12/04/2012 - 21:56

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật Xuất bản (sửa đổi) và Luật Luật sư (sửa đổi)

(TTXVN)- Sáng 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Tại Phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo UBTVQH Tờ trình về Dự án Luật Xuất bản, in, phát hành. Theo đó, Luật Xuất bản năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2008 đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, tạo được bước tiến mới trong hoạt động xuất bản, đáp ứng nhu cầu về xuất bản của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quy định trong Luật Xuất bản đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp thực tiễn và thiếu đồng bộ với một số Luật có liên quan như: quy định đối tượng thành lập nhà xuất bản, xuất bản trên mạng Internet, chính sách hỗ trợ cho hoạt động xuất bản...

Tại phiên họp sáng nay, các thành viên UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng liên quan đến Luật Xuất bản (sửa đổi) như: thống nhất tên gọi Luật Xuất bản (sửa đổi), quản lý hoạt động in; liên kết trong hoạt động xuất bản… Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn chỉnh nội dung, trình Quốc hội.

Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 12-4, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư nêu rõ: qua tổng kết thực tiễn 5 năm thi hành, Luật Luật sư đã đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả. Về cơ bản, các quy định Luật Luật sư là đúng hướng và đa phần vẫn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, có nhiều quy định tiếp cận với thông lệ hành nghề luật sư quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung: điều kiện được miễn đào tạo nghề; miễn, giảm tập sự nghề luật sư; quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư; mở rộng diện đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa...

Chia sẻ bài viết