04/04/2018 - 09:43

Biến cát nhiễm mặn thành cát xây dựng 

Hệ thống xử lý cát nhiễm mặn của Phan Thành (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Phan Thành, TP Cần Thơ) góp phần tận dụng nguồn tài nguyên cát biển, đặc biệt, tại các tỉnh ven biển vừa khai thác nguồn tài nguyên tại chỗ, vừa giải quyết  khan hiếm cát xây dựng như hiện nay.

Thu mẫu cát nhiễm mặn sau chế biến.

Ông Võ Tấn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Phan Thành, cho biết: Mới đây, Trung tâm Tư vấn chống ăn mòn và Xây dựng thuộc Viện Khoa học Công nghệ xây dựng vừa gởi kết quả thí nghiệm cát của Công ty cổ phần cát đá Việt sàng rửa sạch (công ty trực thuộc của Phan Thành) thông báo mẫu cát sàng rửa từ mẫu cát nhiễm mặn do thiết bị công nghệ của Phan Thành sáng tạo kỹ thuật và thí nghiệm đạt tiêu chuẩn cát xây dựng công trình. Phan Thành là đơn vị khởi xướng công nghệ rửa cát xây dựng đã ứng dụng đi vào thực tiễn từ năm 2007 cho đến nay. Đây là thành quả có ý nghĩa đột phá từ nỗ lực đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công trình sáng chế của mình.

Sau 7 năm nhận giải WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới về “Giải pháp kỹ thuật xuất sắc nhất năm 2011”, giải pháp này đã góp phần tích cực giải tỏa áp lực về nhu cầu cát xây dựng đang ngày càng khan hiếm và bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, khả năng rửa sạch tạp chất và sàng lọc phân loại cát bằng dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch của Phan Thành đã được kiểm chứng qua kết quả xử lý thành 3 loại cát thành phẩm như sau: Cát to sạch hơn cát gốc dùng cho bê tông; cát nhỏ hơn dùng cho xây trát và phần cát cực mịn dùng cho san lấp nền. Cũng theo ông Võ Tấn Dũng, việc sử dụng nguồn tài nguyên cát hợp lý cho sản xuất bê tông và vữa thay vì dùng cho san lấp, biến cát bẩn thành cát sạch thỏa mãn chất lượng và tuổi thọ công trình. Tiết kiệm từ 10 - 17% lượng xi măng trong cấp phối bê tông và vữa (theo Đề án nghiên cứu sử dụng cốt liệu “cát, đá” cho bê tông xi măng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế của Trường Đại học Cần Thơ). Khi sử dụng cát sạch sẽ hạn chế thấp nhất hiện tượng co ngót bê tông và gây nứt kết cấu công trình và độ đặc chặt của bê tông, khả năng chống thấm đảm bảo, từ đó ngăn ngừa các bệnh học công trình; tiết kiệm chi phí nhân công, không tốn công sàng thủ công tại công trường (khoảng 80.000 đồng/khối). 

Tiến sĩ Nguyễn Nam Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn chống ăn mòn và xây dựng - Viện Khoa học Công nghệ xây dựng, cho biết: Qua kiểm tra các mẫu cát nhiễm mặn sông Thị Vải, Bà Rịa Vũng Tàu chưa xử lý (nguyên khai) lấy ngẫu nhiên do Công ty Phan Thành vào giữa tháng 3-2018, bao gồm các mẫu cát nhiễm mặn chưa xử lý và cát bị nhiễm mặn sau khi xử lý của Phan Thành. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, cát bị nhiễm mặn sau khi xử lý có hàm lượng ion clo tan trong axit đều đảm bảo các thông số kỹ thuật, đảm bảo sử dụng tốt cho xây dựng công trình. Trung tâm đã vận dụng kỹ thuật kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn TCVN 7570: 2006.

  Dây chuyền xử lý cát nhiễm mặn.

Theo giáo trình đào tạo thí nghiệm viện của Trung tâm Đo lường chất lượng 3 - Quatest 3 khẳng định, với các điều kiện tương tự nhau thì cường độ bê tông chế tạo từ cốt liệu được rửa sạch lớn hơn so với bê tông chế tạo từ cốt liệu chưa rửa khoảng 10 - 20%. Tạp chất hữu cơ trong cốt liệu cũng ảnh hưởng xấu đến cường độ bê tông vì thế cần hạn chế hàm lượng của nó. Các chất muối clorua, sunphat cũng rất có hại đối với bê tông, đặc biệt là bê tông cốt thép rắn chắc trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao hoặc trong môi trường có độ ẩm thay đổi. Góp phần đảm bảo độ bền cũng như tăng tuổi thọ công trình.

Ông Võ Tấn Dũng khẳng định: “Qua các thử nghiệm thực tế chúng tôi xác định rằng công nghệ xử lý chế biến cát nhiễm mặn thành cát không nhiễm mặn với mức clo đạt TCVN 7570:2006; việc xử lý cát nhiễm mặn thành cát sạch xây dựng sẽ góp phần tiết kiệm chi phí vận chuyển cát mua từ nơi khác đến; tận dụng nguồn tài nguyên tại chỗ, giải quyết vấn nạn khan hiếm cát xây dựng hiện nay, giảm giá thành cát xây dựng bởi công nghệ của Công ty Phan Thành ứng dụng với quy mô công nghiệp, công suất bình quân từ 150 m3 – 200 m3 cát/giờ”. Đồng thời cũng chia sẻ, từ nay với thiết bị công nghệ sàng rửa cát nhiễm mặn thành cát sạch đạt tiêu chuẩn xây dựng của Phan Thành, có thể hợp tác, liên doanh với các đơn vị xây dựng tại các tỉnh ven biển để tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên cho việc phát triển đô thị, xây dựng công trình bằng nguồn tài nguyên sẵn có này.

“Chúng tôi hy vọng doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành liên quan tạo điều kiện để việc sử dụng cát sạch sớm triển khai trên phạm vi rộng nhằm đáp ứng cát xây dựng và phát triển đô thị, góp phần mang lại lợi ích phát triển kinh - tế xã hội, đặc biệt là sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn tài nguyên cát” - ông Dũng
kỳ vọng.

Bài, ảnh: Vĩnh Kim

Chia sẻ bài viết