04/03/2008 - 22:18

Tuổi già, nuôi chồng bệnh tật

72 tuổi, bà Nguyễn Thị Xem (đang cư ngụ trong dãy nhà tình thương ở hẻm 112, khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) ngày ngày vẫn lam lũ đi tìm hái rau dại bán kiếm sống và nuôi chồng đã 85 tuổi, bị bệnh nặng. Mấy chục năm trĩu nặng gánh gia đình, giờ bà Xem đã sức cùng lực kiệt nhưng vẫn cố gắng bươn chải trên bước đường mưu sinh ở tuổi xế chiều.

Mọi người thường gọi bà Xem là “bà Mười lá môn” vì nghề chính của bà là cắt lá môn, lục bình đem bán. Hỏi thăm bà, ai trong hẻm cũng biết vì bà hiền lành, chân thật, vui tính, lối xóm đều thương. Hơn 10 năm nay, đôi chân chai sần của bà đã quen từng khúc sông, con rạch trong phường. Nơi nào đỉa nhiều, nước nông sâu, nơi nào có nhiều rau..., bà nắm như lòng bàn tay. Nhưng cũng có lúc bà đi cả buổi chẳng kiếm được bao nhiêu, chỉ mót được vài bó lục bình đem đổi gạo.

Những lúc hết rau, bà Xem chuyển sang kiếm củi, lá dừa... Khi không còn cái để nhặt nhạnh mang ra chợ bán, bà đi quanh xóm, ai mướn gì cũng làm. Bà Xem nói: “Một ngày lao động cật lực của tui được 12.000 đồng, nhưng bây giờ ít được như vậy lắm, chừng 7.000 đồng là cùng. Tui ráng gói ghém, chứ biết làm sao bây giờ ?”.

Chuyện cơm áo gạo tiền làm bà Xem có lúc như mụ mỵ hẳn đi, phải rất lâu mới nhớ được tên các con. 10 người con của bà vì sống thiếu thốn nên bệnh chết hơn phân nửa, còn 4 người lưu lạc khắp nơi, lâu rồi chưa gặp mặt. Theo bà Xem, con bà ai cũng nghèo nên cũng chẳng giúp được gì cho mẹ. Hiện có đứa cháu ngoại thuê nhà trọ ở gần nơi bà ở, làm nghề mua bán ve chai, thỉnh thoảng cũng có ghé qua. Người thân chỉ bấy nhiêu, suốt ngày bà Xem vừa làm kiếm cái ăn, vừa chăm sóc chồng trong cô đơn, quạnh vắng. Tay mân mê vạt áo đã sờn rách, bà kể trong nước mắt: “Nhiều khi bệnh nửa đêm cũng chẳng dám kêu ai, ráng chịu trận tới sáng rồi lội bộ đi xin thuốc. Nhờ trời thương, trận nào tui cũng qua khỏi”.

 Bà Nguyễn Thị Xem đang cột lá môn và lá dừa, chuẩn bị đem bán.

Trước đây, chồng bà Xem (ông Chín Khắm) còn khỏe, thường đi cắt lá môn với bà, hai vợ chồng đội ra tận chợ Xuân Khánh bán. 7 năm nay, ông Chín phát bệnh, bao gánh nặng dồn trên đôi vai người vợ già yếu. Ông Chín bị co rút tay chân, không đi được, chỉ bò lết quanh nhà. Mấy tháng qua, ông chỉ nằm một chỗ rên la, than đau nhức sáng đêm. Có thẻ bảo hiểm y tế nhưng bà Xem không đưa chồng đi khám bệnh được vì không có tiền thuê xe và vì không ai phụ bà đỡ ông đi lại. Từ trước đến nay, bà Xem chỉ biết kiếm thuốc nam nấu cho chồng uống và xoa bóp tay chân. Bao nhiêu tiền kiếm được bà để dành mua đồ ăn bồi dưỡng cho chồng. Không có tiền mua chiếu, bà Xem chỉ ngủ trên nền gạch lạnh lẽo, nhường chiếc giường duy nhất trong nhà cho ông Chín. Mới đây, có người thấy thương đã cho tấm nệm cũ, bà cũng nhường luôn cho ông.

Mỗi buổi sáng, bà Xem nấu cơm rồi múc để ngay đầu giường để khi đói, chồng tự lấy ăn. Sau đó, bà bắt đầu hành trình đi tìm rau bán. Những ngày bệnh bà cũng không dám nghỉ vì nghỉ ngày nào là đói ngày đó. Biết sông có đỉa cũng phải lội xuống cắt rau, tay chân bà đầy những vết sẹo lớn nhỏ của những lần không thấy đường cắt vào tay, quơ trúng miểng, đạp đinh, chà gai cào xước... Thời gian gần đây, bà Xem bị chứng nhức đầu kinh niên do bà hay đội nặng trên đầu, mình và cổ nổi những vết chàm lớn, ngứa không chịu nổi, chảy nước vàng, mắt bà cũng đã mờ. Bà Xem ngậm ngùi nói: “Nhiều lúc lội sông thấy nước xanh dờn, tui cũng sợ bị nhiễm trùng da, nhưng phải ráng, không làm lấy gì ăn”. Một ngày vợ chồng bà ăn khoảng hai lon gạo, thức ăn thường là rau chấm nước mắm kho quẹt.

Bà Xem từ nhỏ đã tha phương kiếm sống. Có một thời gian dài bà đi nấu cơm mướn ở Phụng Hiệp rồi lên tận An Giang cắt lúa thuê... Khi có chồng cũng không khá hơn, các con ra đời tình cảnh càng bi đát. Mấy chục năm trời phiêu bạt, bà trở lại Cần Thơ nhưng không có đất, cả nhà cất cái chòi ở tạm trên mảnh đất trống ở khu vực 6 phường Hưng Lợi rồi chia nhau đi làm mướn. Chính quyền địa phương thấy thương đã vận động người dân xây một dãy nhà tình thương cho bà và hai hộ khác vào đó ở. Thời gian đầu, nơi này bị trũng, đường sá lầy lội, mưa lớn nước tràn cả vào trong nhà nên Hội Chữ thập đỏ khu vực 6 phát động làm con đường sạch. Hiện nay, nhà bà Xem và các hộ kế bên đã có điện, nước xài miễn phí, đường đi thông thoáng.

Kể lại cuộc đời mình, bà Xem cười mà rưng rưng nước mắt. Hỏi bà có mơ ước gì không, bà thành thật trả lời: “Tui cũng hổng biết ước gì, chỉ mong có sức khỏe để còn đi làm, vợ chồng già sống đắp đổi qua ngày”. Sợ có lúc không còn rau để hái nữa nên bà tranh thủ trồng môn và lục bình xung quanh nhà, vừa để bán vừa để làm thức ăn phòng khi trái gió trở trời, bà không đi ra ngoài được. Thiếu thốn, khổ nhọc nhưng bà ráng nín nhịn chịu đựng. Ai hỏi, bà chỉ cười đáp: “Quen rồi”. Bà con lối xóm và các tiểu thương ở các chợ trong phường biết hoàn cảnh của bà cũng thường cho quần áo, thức ăn, gạo.... Chị Dương Thị Phương Lan, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu vực 6, phường Hưng Lợi, cho biết: “Vợ chồng bà Xem không có hộ khẩu ở đây nhưng vì hoàn cảnh đáng thương quá, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện làm sổ hộ nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Bà Xem rất chí thú làm ăn, nhưng giờ tuổi cao, sức yếu, chắc bà không kham nổi...”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết