Thị trường bất động sản (BĐS) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và riêng tỉnh Kiên Giang thời gian qua có nhiều diễn biến theo hướng -sốt nóng” rồi “hạ nhiệt”. Nhằm góp phần tìm giải pháp quản lý và định hướng phát triển lành mạnh thị trường này, ngày 15-6, UBND tỉnh Kiên Giang và Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Thị trường bất động sản Kiên Giang có gì mới?”. Báo Cần Thơ ghi nhận một số ý kiến tại tọa đàm này.
Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: “Mục tiêu cuối cùng là minh bạch hóa thị trường”.
Thị trường BĐS Kiên Giang phát triển rất sớm vì có diện tích rộng nhất và dân số đông thứ 2 trong 13 tỉnh thành ĐBSCL với hầu hết đô thị tập trung ở ven biển và có khu đô thị lấn biển sớm nhất nước (năm 1997). Nhiều dự án các khu dân cư, đô thị mới, thương mại, dịch vụ, du lịch… hình thành đã đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân và lưu trú của du khách, giúp phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, thị trường BĐS Kiên Giang đang bộc lộ những bất cập về cơ chế vận hành, chủ thể tham gia, cơ cấu sản phẩm, hệ thống giao dịch, minh bạch thông tin và việc kiểm soát. Vì vậy, cần phân tích các tác động tích cực, tiêu cực đến kinh tế - xã hội và những hạn chế trong công tác quản lý của Nhà nước để tìm được giải pháp quản lý, kiểm soát và định hướng phát triển thị trường này. Mục tiêu cuối cùng là minh bạch hóa thị trường và khai thác đúng tiềm năng, lợi thế phù hợp với quy hoạch được phê duyệt...
Một tour lặn biển ngày 9-5-2018 ở Phú Quốc, nơi bất động sản đang sôi động. Ảnh: H.KIM
Ông Nguyễn Xuân Lộc - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang: "Thông tin giả tạo sốt đất ảo".
Với huyện đảo Phú Quốc, vấn đề quyền sử dụng đất được quan tâm nhiều là tín hiệu đáng mừng. Nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo nhiều bất cập trong quản lý nhà nước về đất đai, hoạt động này chưa được kiểm soát chặt đã làm cho thị trường thiếu minh bạch và gây thất thu ngân sách.
Từ khi Nhà nước đầu tư mạnh vào Phú Quốc thì các nhà đầu tư, đầu cơ, với mục tiêu đi trước đón đầu để kiếm lời đã dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo. Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất ở Phú Quốc đang diễn biến phức tạp. Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm lấn chiếm đất rừng, khuyến cáo người dân về các giao dịch đất đai bất hợp pháp. Nhưng việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, san gạt, lấn chiếm đất rừng vẫn đang diễn ra và các giao dịch về quyền sử dụng đất tăng cao.
Nguyên nhân hàng đầu gây ra sốt đất là do thông tin giả. Với dự đoán về định hướng phát triển đảo Phú Quốc trong tương lai, không ít người đưa ra thông tin giả như điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp sang thương mại dịch vụ tại một khu vực nào đó, đã đẩy giá đất nông nghiệp lên cao. Hay là thông tin mua đất Phú Quốc sẽ bán lại được ngay với giá cao hơn, tạo ra cơn sốt khan hiếm đất. Từ đó, cò đất lợi dụng đẩy giá lên cao.
Ông Lê Quốc Anh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang: "Phải công khai hồ sơ, thủ tục quy hoạch".
Thị trường BĐS Kiên Giang đang phát triển mạnh tại bốn địa bàn là Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương và Phú Quốc. Giải pháp hàng đầu để ổn định và phát triển thị trường này là cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai và khung pháp lý để quản lý và phát triển BĐS. Đồng thời hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị; xây dựng chương trình phát triển đô thị cho từng địa phương để triển khai các dự án liên quan đến BĐS. Phải sớm hoàn thành việc lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Công khai minh bạch các hồ sơ, thủ tục liên quan đến loại hình quy hoạch này để mọi tổ chức cá nhân được biết.
Đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân hành nghề kinh doanh BĐS tại các sàn giao dịch và trung tâm môi giới BĐS; sửa đổi cơ chế phù hợp trong đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư để hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến chính sách đất đai và thị trường BĐS.
GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Công khai, minh bạch thông tin sẽ giúp ngăn chặn sốt ảo".
Chuyện sốt đất là bình thường khi hạ tầng phát triển, tuy nhiên, nếu sốt ảo lại là điều đáng lo. Cơn sốt đất tại Phú Quốc chắc chắn có yếu tố ảo. Trong đó, khi có cán bộ quản lý tham gia vào đầu tư lướt sóng và người dân bị kéo theo, cũng là yếu tố khiến giá đất sốt ảo. Cần công khai thông tin quy hoạch lên một trang điện tử. Việc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, quyết định dự án sẽ giúp ngăn chặn sốt ảo.
Ngoài ra, tại thời điểm sốt ảo, có thể áp dụng mức thuế cao đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản trong thời gian ngắn. Tuy nhiên một mình tỉnh Kiên Giang không thể áp dụng sắc thuế này mà cần có quy định chung trên cả nước. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân về "lướt sóng", cũng như về pháp lý BĐS. Để phát triển tại Phú Quốc, đầu tiên, tỉnh Kiên Giang cần kêu gọi đầu tư hạ tầng từ các tập đoàn lớn, sau đó sẽ lôi kéo được các nhà đầu tư dịch vụ, sản xuất khác.
Về đặc khu, yếu tố đặc khu không ảnh hưởng tới sự đầu tư chính quy của thị trường BĐS, chỉ có đầu tư lướt sóng mới làm ảnh hưởng. Sự phát triển BĐS tại 3 vị trí dự kiến làm đặc khu phụ thuộc vào chính vị trí địa kinh tế thuận lợi tại các địa điểm đó”. Do vậy, cơ hội phát triển cho Phú Quốc nhờ vị trí địa kinh tế là rất cao. Phú Quốc đang lấy du lịch làm trọng tâm phát triển thị trường BĐS là đúng đắn, tuy nhiên, nên biến Phú Quốc thành nơi phát triển du lịch môi trường.
Kiên Giang có bờ biển nằm ở Vịnh Thái Lan thay vì Biển Đông như các tỉnh thành khác nên đây là điều quý giá và khác biệt của môi trường biển. Đoạn biển từ Rạch Giá tới Hà Tiên đổ ra Phú Quốc là vị trí chiến lược để phát triển BĐS du lịch. Kiên Giang phải bắt đầu phát triển BĐS từ du lịch. Điều này đảm bảo tính riêng biệt và hấp dẫn cho tỉnh này...
TS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight: "Nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài và thị trường chứng khoán vẫn hỗ trợ BĐS".
Quy mô thị trường bất động sản Việt Nam hiện vào khoảng 25 tỉ USD, trong khi tổng dư nợ đã lên đến gần 20 tỉ USD, chiếm hơn 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế và khoảng 15,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng với 80% nguồn vốn chảy vào BĐS. Trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này vào khoảng 35%. Điều này cho thấy cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường BĐS còn bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi Nhà nước đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào BĐS như hiện nay.
Về xu hướng dòng vốn vào BĐS, ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch và tăng trưởng ổn định để giúp hệ thống ngân hàng có điều kiện giải quyết các món nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng BĐS, tạo điều kiện giảm lãi cho vay với các doanh nghiệp BĐS kinh doanh hiệu quả.
BĐS sẽ còn được hỗ trợ bằng nguồn vốn đến từ Nhà đầu tư nước ngoài và thị trường chứng khoán. Hiện nay, trong các lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thì BĐS vẫn đang đứng thứ hai. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán VN-Index sau khi giảm đã quay lại ngưỡng gần 1.050, dự báo sắp tới vẫn tiếp tục tăng trưởng căn cứ từ tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay. Khi thị trường chứng khoán phát triển tốt, doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, trung và dài hạn, phù hợp dòng tiền và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng tài chính của người dân.
HUỲNH KIM (ghi)