/QĐ-BNN-TCTL ngày 20-7-2012; khu vực sản xuất nông nghiệp thì thực hiện điều tiết nước (kiểm soát lũ, phòng chống hạn và xâm nhập mặn), thiết lập hệ thống thủy lợi theo kênh trục và kênh cấp 1, xây dựng cống, điều tiết nước, lấy phù sa phục vụ sản xuất; đối với vùng trồng cây ăn trái thì thực hiện điều tiết nước cho các ô bao lớn, bố trí các cống điều tiết, lấy phù sa phục vụ tưới, tiêu nước và kết hợp giao thông nông thôn; thực hiện quy hoạch 26 ô bao lớn và 115 ô bao nhỏ (với diện tích từ 50ha đến 1.500ha theo cánh đồng lớn) ở 8 quận, huyện để tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp chất lượng cao... Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: “Quy hoạch trên nhằm xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, tiến tới hoàn chỉnh để hạn chế tối đa các thiệt hại do ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn gây ra. Bên cạnh đó, quy hoạch còn củng cố hệ thống thủy lợi nhằm chủ động kiểm soát nguồn nước, phục vụ phát triển sản xuất ở mức độ cao, gắn bảo vệ môi trường với kết hợp giao thông nông thôn, tạo điều kiện phát triẻn nông thôn mới, chủ động ứng phó BĐKH, ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn thời gian tới”.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết