16/10/2012 - 14:18

Ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu khoa học và xây dựng bảo tàng nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long

Cử tri thành phố đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần cân đối kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học hợp lý giữa các vùng, miền; đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở vùng ĐBSCL. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu cho xây dựng bảo tàng nông nghiệp và công viên nông nghiệp tại ĐBSCL. Công văn trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như sau:

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa, cây ăn quả và thủy sản lớn của cả nước. Chính vì vậy, khu vực ĐBSCL luôn luôn được ưu tiên áp dụng các chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trong đó, có chính sách đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quản lý hoạt động khoa học và công nghệ nông nghiệp theo Luật Khoa học và Công nghệ và Quy chế quản lý đề tài, dự án ban hành tại Quyết định số 36/2006/QĐ-BNN-KHCN ngày 5-6-2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, căn cứ vào các chính sách, chương trình phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt hàng hoặc ưu tiên đưa vào thực hiện các đề tài nghiên cứu tại khu vực ĐBSCL. Hiện nay, nhiều đề tài nghiên cứu đặt hàng hoặc giao trực tiếp đang được triển khai thực hiện trong vùng, như: tuyển chọn giống lúa năng suất cao, giống lúa chịu mặn, giống cây ăn quả, giống cá tra, tôm sú, tôm càng xanh,…

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ĐBCSL, nhất là đầu tư nghiên cứu cho các sản phẩm chủ lực và có lợi thế cạnh tranh của vùng, như lúa, cây ăn trái, cá tra, tôm sú,…

Về xây dựng bảo tàng nông nghiệp và công viên nông nghiệp: Ngày 23 - 6 - 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 156/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam được phê duyệt nằm trong dự án ngắn hạn giai đoạn 2010 - 2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp là cần thiết, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học,… Tuy nhiên, trong điều kiện thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thì việc lập dự án mới để xây dựng bảo tàng nông nghiệp là chưa thể thực hiện được.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý để Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xây dựng các phòng trưng bày nhằm hướng đến xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp Việt Nam để lưu giữ và công bố các thành tựu khoa học công nghệ về nông nghiệp.

Chia sẻ bài viết