Ðón đầu du lịch hè và chủ động chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại (khi được cho phép), cộng đồng du lịch cồn Sơn ra mắt sản phẩm mới: “Cồn Sơn hồi đó”. Ðây là tour tìm về ký ức, với sự phục dựng, tái hiện nếp sống xưa.
Trải nghiệm thả cá con về sông Hậu.
Hành trình này sẽ có 5 trải nghiệm gắn với phong tục tập quán xưa, ở thời điểm cồn Sơn hơn 20 năm trước, đan xen là câu chuyện của những người cồn Sơn cố cựu sinh sống tại đây đến ngày nay.
Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon - nơi cửa ngõ cồn Sơn, là lão nông được người dân địa phương quý trọng và kính nể bởi hiểu biết tường tận về những loài cá ở sông Hậu và Nam Bộ. Gắn bó hơn 20 năm với nghề nuôi cá trên sông Hậu, ông Bảy Bon hiểu rõ tính nết của từng loài, nên những câu chuyện ông kể về vòng đời và đặc tính của cá luôn hấp dẫn du khách. Với những tour trải nghiệm bè cá thông thường, du khách được xem cá thát lát cườm, cá koi, cá hồng vỹ, cá mề rỗ, trê hồng…, nhưng tham gia “Cồn Sơn hồi đó” là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Du khách chuyện trò cùng ông Bảy Bon về đời sống sông nước và hành trình không ngừng nghỉ của lão nông có ước mơ xây dựng một bảo tàng sống về cá nước ngọt vùng sông Hậu. Ðặc biệt lần này, ông Bảy Bon mang đến câu chuyện về cá chạch lấu và hành trình thuần dưỡng loài cá này trong các bè giữa dòng sông Hậu. Du khách cũng sẽ được tự tay thả cá con về lại sông, như là một cách góp phần gìn giữ và bảo tồn môi trường sống tự nhiên. Ðó là một trong những hoạt động khơi gợi ý thức và đáp ứng tiêu chí hoạt động du lịch gắn với trách nhiệm môi trường của bà con cồn Sơn.
Ðiểm nhấn chính của “Cồn Sơn hồi đó” là không gian trải nghiệm tại nhà vườn Công Minh - nơi vẫn giữ nét mộc mạc của nhà xưa Nam Bộ. Chị Bảy Muôn, tên thật Phan Kim Ngân, chủ nhà, cho biết: “Qua nhiều lần sửa chữa vì nhà xuống cấp, nhưng mái ngói và ba gian chúng tôi vẫn giữ, bởi nếp sống của gia đình đã gắn bó với không gian này lâu lắm rồi”. Gia đình chị Bảy Muôn vẫn giữ công thức làm các món bánh Nam Bộ theo kiểu truyền thống, thủ công. Chính điều này đã tạo ra sức hút với Steven, khách mời đặc biệt trong chương trình trải nghiệm sản phẩm mới lần này. Steven quan tâm đến những câu chuyện văn hóa, phong tục Nam Bộ xưa, nhất là công thức làm ra những chiếc bánh hay những chiếc võng bằng dây chuối, những chiếc giỏ đan bằng lá dừa nước.
Du khách tìm hiểu về cách thức đan võng của vợ chồng chú Tám.
Tiếp tục hành trình trải nghiệm, du khách sẽ được chứng kiến hoa tay của vợ chồng chú Lê Văn Tám khi chế tạo những sản phẩm thủ công nhìn đơn sơ, bình dị nhưng chứa cả ký ức về những năm tháng xa xưa. Ðó là những vật dụng thường ngày làm ra từ những vật liệu sẵn có trong vườn nhà, nhưng ngày nay ít ai còn sử dụng. Ví dụ như để làm chiếc võng từ sợi dây chuối tốn rất nhiều thời gian, nhưng nó rất bền, chắc và thân thiện môi trường. Vì kỳ công như thế nên ngày nay cũng không mấy người làm, nhiều người vì thế cũng không biết đến vật dụng này, cũng có người từng biết nhưng quên mất. Du khách có thể trải nghiệm đan võng hay học cách đan giỏ cùng vợ chồng chú Tám để một lần thử nghiệm cuộc sống thôn quê Nam Bộ thời xưa ra sao.
Tiếp dòng câu chuyện tìm về ký ức, nhà vườn Thành Tâm sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm vừa dân dã vừa hiện đại. Nơi đây trưng bày những nông cụ xưa gắn bó với đời sống của nông dân vùng sông nước và ngày nay nó vẫn được sử dụng trong đời sống thường nhật khi đánh bắt cá. Tại đây, du khách có thể sử dụng các nông cụ này để trải nghiệm làm nông dân, dùng nơm, lọp và tát mương bắt cá.
Khép lại hành trình “Cồn Sơn hồi đó” là bữa cơm quây quần ấm cúng với những món ăn dân dã và nghe đờn ca tài tử tại nhà vườn Song Khánh. Với mong muốn đưa nghệ thuật truyền thống Nam Bộ đến gần với du khách, phần trình diễn đờn ca tài tử có sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ với chương trình được xây dựng phù hợp với không gian miệt vườn, gần gũi du khách.
Đờn ca tài tử trong không gian miệt vườn.
“Cồn Sơn hồi đó” có khung giờ từ 15 giờ đến 19 giờ, là thời điểm phù hợp để du khách có những trải nghiệm đa chiều, gắn trực tiếp với nếp sinh hoạt thường nhật của những người dân vùng sông nước. Ví như nghe đờn ca tài tử phải nghe trong không gian miệt vườn và vào chiều tối thì mới cảm nhận hết nét đẹp riêng của loại hình này. “Cồn Sơn hồi đó” là sản phẩm đặc biệt hướng đến du khách thích loại hình du lịch trải nghiệm đời sống bản địa và tìm hiểu sâu về văn hóa Nam Bộ, được xây dựng trên mạch câu chuyện theo dòng ký ức. Sản phẩm đang trong quá trình thử nghiệm và hiện có hơn 5 công ty chuyên khách quốc tế ở TP Hồ Chí Minh đăng ký kết nối.
Có thể nói “Cồn Sơn hồi đó” là nỗ lực của cộng đồng cồn Sơn trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút du khách về Cần Thơ. Họ không ngừng thay đổi, tiếp cận du khách theo nhiều hướng khác nhau với những sản phẩm đa dạng. “Cồn Sơn hồi đó” không phải là sản phẩm mới hoàn toàn, nhưng trên nền tảng của những sản phẩm cũ nó được làm mới, nâng chất, trau chuốt và tạo nên nét riêng bằng những câu chuyện. Ðó chính sự thích ứng nhằm nâng giá trị sản phẩm du lịch địa phương, thể hiện sự năng động của người làm du lịch trong bối cảnh mới.
Bài, ảnh: ÁI LAM