21/04/2019 - 11:31

Triển vọng phát triển thương mại 

Trong cơ cấu phát triển kinh tế của TP Cần Thơ, thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, thành phố vừa là đầu mối, vừa là nơi trung chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành trong vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) và các tỉnh, thành cả nước. Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm đến những dự án lĩnh vực thương mại-dịch vụ của thành phố. Ðiều này đang tạo xung lực phát triển cho đô thị Cần Thơ, xứng đáng vị trí trung tâm vùng ÐBSCL.

Các kênh mua sắm hiện đại ngày càng phát triển tại TP Cần Thơ. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C.

► Khơi nguồn lực

Trong quý I-2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa của TP Cần Thơ đạt 35.708,42 tỉ đồng, đạt 26,87% kế hoạch năm và tăng 12,09% so cùng kỳ. Các sở, ngành hữu quan của thành phố thường xuyên tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp thành phố với doanh nghiệp các tỉnh, thành trong cả nước nhằm củng cố, phát triển kênh tiêu thụ hàng hóa. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển hệ thống các cửa hàng tiện ích, mở rộng hệ thống phân phối, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp phân phối và tiêu dùng.

Ông La Minh Hồng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, chia sẻ: Là một trong những đơn vị hoạt động lâu năm ở Cần Thơ chúng tôi nhận được hỗ trợ UBND TP Cần Thơ, các sở ngành thành phố trong việc phát triển thị trường, liên kết đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, tạo được niềm tin với người tiêu dùng về các sản phẩm do công ty cung cấp.

Là quận trung tâm của thành phố, Ninh Kiều có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Theo ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, những năm gần đây, các nhà đầu tư lớn đến đầu tư trên địa bàn quận tập trung vào các dự án như trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu đô thị mới… Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, quận cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ngành thành phố trong các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự để nhà đầu tư yên tâm hoạt động.

Còn ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: “Từ khi thành lập quận đến nay, cơ sở hạ tầng của Bình Thủy ngày được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông được kết nối thông suốt. Đây cũng là điều kiện để thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Toàn quận hiện có 6.104 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ; trong đó có 20 hệ thống bán lẻ và 3 siêu thị đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người dân trên địa bàn”.

Tính đến cuối tháng 3-2019, trên địa bàn thành phố có 30 dự án thương mại, dịch vụ đang triển khai với tổng mức đầu tư 16.145,8 tỉ đồng. Trong những nỗ lực nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các sở, ngành thành phố chủ động hỗ trợ cung cấp thông tin, chỉ số kinh tế- xã hội, các chính sách hỗ trợ đầu tư,... nhằm giúp nhà đầu tư có đầy đủ thông tin để quyết định đầu tư. Hỗ trợ đưa nhà đầu tư đi tham quan, khảo sát các vị trí dự án đầu tư nếu nhà đầu tư có nhu cầu. Kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp xúc, gặp gỡ với các cơ quan, ban ngành trên địa bàn thành phố để xúc tiến thực hiện các thủ tục đầu tư. Khi dự án đi vào triển khai thực hiện, thành phố sẵn sàng đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để dự án sớm đi vào triển khai thực hiện.

► Tăng niềm tin

Để hỗ trợ doanh nghiệp, hằng năm, các sở, ngành hữu quan của thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để doanh nghiệp quảng bá được thương hiệu đến các khách hàng mục tiêu, tạo cơ hội tìm kiếm khách hàng mới tiềm năng. Từ những thông tin này, các doanh nghiệp cũng nhận rõ xu hướng thị trường, để xây dựng phương án hợp tác, phát triển công nghệ sản xuất, xây dựng chiến lược đúng đắn trong phát triển sản xuất - kinh doanh và các giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương, TP Cần Thơ, hiện Sở Công Thương đang tham mưu UBND thành phố xây dựng Trung tâm logistics hạng II thuộc tiểu vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL tại TP Cần Thơ, nhằm khai thác có hiệu quả thị trường logistics và hỗ trợ lưu thông xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối hệ thống cảng biển, cảng hàng không và mạng lưới giao thông đường bộ của vùng. Sở cũng tham mưu tổ chức các lớp tập huấn kiến thức hội nhập kinh tế năm 2019, tổ chức kết nối doanh nghiệp thành phố với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đến các tỉnh, thành phố cả nước.

Bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 103/2018/NĐ-CP ngày 7-8-2018 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ; tập trung nghiên cứu, cập nhật và đề xuất các chính sách hỗ trợ đầu tư của thành phố. Đặc biệt là thường xuyên rà soát danh mục dự án mời gọi đầu tư; rà soát, bổ sung thông tin chi tiết cho từng dự án mời gọi đầu tư để cung cấp cho nhà đầu tư, loại bỏ những dự án không còn phù hợp với quy hoạch, không có tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Thành phố đang tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ như duy trì đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ và nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết