01/11/2011 - 10:17

Vì sao nhiều học sinh trường nghề bỏ học ?

Giờ thực hành tin học của học sinh
Trường Trung cấp Nghề Thới Lai.

Tuyển sinh khó, duy trì sĩ số lớp học càng khó hơn - Đó là thực trạng đang diễn ra tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TP Cần Thơ, nhất là cơ sở đào tạo nghề ở vùng nông thôn.

TP Cần Thơ hiện có 62 cơ sở đào tạo nghề, với qui mô đào tạo từ 30.000 - 35.000 lao động mỗi năm. Mạng lưới đào tạo nghề hầu như đã phủ kín khắp các quận, huyện trong thành phố. Đi đôi với sự phát triển các cơ sở đào tạo nghề, nhận thức học nghề của học sinh, thanh niên cũng đã nâng lên. Nhiều học sinh đã tìm hiểu các ngành nghề, hoặc theo học các nghề yêu thích. Nguyễn Thị Ánh, học sinh lớp trung cấp nghề Kế toán (lớp A), Trường Trung cấp (TC) Nghề Thới Lai, cho biết: “Kế toán là nghề tôi yêu thích. Vào học trung cấp vừa phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình. Nơi tôi học cũng gần nhà, không phải lo nơi ăn ở”.

Tuy nhiên, những học sinh chọn học cao đẳng (CĐ), TC nghề ngay khi học sinh vừa rời ghế trường phổ thông chiếm một phần nhỏ; còn đại đa số chỉ chọn học nghề, khi không còn “đường đi” khác để chọn lựa. Theo ông Đào Minh Lợi, Hiệu trưởng Trường TC Nghề Thới Lai, hằng năm, cán bộ trường tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh ở các trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện, nhằm giúp các học sinh định hướng chọn nghề phù hợp. Tâm lý chung của học sinh, phụ huynh vẫn thích học đại học, nên công tác tuyển sinh của trường gặp khó khăn. Những học sinh vào học trường này phần lớn là các em không thể chọn học các nghề khác tốt hơn. Ông Lợi chua xót: “Tuyển sinh đầu vào đã khó, việc duy trì sĩ số lớp càng khó, “đầu ra” ở các lớp nghề thường hao hụt. Năm 2010, có lớp tuyển vào 60 học sinh nhưng đến khi “ra trường” chỉ có 45 học sinh”. Tình trạng này cũng diễn ra ở các trường khác, như: CĐ Nghề Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh trường nghề bỏ học, như: hoàn cảnh gia đình khó khăn, chọn nghề chưa định hướng rõ ràng, hoặc có tâm lý học nghề để có thời gian luyện thi vào đại học... Trong đó, học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn chiếm đa số. Ông Đào Minh Lợi cho biết: “Dù trường có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho học sinh khó khăn đi học, nhưng không thể lo tất cả các chi phí ăn ở, sinh hoạt... Trong khi đó, cơ sở vật chất của trường vẫn còn khó khăn, chưa có cơ sở mới, ký túc xá...”. Theo cô Nguyễn Thị Mỹ Ngân, giáo viên chủ nhiệm lớp trung cấp Kế toán (lớp A), Trường TC Nghề Thới Lai, trong số hơn 20 học sinh nghỉ học của lớp, phần lớn là do gia đình quá khó khăn nên không thể tiếp tục học. Mặc dù, cô Ngân và Ban cán sự lớp đã đến tận gia đình của học sinh để vận động ra lớp nhưng “lực bất tòng tâm”.

Em Võ Thanh Toàn, ở ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai là một trong số học sinh của lớp trung cấp Kế toán (năm học 2010-2011) phải nghỉ học vì kinh tế gia đình khó khăn. Đến nhà Toàn vào một buổi chiều, mưa rất to, chị Võ Thị Thùy Linh (mẹ Toàn) đang loay hoay dọn dẹp lại mùng, mền, quần áo vào một góc nhà để... tránh ướt. Căn nhà lá đã mục nát, hai bên vách và mái nhà đều đã cũ, rách; nền đất ẩm thấp. Chị Thùy Linh kể: “Tôi làm bánh bán, chồng thì làm thuê nên lo miếng ăn còn chưa đủ, huống chi là chi phí ăn học. Vợ chồng tôi cố gắng dành dụm cho Toàn đi học nghề. Toàn học được gần một năm, thì xin nghỉ đi làm thuê kiếm tiền lo cho gia đình và em gái đi học”. Không chỉ riêng Toàn mà còn các học sinh như: Nguyễn Minh Thư (ở ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân); Phạm Minh Luân (ở ấp Trường Phú, xã Trường Thắng); Phan Hải Thuận (thị trấn Thới Lai)... cũng nghỉ học vì nghèo khó...

Một nguyên nhân khác khiến học sinh trường nghề bỏ học là chưa định hướng ngành nghề phù hợp. Theo ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, học sinh nghỉ học thường làm đơn bảo lưu do hoàn cảnh khó khăn. Một số khác thì chưa định hướng ngành nghề rõ ràng, do chọn nghề theo bạn bè, hoặc do nhu cầu xã hội, nên khi học một thời gian cảm thấy chán nản, bỏ học hoặc chuyển sang học nghề khác. Còn ông Trương Thanh Nghi, cán bộ Phòng Đào tạo- Quản lý học sinh, sinh viên, Trường CĐ Nghề Cần Thơ, cho rằng: “Tâm lý của học sinh, phụ huynh vẫn thích vào học đại học. Có trường hợp các em chọn học nghề, nhưng trong quá trình học cố gắng luyện thi để thi đại học”. Ngoài ra, do các trường nghề tuyển sinh nhiều đối tượng khác nhau: Học sinh tốt nghiệp THPT nếu học trung cấp thì chỉ học 2 năm, còn tốt nghiệp THCS học 3 năm; còn nếu học hết lớp 12, nhưng chưa tốt nghiệp THPT thì học 2 năm 3 tháng. Đối tượng học 2 năm 3 tháng có điều kiện học các môn văn hóa và có thể thi đại học. Điều này cũng dễ lý giải vì sao các trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp công lập lẫn ngoài công lập, hằng năm đều có “hao hụt” học sinh trong quá trình học hoặc sau khi tốt nghiệp.

Đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; thực hiện phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông; đồng thời, trang bị cho thanh niên một nghề để có thể lập thân, lập nghiệp. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển các cơ sở dạy nghề công lập và ngoài công lập. Thế nhưng, việc học sinh học nghề bỏ học đã, đang và sẽ là bài toán khó đối với các trường nghề, nếu như không có những giải pháp căn cơ, chính sách khuyến khích cho các trường nghề.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết