Lẩu cù lao, hay gọi tắt cù lao, là món lẩu đặc trưng của miền Tây sông nước, vùng đất có nhiều cù lao nổi lên giữa các dòng sông như: Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ), Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Tân Phong (Tiền Giang), Cù Lao Giêng (An Giang), An Bình (Vĩnh Long)…
Lẩu cù lao tại Quán ăn gia đình Thịnh Phát.
Tên món ăn quen thuộc trong dân gian cũng là tên của dụng cụ để đựng lẩu: cù lao. Cù lao được làm bằng nhôm hay inox, hình tròn như cái thau nhưng ở giữa là ống cao hình trụ, dùng để đựng than đỏ, làm chín và nóng thức ăn, nước lẩu xung quanh. Hình tượng này như dải đất cù lao nổi giữa bốn bề sông nước, thể hiện sự sáng tạo của người dân, làm nên một món ăn đậm dấu ấn bản địa.
Món cù lao không dùng nhiều gia vị, nước dùng được nấu từ xương ống, thêm tôm khô hoặc khô mực, nấu với bắp cải, cà rốt hoặc củ sắn nên có vị ngọt tự nhiên, đặc biệt là nước trong, không có màu sắc. Thành phần của món ăn gồm: da heo khô ăn giòn giòn, thịt, tim, gan, mề, chả cá thát lát, bao quản (trứng vịt cuộn tàu hủ ky), thịt bằm cuộn bắp cải... Cù lao không có dĩa rau ăn kèm như các món lẩu khác mà tất cả để sẵn trong cù lao, đợi than hồng làm cho sôi là chan ăn với bún hoặc cơm, mì. Vị ngọt thanh của nước dùng cùng sự tươi mới của nguyên liệu đi kèm tạo nên hương vị thơm ngon, thực khách nếm thử một lần sẽ nhớ mãi. Cù lao thường được nấu trong các đám tiệc, đặc biệt là cưới hỏi vì món này dễ ăn, phù hợp mọi độ tuổi, lại có sự ngọt ngào, thanh tao.
Ngày nay, cù lao không còn phổ biến như xưa, nhường chỗ cho những món lẩu nhiều gia vị và có thể chế biến nhanh. Nhất là giữa phố thị, muốn kiếm quán ăn có món lẩu này thì càng hiếm. Tại TP Cần Thơ, Quán ăn gia đình Thịnh Phát ở số 36A, Nguyễn Văn Cừ, phường An Bình, quận Ninh Kiều (đối diện Khu dân cư Hồng Phát) có phục vụ món cù lao đúng hương vị truyền thống. Ðặc biệt, quán còn bổ sung thêm mực và tôm để thành phần thức ăn trong lẩu thêm phong phú, hấp dẫn. Một lẩu 4 người ăn giá 299.000 đồng.
Bài, ảnh: Lệ Thu