04/10/2011 - 09:41

THỰC HIỆN CÔNG TÁC CỬ TUYỂN ĐÀO TẠO Ở CẦN THƠ

Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc

Ngoài việc tạo điều kiện về chỗ ở trong ký túc xá, nhiều sinh viên dân tộc Khmer (trong đó có diện cử tuyển) đang học tại Trường ĐH Cần Thơ còn được Ban Dân tộc các tỉnh hỗ trợ tặng quà vào những dịp lễ, Tết.

Công tác tuyển sinh, đào tạo và sử dụng cán bộ theo hình thức cử tuyển (gọi chung là công tác cử tuyển) theo Nghị định số 134 của Chính phủ quy định về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, luôn được TP Cần Thơ quan tâm thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ...

Đáp ứng nhu cầu

Từ năm 2004 đến 2009, thực hiện chế độ cử tuyển, TP Cần Thơ đã phối hợp với các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp xét chọn đưa 70 học sinh đi học các ngành: nông lâm, kỹ thuật, luật, giao thông, kinh tế... Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, đánh giá: “Phần lớn học sinh chịu khó, phấn đấu học tập, rèn luyện; kết quả học tập đều đạt trung bình, trung bình-khá. Sau khi tốt nghiệp, các em đều trở về địa phương công tác hoặc tiếp tục học lên sau đại học... đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương”.

Cuối tháng 9-2011, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) đã khảo sát thực tế công tác cử tuyển tại 2 huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Trường ĐH Cần Thơ. Qua khảo sát, Đoàn đánh giá cao công tác cử tuyển ở các đơn vị này. Điển hình như Trường ĐH Cần Thơ, có hẳn Khoa Dự bị Dân tộc, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật người dân tộc và vùng sâu cho các tỉnh thuộc ĐBSCL. Năm học 2010-2011, trường có trên 1.200 sinh viên dân tộc Khmer theo học, trong đó có trên 800 sinh viên được trường tạo điều kiện chỗ ở trong ký túc xá (KTX). Phần lớn những sinh viên ở KTX đều là diện cử tuyển. Theo lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ, sinh viên dân tộc Khmer, sinh viên diện cử tuyển có nguyện vọng vào ở KTX của trường đều được ưu tiên xét chọn; được trợ cấp theo quy định Nhà nước và hưởng các chính sách học bổng như những sinh viên khác. Đối với TP Cần Thơ, Đoàn khảo sát cho rằng, thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác cử tuyển học sinh dân tộc Khmer, đã xét tuyển chọn học sinh đạt trên 80% so với chỉ tiêu, bố trí ngân sách đạt yêu cầu...

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thực hiện công tác cử tuyển tại TP Cần Thơ vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ...Tại buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát HĐDT với lãnh đạo TP Cần Thơ và các sở, ban, ngành thành phố, nhiều đại biểu cho rằng: Một trong những khó khăn khi thực hiện công tác cử tuyển là từ khi TP Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì không còn hưởng chính sách cử tuyển. Trong khi đó, toàn thành phố hiện vẫn còn gần 23.000 hộ nghèo (chiếm 7,85% số hộ toàn thành phố); trong số này, có trên 1.690 hộ dân tộc thiểu số nghèo. Theo ông Lý Xinh, Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Cần Thơ, Ban Dân tộc đang quản lý, hỗ trợ 70 sinh viên dân tộc Khmer, phần lớn thuộc diện hộ nghèo với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/1 sinh viên/năm. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn, nên chưa hỗ trợ cho tất cả con em đồng bào dân tộc Khmer thuộc diện cận nghèo. Ông Lý Xinh kiến nghị: “Để thực hiện tốt hơn công tác cử tuyển, đề nghị Chính phủ cho phép thành phố được hưởng chính sách cử tuyển và mở rộng địa bàn, đối tượng xét tuyển”. Ngoài ra, việc thực hiện công tác cử tuyển ở một số cơ sở đào tạo còn “vướng” việc thu - chi học phí của sinh viên theo Nghị định 49. Theo ông Châu Văn Lực, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, từ năm học 2010-2011, trường đã thực hiện Nghị định 49 liên quan đến việc thu và sử dụng học phí áp dụng là sinh viên dân tộc sẽ được hỗ trợ 100% học phí, nhưng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ở các địa phương chi trả. Nhưng do một số địa phương thực hiện công việc này còn rườm rà, chi trả chậm nên sinh viên gặp khó khăn. Ông Châu Văn Lực đề xuất: “Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên dân tộc thiểu số (trong đó có diện cử tuyển), các địa phương nên giải quyết nhanh thủ tục hỗ trợ chính sách, làm tốt hơn chính sách vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên”. Bên cạnh đó, việc phân công công tác sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường còn nhiều hạn chế. Bởi vì đến nay, thành phố vẫn chưa thống kê đầy đủ cán bộ là học sinh, sinh viên cử tuyển hiện đang công tác tại địa phương, cũng như đánh giá chất lượng và khả năng làm việc của số cán bộ này. Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa địa phương với các trường trong quản lý, đào tạo chưa chặt chẽ...

Để tháo gỡ những khó khăn trên, nhiều đại biểu đề xuất Đoàn Giám sát HĐDT tham mưu với Quốc hội để kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố được tiếp tục thực hiện chính sách cử tuyển sinh viên, học sinh dân tộc thiểu số vào dự bị đại học, cao đẳng; mở rộng địa bàn cử tuyển (ngoài những xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn). Đầu tư xây dựng thêm một trường phổ thông dân tộc nội trú tại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ... Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, nói: “Ngoài việc quan tâm chăm lo đời sống, vật chất tinh thần, nhất là nâng cao trình độ chuyên môn cho đồng bào dân tộc Khmer, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh vào học các trường cao đẳng, trung cấp, nghề vì vừa phù hợp với khả năng, vừa dễ tìm việc làm”. Còn theo ông Nguyễn Văn Hồng, để nâng cao hiệu quả quản lý, đào tạo nên tổ chức một bộ phận chuyên trách theo dõi, cùng phối hợp với các trường để quản lý, đào tạo sinh viên trong thời gian học tập đến khi ra trường...

Thời gian qua, thành phố đã thực hiện tốt nhiều chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ chuyên môn cho đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có chính sách cử tuyển. Tuy nhiên, để chính sách cử tuyển đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương thì cần có thêm những chính sách đãi ngộ từ trung ương.

Bài, ảnh: B.NGÂN

Chia sẻ bài viết