21/05/2015 - 21:08

Vai trò cầu nối

Năm 2013, Bộ Y tế công bố kết quả điều tra tỷ lệ người bị bệnh đái tháo đường ở nước ta ở mức 5,7% dân số và dự báo vào năm 2030 số lượng bệnh nhân sẽ tăng gấp đôi. Đây là căn bệnh mãn tính, phải điều trị suốt đời nên bệnh nhân cần được bác sĩ quan tâm tư vấn để tinh thần được ổn định. BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã phục vụ bệnh nhân đái tháo đường theo hướng ấy, đồng thời còn làm cầu nối giúp bệnh nhân thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường qua việc dùng bình hủy kim tiêm.

Buổi kiểm tra đường huyết miễn phí và tư vấn cho bệnh nhân dùng bình hủy kim tiêm tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long.

Hiện nay, mỗi ngày khoa Nội tiết của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận trên 50 bệnh nhân bị đái tháo đường. Trong đó, có khoảng 50% là bệnh nhân tái khám (người chọn bệnh viện làm cơ sở điều trị thường xuyên). Trong đó, có những người đã gắn với bệnh viện suốt sáu năm, như bà Nguyễn Thị Ngọc Hường, 58 tuổi, ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Bà Hường bị đái tháo đường tuýp 2 từ năm 2009, cho biết: "Tôi được đăng ký bảo hiểm y tế tại đây nên việc điều trị bệnh rất thuận lợi. Suốt 6 năm qua, từ khi phát hiện bệnh, tháng nào tôi cũng đến đây tái khám. Tháng nào chỉ số đường huyết của tôi hơi bất thường, bác sĩ đều dành thời gian hỏi han tôi về chế độ ăn uống, sinh hoạt động viên tôi an tâm". Chị Nguyễn Thị Mỹ Hoa, 45 tuổi, ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cũng bị tiểu đường tuýp 2, nói: "Là lao động chính trong gia đình, khi phát hiện mình bị căn bệnh mãn tính này, tôi vô cùng hoang mang. Tôi đã đi bác sĩ tư đều đặn và cố gắng ăn uống kiêng khem, lượng đường trong máu tôi ổn định nhưng khả năng lao động của tôi bị giảm sút nghiêm trọng. Được người quen mách bảo, tôi đến BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị". Ngay lần khám đầu tiên, bác sĩ CKI Thạch Thị Phola, Phó khoa Nội tim mạch đã tư vấn cho chị Nguyễn Thị Mỹ Hoa: ăn các loại trái cây có nhiều xơ và chỉ ăn vừa phải, trung bình khoảng 200g-400g/ngày; phải ăn đủ 3 bữa/ngày, giảm lượng cơm, nên ăn nhiều cá; không nên ăn trái cây thay thế cho thịt, cá và cũng không dùng trái cây chung với bữa ăn, sẽ không kiểm soát được lượng đường vào cơ thể. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hoa, nói: "Nhờ bác sĩ tận tình thăm hỏi, tinh thần tôi rất phấn chấn, công việc làm ăn thuận lợi, tôi yên tâm sống chung với căn bệnh mãn tính này". Còn Vũ Hữu Chí, 25 tuổi, ở Phụng Hiệp, Hậu Giang, tình cờ phát hiện bị đái tháo đường tuýp 1 vào đầu năm 2015, khi đến BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long khám sức khỏe. Khi đó do bận công việc, học hành Vũ Hữu Chí có thói quen không ăn sáng, chỉ ăn nhiều vào bữa cơm chiều. Qua tìm hiểu thói quen sinh hoạt của bệnh nhân Vũ Hữu Chí, bác sĩ BS CKI Lương Tuyết Liễu, khoa Nội tiết của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã căn dặn: Dù bận rộn thế nào cũng không được bỏ bữa ăn sáng. Nếu không ăn sáng mà bữa tối ăn nhiều cơm, nguồn năng lượng cung cấp vào sẽ bị tích trữ, dẫn đến tăng tình trạng đề kháng insuline, bệnh càng nặng hơn. Vũ Hữu Chí nói: "Còn trẻ tuổi mà mắc bệnh đái tháo đường, tôi thấy rất hoang mang. May nhờ các bác sĩ tận tình tư vấn, tôi đã yên tâm điều trị". Theo bác sĩ CKI Thạch Thị Phola, Phó khoa Nội Tim mạch của BV ĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, có khoảng 5% bệnh nhân mắc đái tháo đường điều trị tại bệnh viện thuộc nhóm bệnh tuýp 1. Đái tháo đường tuýp 1 còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin hay tiểu đường ở người trẻ (dưới 30 tuổi), chiếm tỷ lệ khoảng 10% trong tổng số người mắc bệnh. Nguyên nhân do cơ chế tự miễn dịch, tuyến tụy không còn khả năng sản xuất insulin. Bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1 phải sống chung với bệnh bằng cách chích insulin mỗi ngày. Với đối tượng bệnh nhân này, bệnh viện đặc biệt quan tâm tư vấn, nhằm giúp bệnh nhân tránh rơi vào trạng thái trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống.

Bệnh nhân đái tháo đường phải thường xuyên tiêm Insulin tại nhà. Làm thế nào để số lượng kim tiêm này không đưa vào nguồn rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường. Đầu năm 2015 này, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã phát động phong trào vận động bệnh nhân dùng bình hủy kim. Đây là dụng cụ chứa chất thải y tế, có nắp đóng mở dễ dàng. Khi thăm khám cho bệnh nhân đái tháo đường, các bác sĩ khoa Nội tiết đã làm thêm nhiệm vụ tuyên truyền về lợi ích và cách sử dụng bình hủy kim. Bệnh nhân đồng ý sử dụng, bác sĩ sẽ ghi vào toa thuốc để bệnh nhân mua bình hủy kim tại nhà thuốc của bệnh viện. Khi số lượng kim tiêm để gần đầy bình, bệnh nhân mang bình đến giao cho khoa Nội tiết, bác sĩ của khoa Nội tiết sẽ giao cho khoa Chống Nhiễm khuẩn để xử lý theo đúng quy trình xử lý chất thải y tế do Bộ Y tế quy định. Anh Vũ Hữu Chí mắc tiểu đường tuýp 1 là bệnh nhân đầu tiên giao bình hủy kim tiêm đã sử dụng cho khoa Nội tim mạch. Anh Vũ Hữu Chí nói: "Trước đây, mỗi lần tiêm thuốc xong, tôi phải lấy giấy và bịch nilon gói kim tiêm thật kỹ, nhưng vẫn sợ gây nguy hiểm cho người trong gia đình hoặc công nhân thu gom rác thải. Chiếc bình hủy kim tiêm này, có dòng chữ "nguy hiểm, chất thải y tế sắc nhọn, độc hại", tôi rất yên tâm".

Thống kê của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long: hiện có trên 500 bệnh nhân đái tháo đường ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận, chọn bệnh viện làm cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Bệnh viện nỗ lực làm tốt vai trò cầu nối giúp bệnh nhân yên tâm sống chung với căn bệnh mãn tính và mang tính thời đại này, đồng thời, vận động bệnh nhân tích cực dùng bình hủy kim tiêm, việc làm này của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã góp phần đáng kể cho mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ĐBSCL.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết