25/07/2009 - 07:21

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Trường nào không thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1) sẽ không được khai giảng năm học mới

Ngày 24-7 có 13/33 ca dương tính với cúm A(H1N1) là học sinh

Trước diễn biến dịch cúm A(H1N1) tiềm ẩn khó lường, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu ngành y tế và giáo dục xây dựng các biện pháp ứng phó với dịch cúm A(H1N1) cho hơn 20 triệu học sinh, sinh viên để hạn chế thấp nhất sự lây lan, đảm bảo sức khỏe và chương trình học tập.

Theo Phó Thủ tướng, việc quan trọng nhất mà hai ngành cần triển khai đầu tiên là đẩy mạnh giải pháp tuyên truyền, kỹ năng ứng xử cho học sinh, sinh viên biết cách tự phòng ngừa cho mình và cộng đồng. Theo đó, Bộ Y tế cần xem xét và đánh giá các biện pháp xử lý tại hai điểm trường Ngô Thời Nhiệm và Nguyễn Khuyến (Thành phố Hồ Chí Minh) qua đó rút ra bài học về việc ứng phó khi dịch cúm A(H1N1) xảy ra tại các trường học. Để đưa các thông tin về phòng chống cúm A(H1N1) đến học sinh, sinh viên cả nước trong dịp đầu năm học, Phó Thủ tướng gợi ý ngành giáo dục huy động học sinh, sinh viên sẵn sàng tham gia và mỗi em phải trở thành “tình nguyện viên” tuyên truyền phòng chống cúm A(H1N1) tại gia đình và cộng đồng. Trước thềm khai giảng, tất cả các trường học trong cả nước phải tổ chức tập huấn cho các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên các nhà trường, hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H1N1) và biết cách tự phát hiện bệnh khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo 41.000 trường học trong cả nước phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1) do đồng chí Hiệu trưởng trường làm trưởng ban, đồng thời phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn 100% cho toàn thể học sinh và giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường; xây dựng và tuyên truyền các Poster phòng chống cúm chuyển về các trường, các địa phương. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trường nào không thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm A(H1N1) cũng như các quy định bắt buộc về công tác phòng chống dịch cúm A(H1N1) sẽ không được tổ chức khai giảng. Đối với các trường có dịch, ngành y tế và giáo dục phải thông báo thời gian đóng cửa trường và lịch học tập để không ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy.

Theo dự báo, sắp tới có thể nhiều trường học sẽ bị lây nhiễm cúm A(H1N1) vì vậy các trường đều phải chuẩn bị sẵn sàng phương án cùng ngành y tế tổ chức trường học thành bệnh viện dã chiến để hạn chế lây lan, giảm thiểu tác hại của dịch. Các khu vực có “nguy cơ cao” phải dọn dẹp sạch sẽ và được khử khuẩn như khu vui chơi, nhà vệ sinh, bếp ăn. Tăng cường phối hợp chăm sóc, theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, tất cả các học sinh bị ốm và có dấu hiệu nghi ngờ phải nghỉ cách ly ở nhà ít nhất 7 ngày, không nên đến trường.

* Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục y tế dự phòng và môi trường cho biết: Ngày 24-7, Việt Nam đã ghi nhận thêm 33 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) trong đó có 28 ca ở miền Nam và 3 ca ở miền Bắc, 2 ca ở miền Trung. Trong đó có 13 ca dương tính liên quan đến chùm ca bệnh tại Trường nội trú Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình và Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh.

Một số tỉnh như Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh đã ghi nhận các ca dương tính là học sinh Trường trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh về địa phương nghỉ hè.

Như vậy, tính đến 17 giờ 24-7, nước ta đã có 532 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), không có trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 357; 175 trường hợp kể cả các trường hợp mới phát hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.n

P.V-THANH GIANG (TTXVN)

P.V-THANH GIANG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết