16/06/2019 - 10:02

Vận dụng cơ chế đặc thù để Cần Thơ tạo đột phá 

Ngày 7-8-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2018/NÐ-CP về “Quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ” (gọi tắt là Nghị định 103). Nghị định với những quyết sách đồng bộ, kịp thời nhằm giúp thành phố phát huy tốt hơn nữa những lợi thế riêng, huy động thêm các nguồn lực để tăng đầu tư và phát triển xứng tầm là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm của vùng ÐBSCL.

Hạ tầng giao thông của TP Cần Thơ được đầu tư ngày càng đồng bộ.

► Triển khai nhanh chóng, chủ động

Ngày 15-10-2018, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 2651/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 103. Kế hoạch này xác định trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan trong chủ trì, phối hợp, tổ chức thực hiện Nghị định 103; chủ động trong việc tham mưu, đề xuất và chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch của UBND thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, Nghị định 103 là văn bản pháp lý quan trọng, giúp tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế thuận lợi cho thành phố phát triển. Thành phố đã giao Sở Xây dựng sớm hoàn thành các Quy hoạch phân khu của các quận huyện để làm cơ sở triển khai các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan cũng như tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi có nhu cầu đề xuất, triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, các sở, ngành thành phố cần quán triệt sâu sắc các nội dung, cơ chế ưu đãi của Nghị định 103 theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và tham mưu UBND thành phố vận dụng hiệu quả. Đồng thời, vận dụng tốt cơ chế đặc thù về ngân sách để thành phố tranh thủ huy động thêm nguồn lực triển khai các dự án nâng tầm diện mạo đô thị, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Triển khai Nghị định 103, Sở Tài chính thành phố thường xuyên theo dõi các khoản vay vốn trong nước và vốn nước ngoài để làm tham mưu cân đối ngân sách bố trí trả nợ vay. Qua đó phải đảm bảo các khoản vay không vượt quá hạn mức vay cho phép của địa phương, tức là không quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong bội chi ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định. Theo ông Nguyễn Quang Nghị, Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ, đối với các dự án ODA đang triển khai trên địa bàn, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, gắn với thực hiện đối ứng vốn nhanh, hoàn vốn sớm để tiếp tục vay mới phục vụ các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn. Thực hiện cơ chế đặc thù về ngân sách theo Nghị định 103, thành phố đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, thưởng vượt thu ngân sách Trung ương so với dự toán năm 2018 với số tiền hơn 274,3 tỉ đồng. Vào trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, cụ thể là năm 2020, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND thành phố trao đổi, kiến nghị Bộ Tài chính để được hưởng cơ chế ưu đãi về tỷ lệ điều tiết trong thời kỳ ổn định ngân sách mới (2021-2025).

Hoàn thiện hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ ưu tiên để TP Cần Thơ kết nối giao thông thông suốt và đồng bộ với khu vực ĐBSCL, gia tăng thêm lợi thế riêng có, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

 Bà Trần Thị Xuân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, chia sẻ: Theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư kèm theo Nghị định 103, đối với các dự án về giao thông mang tính chất liên kết vùng, tác động đến Cần Thơ do Bộ Giao thông vận tải quản lý gồm có đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, tuyến đường sắt Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận  - Cần Thơ giai đoạn đầu tư được xác định sau năm 2020. 2 dự án thuộc Bộ nằm trên địa bàn thành phố là đường vào khu công nghiệp phía Nam và Cảng Cái Cui (giai đoạn II đoạn từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến Cảng Cái Cui), Nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn từ Km0 đến Km7 cũng được xác định sẽ đầu tư sau năm 2020. Vì thế, Sở Giao thông vận tải sẽ thường xuyên kiến nghị về Bộ Giao thông vận tải để được tranh thủ vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án này. Các dự án về giao thông do thành phố quản lý được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đều đã giao cho các chủ đầu tư triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020.

► Quán triệt, vận dụng hiệu quả

Kế hoạch triển khai Nghị định 103 của Chính phủ được thành phố xác định với các nhiệm vụ, nội dung cụ thể nhằm đảm bảo tính lâu dài trong việc thực hiện các cơ chế đặc thù để phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của thành phố để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng các dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, phù hợp các cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ theo Nghị định 103. Đồng thời vận dụng chính sách về hỗ trợ lãi suất để lập danh mục các dự án đầu tư ngoài ngân sách, các dự án PPP, phù hợp với các định hướng phát triển của thành phố.

Thực hiện nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù về bán nhà ở xã hội và thẩm quyền chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư Khu đô thị mới, UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu tổ chức thực hiện. Theo ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, Nghị định 103 thành phố được bán nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng theo hình thức thu tiền một lần để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khác trên địa bàn. Tuy nhiên, xét theo các quy định hiện hành về nhà ở xã hội thì thành phố chưa có quỹ nhà ở xã hội sẵn có và đủ điều kiện để bán tái đầu tư nhà ở xã hội khác. Do đó, Sở Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Đề án về đầu tư nhà ở xã hội trình UBND thành phố xem xét. Hướng đề xuất của sở là xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nhu cầu cao về nhà ở xã hội và huy động các đơn vị tư nhân có nhiều kinh nghiệm tham gia đầu tư, xây dựng và khai thác...

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết