12/05/2009 - 20:15

Giám sát tình hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ngoại thành

Vì sao người lao động chưa mặn mà ?

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm (ĐTN&GQVL) cho người lao động là một trong những chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách, đầu tư nhiều kinh phí để ĐTN&GQVL cho lao động. Các địa phương cũng có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động học viên, mở các lớp đào tạo nghề. Tuy nhiên, qua giám sát tình hình ĐTN&GQVL của Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND thành phố tại quận Thốt Nốt và huyện Phong Điền vào đầu tháng 5-2009, cho thấy công tác này còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Ngành nghề đào tạo chưa thu hút học viên

Qua giám sát của Ban VH-XH (HĐND thành phố), nhìn chung các địa phương thực hiện khá tốt chủ trương, chính sách về ĐTN&GQVL; công tác phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) với các ngành, đơn vị có liên quan (như Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên...) trong ĐTN&GQVL khá chặt chẽ... Trong 3 năm (từ 2006-2008) và 4 tháng đầu năm 2009, Trung tâm Dạy nghề huyện Phong Điền đã tổ chức được 66 lớp dạy nghề cho 2.190 lao động; quận Thốt Nốt tổ chức được 59 lớp với 1.794 lao động tham gia. Theo nhận định của các trung tâm dạy nghề, phần lớn lao động sau khi đào tạo có việc làm, thu nhập đảm bảo cuộc sống. Ông Phạm Ngọc Thiệt, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận Thốt Nốt, cho biết: “Công tác giải quyết việc làm sau đào tạo từng bước nâng lên, trước đây có khoảng 70-75% lao động sau đào tạo có việc làm, thì nay tăng lên 85%...”.

Tuy nhiên, công tác ĐTN&GQVL không chỉ có “màu hồng”. Ông Phạm Ngọc Thiệt cho biết thêm: “Trong ĐTN&GQVL cho lao động, Thốt Nốt có lợi thế là có khu công nghiệp và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp lao động sau khi học nghề lại làm trái nghề, chẳng hạn như học viên học may công nghiệp, nhưng lại đi làm công nhân thủy sản đông lạnh ở các nhà máy trong khu công nghiệp Thốt Nốt”. Anh Huỳnh Thanh Nghị, Phó Bí thư quận Đoàn Thốt Nốt, nói: “Vận động đối tượng tham gia học nghề rất khó khăn, mặc dù theo dự án ĐTN&GQVL của thành phố, học viên được cấp tiền ăn 10.000 đồng/ngày. Có lớp dù chỉ 30 học viên, nhưng chúng tôi phải dời ngày tổ chức lớp nhiều lần, do không có học viên tham dự”. Cũng theo anh Huỳnh Thanh Nghị, nhận thức của thanh niên về ĐTN&GQVL còn rất hạn chế. Đáng lo ngại hơn là một bộ phận không nhỏ lao động không quan tâm đến việc học nghề, để tìm cho mình một việc làm ổn định, mà cam phận làm thuê.

 Học viên lớp dạy nghề sửa chữa xe gắn máy miễn phí ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, trong giờ thực hành. Ảnh: phương mai

Ông Võ Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Phong Điền, nói: “Đa số lao động ngoại thành hạn chế về trình độ học vấn, khả năng tiếp thu kiến thức mới và tiếp cận trang thiết bị gặp nhiều trở ngại, nên công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn”. Cùng quan điểm này, anh Trần Hoàng Lâm, Phó Bí thư huyện Đoàn Phong Điền, cho biết: “Thời gian qua, huyện Đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho thanh niên, nhưng số học viên, số lớp học ngày càng giảm dần: năm 2006 tổ chức được 11 lớp, năm 2007 còn 7 lớp và đến năm 2008 chỉ còn 3 lớp...”.

Vì sao có tình trạng trên? Anh Trần Hoàng Lâm giải thích: “Một trong những nguyên nhân là do các ngành nghề đào tạo trong chương trình đào tạo nghề của thành phố hiện nay chưa thu hút thanh niên. Cụ thể, như đào tạo nghề sửa xe máy chẳng hạn: Theo chương trình, thời gian đào tạo chỉ có 2 tháng, học viên chưa được trang bị đủ kiến thức nghề nghiệp để hành nghề. Một số nghề đào tạo khác như nông nghiệp, may gia dụng... học xong khó tìm việc làm nên thanh niên không tham gia. Trong khi đó, các ngành nghề thanh niên có nhu cầu như: vi tính, điện tử, điện gia dụng, sửa chữa điện thoại di động... thanh niên có nhu cầu học nhưng ít được mở lớp”.

Trong quá trình giám sát, Ban VH-XH HĐND thành phố còn nhận thấy ở cả hai địa phương được giám sát cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dạy nghề đều chưa đảm bảo cho việc dạy nghề. Trong khi đó, công tác xã hội hóa, liên kết với các doanh nghiệp trong việc dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Văn Rãnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, thừa nhận: “Ngoài hạn chế là chiến lược đào tạo nghề chưa căn cơ, chỉ thực hiện theo các chương trình, dự án, chỉ tiêu giao của thành phố, thì nguồn nhân lực cho công tác quản lý, đào tạo nghề của huyện cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, trung tâm dạy nghề của huyện mới trong giai đoạn xúc tiến thủ tục xây dựng...”.

Tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp

Ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Ban VH-XH (HĐND thành phố), Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐ-TB-XH thành phố), cho biết: “Chúng tôi có nghe các địa phương phản ánh, vừa qua việc lựa chọn ngành nghề cho người học không phù hợp, học xong không có việc làm, hoặc không có khả năng khởi nghiệp tự tạo việc làm, do không có vốn, mặt bằng... Theo tôi, bên cạnh sự đầu tư theo các chương trình, dự án ĐTN&GQVL của thành phố, các ngành, đơn vị, địa phương, nhất là Đoàn Thanh niên các cấp phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia học nghề. Đồng thời, tăng cường công tác rà soát nhu cầu học nghề của thanh niên và đề xuất với ngành chức năng tổ chức những ngành nghề thanh niên muốn học và có khả năng học được”. Theo ông Nguyễn Minh Trí, vai trò của các đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, vận động thanh niên tham gia các dự án ĐTN&GQVL là hết sức quan trọng. Thế nhưng, công tác này thời gian qua chưa được các địa phương và đoàn thể thực hiện tốt, nên các lớp đào tạo nghề ở nhiều địa phương “bí” đầu vào, ảnh hưởng chung đến công tác ĐTN&GQVL, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố. Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Ban VH-XH HĐND thành phố, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thành phố, cho biết thêm: “Công việc căn cơ trong công tác ĐTN&GQVL là tiến hành rà soát nắm nguồn, nhu cầu học nghề của đối tượng để định hướng quy hoạch dạy nghề, nhưng công tác này chưa được các địa phương thực hiện. Hiện nay, các địa phương chủ yếu đào tạo nghề trên cơ sở các dự án đã có sẵn của thành phố (như các dự án đào tạo ngắn hạn cho lao động ngoại thành, bộ đội xuất ngũ...). Để công tác ĐTN&GQVL được tốt hơn, bên cạnh sự năng động trong tổ chức ngành nghề phù hợp, nhất thiết các địa phương phải giải quyết tốt nhận thức về nghề nghiệp cho người lao động”.

Một trong những việc làm căn cơ để có nguồn học viên là phân luồng đào tạo nghề cho học sinh cuối cấp 2 chưa được các địa phương làm tốt. Trong khi nhiều học sinh cuối cấp 2 không có cơ hội tiếp tục học cấp 3 ở địa phương, phải nghỉ học hoặc học bổ túc văn hóa do thiếu trường, thì việc vận động theo học ở các lớp trung cấp nghề chưa được các địa phương chú trọng. Bà Trần Thị Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề quận Thốt Nốt, cho biết: “Năm 2009, chúng tôi được Quận ủy, UBND quận chỉ đạo phải tổ chức 2-4 lớp trung cấp nghề để phục vụ nhu cầu phân luồng học sinh của quận. Hiện nay, chúng tôi đã thông báo chiêu sinh và sắp tới sẽ liên kết với Đoàn Thanh niên, ngành Giáo dục tổ chức tư vấn, định hướng học sinh cuối lớp 9 để có nguồn đào tạo nghề”. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các thành viên trong Đoàn giám sát, việc tổ chức các lớp học nghề dài hạn của thành phố nói chung vẫn còn ít so với số lượng học sinh cấp 2 không học tiếp cấp 3 hằng năm. Bà Nguyễn Mỹ Loan, thành viên Ban VH-XH HĐND thành phố, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề thành phố, nói: “Muốn ĐTN&GQVL đạt hiệu quả, các địa phương phải có quy hoạch, định hướng đào tạo lâu dài. Chúng tôi đề nghị, phải có liên tịch giữa các sở, ngành, đơn vị có liên quan từ thành phố đến quận huyện để nắm được nguồn, tuyên truyền các em tham gia học nghề, kể cả nghề dài hạn”. Theo bà Nguyễn Mỹ Loan, hiện nay tại các lớp trung cấp nghề, ngoài kiến thức nghề nghiệp, học viên còn được học văn hóa, sau khi tốt nghiệp được cấp bằng trung cấp nghề và đủ điều kiện thi tiếp vào đại học. Đây là hướng tốt để giải quyết nguồn học sinh dôi dư sau khi phân luồng, đồng thời có định hướng đào tạo phù hợp ở các địa phương”. Ngoài ra, theo anh Huỳnh Thanh Nghị, bên cạnh các dự án đào tạo nghề, thành phố quan tâm đầu tư cho các làng nghề truyền thống để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, gắn với việc liên kết tạo thêm sản phẩm du lịch. Như vậy, vừa giải quyết được việc làm cho người lao động ngoại thành, vừa tạo thêm thu nhập cho người dân”.

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc đảm bảo cho người lao động nói chung, thanh niên nói riêng, có được nghề nghiệp, việc làm ổn định là hết sức cần thiết. Bà Nguyễn Thanh Giang, Trưởng Ban VH-XH HĐND thành phố, Trưởng Đoàn giám sát, nhận định: “Chủ trương, chính sách cho lao động có nhiều, nhưng qua giám sát chúng tôi nhận thấy, công tác ĐTN&GQVL của các địa phương từng lúc từng nơi chưa tốt, các ngành, đơn vị thiếu liên kết trong việc nắm chắc nguồn lao động để có kế hoạch đào tạo bài bản. Mặt khác, tại các địa phương, chưa có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo nghề, gắn với việc giải quyết việc làm tại chỗ. Trong khi ngân sách, nguồn lực dành cho công việc ĐTN&GQVL còn hạn chế, thì đây là nhân tố hết sức quan trọng cho công tác ĐTN&GQVL. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu ngành nghề phù hợp để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động”. Bà Nguyễn Thanh Giang cho biết, sau giám sát ở quận Thốt Nốt và huyện Phong Điền, Ban VH-XH sẽ tiếp tục làm việc với các ngành có liên quan của thành phố để tiếp tục nắm tình hình, đề xuất những giải pháp đảm bảo cho công tác ĐTN&GQVL của thành phố ngày càng tốt hơn, ngày càng nhiều lao động có tay nghề, có việc làm hơn.

QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết