Từ tháng 10, khi lũ đã tràn về khắp các cánh đồng ở vùng đầu nguồn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những con tép, con cá men theo con nước lên đồng đẻ trứng, sinh con. Đến mùa nước “rọt”, chúng lại theo những dòng nước chạy về với sông, với rạch.
Từ giữa tháng 11 trở đi, tép nhiều vô kể. Chỉ những con tép nhỏ thôi mà cũng có nhiều tên như: Tép riu, tép muỗi, tép đồng…; mỗi vùng một tên. Xứ của tôi là xứ đồng, nên bà con vùng này đặt tên là tép đồng hay tép muỗi.
Ngày nay, muốn ăn loại tép này cũng phải vào mùa. Từ tháng 11 trở đi, ở ngoài chợ, giá của nó không rẻ chút nào, khoảng 150.000 đồng - 170.000 đồng/kg đối với tép còn sống. Đến giữa mùa thì giá giảm hơn, nhưng cũng trên 100.000 đồng/kg. Nhìn những rổ tép nhảy tanh tách thật bắt mắt gợi trong tôi bao kỷ niệm về một thời gian khó.
Ngày xưa, vùng Chợ Gạo đất ruộng cò bay thẳng cánh, sông rạch nhiều cá, tép; đặc biệt là con tép muỗi. Ông bà nội tôi thường kể rằng: Ngày xưa, vùng mình cá, tép muỗi nhiều vô kể, đặc biệt là mùa mưa hay gần tết. Mỗi khi đặt lợp, đặt nò đổ lên cả rổ, cả thau mỗi lần, không thể nào ăn hết. Mỗi lần như vậy, chỉ có làm mắm mới hết được. Ngày đó, con tép muỗi chỉ dành cho người nghèo, ai nghèo lắm mới mua tép muỗi ăn, nhiều khi con tép này được nhiều người mua về cho vịt, gà ăn mà thôi.
Đến thời của tôi thì tép ít dần. Tôi gắn bó với con tép muỗi theo từng bữa ăn của gia đình. Tôi còn nhớ, lúc còn nhỏ, sáng ngủ dậy, khi nhà chưa có thức ăn thì ba mẹ tôi đi nhủi hay kéo lưới ở mương trước nhà.
Con tép muỗi cũng lạ lắm, trời sáng sớm thì nó nhâm nhâm đầy mương, đặc biệt là lúc trời se lạnh. Chỉ cần nhìn thấy dưới mương có lâm nhâm là biết có tép nhiều, bỏ ra 15 hay 20 phút đi bắt tép là cả nhà có được khoảng một chén tép, khi nhiều được cả tô tép.
Tép được mẹ đem rửa sạch, một phần để nấu canh chua, hái thêm vài bông so đũa, thêm chút ngò gai, rau tần dày lá là được một nồi canh chua ngọt lừ và một phần dùng để kho tộ. Canh chua mà ăn với tép kho tộ thì khỏi phải chê, ăn hoài đến no căng bụng thì thôi.
Tôi còn nhớ, ba tôi làm vài cái vó, để khi nào mấy chị em tôi rảnh thì đi cất vó để bắt tép. Tuổi thơ của tôi và những người bạn cùng xóm của mình gắn liền với chuyện rang cám, trộn với cơm đi thả vó, chỗ nào có tép nhiều thì khi giở vó lên, tép nhảy tanh tánh vui không gì bằng.
Ngày nay, tép đồng, tép muỗi đắt lắm, đầu mùa giá cao gấp đôi thịt heo, thịt vịt, thuộc hàng “sang chảnh” vì nó luôn hiện diện ở các nhà hàng, quán ăn sang trọng. Khách nào ở xa cũng về hỏi: Quán có tép đồng? Ai ăn rồi cũng hứng khởi: Ngon! Ngon! Ở TP. Hồ Chí Minh khó kiếm lắm nghen. Đúng là đặc sản có khác.
Và ngược lại, người Tiền Giang lên TP. Hồ Chí Minh thăm bạn bè, người thân cũng tất bật, sáng chạy hai ba chợ hay gọi điện mối quen xem có tép đồng hay không để “tay xách nách mang”, thêm vài trái khế, chuối chát, mấy trái đậu rồng, rau nhút… để đi biếu bạn. Vậy đó, tép đồng đã di cư từ miền quê lên đến phố thị một cách âm thầm nhưng không kém phần sang trọng, bởi nó đã là “đặc sản”.
Ngày nay, con tép muỗi, tép đồng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản nghe tên rất lạ so với ngày xưa như: Tép đồng xào khế, tép đồng xào bông điên điển, tép đồng xào đọt choại…; đặc biệt, món tép đồng xào với bông điên điển ngon đến lạ, đó là sự kết hợp rất vừa vặn giữa vị ngọt thanh của tép và vị thơm của bông điên điển.
Điểm nhấn của món này là khi xào bỏ chút lá gừng tươi để cho một mùi thơm đặc biệt, thơm khắp cả nhà. Dùng món ăn này thì không thể thiếu rau sống, khế, chuối chát, đậu rồng và nước mắm chua ngọt, tất cả tạo nên một món ăn vừa ngon, ngọt, đậm đà và ít ngán.
Ngoài những món ăn thì tép muỗi còn được làm mắm. Hiện nay, mắm tép đồng ít có người bán, bởi giá tép cao nên ít người làm bán. Đa phần mắm tép đồng chỉ có một số ít người dùng làm để ăn và để biếu bạn bè, họ hàng. Một khi ai đã ăn mắm tép đồng của người miền Tây rồi thì sẽ bị “ghiền”. Mắm tép ngon bởi vị ngọt đậm đà của tép, mà ít loại tôm, cá nào có được.
Mắm mềm, thơm, kết hợp được với cả bún, cơm, thêm chút rau sống, thịt luộc thì rất ngon. Hay như, món gỏi cuốn tôm thịt, thực khách có thể chấm với mắm tép đồng thay cho mắm chua ngọt, vị ngon sẽ không thể nào quên được.
Tép đồng - món quen mà lạ sẽ là món ăn còn mãi với thời gian, bởi bản chất của nó rất ngon và ngọt tự nhiên, sẽ luôn tồn tại ở hiện tại và trong ký ức của mỗi người đã sống, gắn bó với thiên nhiên và con người miền Tây.
Theo Báo Ấp Bắc