29/03/2010 - 20:55

GIÚP THÍ SINH CHỌN ĐÚNG NGHỀ, HỌC ĐÚNG NGÀNH

Trách nhiệm từ nhiều phía

Nhiều học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại ngày Hội tuyển sinh tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ trong tháng 3-2010. Đây là một trong các hoạt động của Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với các đơn vị nhằm giúp thí sinh chọn đúng ngành nghề phù hợp. Ảnh: B.Ng

Vào mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhiều thí sinh, phụ huynh có con em sắp thi đã cân nhắc khá kỹ về năng lực, hoàn cảnh gia đình để quyết định chọn ngành học, bậc học phù hợp. Qua khảo sát bước đầu và nhận định của cán bộ quản lý ở các trường thì năm nay, xu hướng tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề theo hướng “xã hội cần” như khối ngành kinh tế, kỹ thuật... đã khá phổ biến. Nhưng, để chọn đúng nghề, học đúng ngành là cả một vấn đề.

* Ngành kinh tế đang “nóng”...

Nguyễn Thị Thanh Kiều, học sinh Trường THPT Phan Ngọc Hiển, TP Cần Thơ, nói: “Năm lớp 10, 11 em muốn học ngành du lịch để được đi đây đi đó. Nhưng lên lớp 12, thấy mấy bạn và gia đình khuyên học kinh tế, vì học ngành này ra trường dễ kiếm việc làm lại có thu nhập cao, nên em định thi vào ngành kinh tế”.

Nắm bắt sự phát triển của kinh tế thị trường với hàng loạt các ngân hàng và doanh nghiệp ra đời cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO nên các ngành kinh tế luôn thu hút học sinh và cả phụ huynh. Ngay khi vào học lớp 10, Lê Thị Vân Thi, học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ đã chọn cho mình Ban xã hội và nhân văn, bởi mơ ước từ nhỏ của Thi là trở thành Luật sư. Thế nhưng, lên lớp 12, Thi lại quyết định chọn ngành Quản trị kinh doanh. Thi nói: “Chị của em tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ năm vừa rồi. Ngay sau khi ra trường, chị đã tìm được công việc ổn định, lương cao tại thành phố. Vì vậy, gia đình khuyên nên thi vào ngành Quản trị kinh doanh và em quyết định nghe theo lời gia đình”.

Nhóm ngành kinh tế vẫn rất “hút” thí sinh. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết: “Mùa tuyển sinh 2009, số lượng học sinh của trường đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các ngành kinh tế chiếm gần một nửa trong tổng số thí sinh ĐKDT”. Đồng quan điểm với ông Hùng là ông Nguyễn Văn Sang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị: “Nhiều em chọn các ngành thuộc nhóm kinh tế theo bạn bè, mà không biết được chính xác học kinh tế mình sẽ làm gì sau khi ra trường”.

Năm 2010, Trường ĐH Cần Thơ mở 5 chuyên ngành mới là: Tin học ứng dụng, Dược thú y, Vi sinh vật học, Hóa dược và Ngôn ngữ Pháp. Các ngành, chuyên ngành mới này, theo trường là căn cứ vào nhu cầu xã hội, năng lực đào tạo của các đơn vị và chiến lược phát triển đào tạo của trường. “Đào tạo chuyên sâu giúp nhà tuyển dụng thuận lợi trong việc tuyển chọn nhân viên”- ông Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ khẳng định. Ông cho biết thêm: “Năm nay xu hướng chọn ngành của thí sinh vẫn “nhắm” vào là kinh tế, kỹ thuật, sau đó là nông nghiệp”. Theo Trường ĐH Cần Thơ, năm 2009, ngành Quản trị kinh doanh có tỷ lệ chọi là 1-21,9; ngành Kế toán tỷ lệ chọi là 1-18,34 trong khi tỷ lệ chọi bình quân của toàn Trường ĐH Cần Thơ là 1-11,18. Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (KT-KT) Cần Thơ, nhận định: “Xu hướng chọn ngành của thí sinh cũng phân hóa khá rõ theo những ngành nghề xã hội đang có nhu cầu tuyển dụng cao như: khối ngành kinh tế, Công nghệ chế biến thủy sản, Nuôi trồng Thủy sản...”. Ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp (CĐ&NN) Nam bộ, nói rằng: “Năm nay là năm thứ hai trường tuyển sinh cho các ngành bậc cao đẳng, nhưng rõ ràng thí sinh “chuộng” các ngành Kế toán, khối nông nghiệp sau đó mới đến cơ khí. Ngành khó tuyển nhất là Hàn, Tiện”.

* Chọn ngành phù hợp: Cần nhiều sự “cộng hưởng”

Có nhiều nguyên nhân tác động đến sự chọn lựa ngành nghề của học sinh như: gia đình, bạn bè, năng lực bản thân... Song nhìn chung việc chọn lựa ngành nghề của học sinh vẫn theo cảm tính hoặc theo phong trào.

Những năm gần đây, mỗi lần vào mùa tuyển sinh có nhiều kênh thông tin, nhiều địa phương, nhiều trường, nhiều tổ chức mở ra nhiều đợt tư vấn hướng nghiệp- tuyển sinh ngày càng cụ thể, đi vào chiều sâu. Nhờ đó, nhiều học sinh trước ngưỡng cửa đại học đã có những kiến thức để chọn ngành và xác định công việc sau khi ra trường. Nhiều em đã định hướng được chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình, có nhu cầu tư vấn nhiều về các ngành đào tạo bậc cao đẳng, trung cấp, đào tạo liên thông...

Tuy nhiên, công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh vẫn còn nhiều điều phải bàn. Thông thường, vào đầu tháng 3 hằng năm công tác tư vấn tuyển sinh mới “nở rộ” lên tại các trường THPT, đại học, cao đẳng, trung cấp... Ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CĐ&NN Nam bộ, thừa nhận: “Tư vấn hướng nghiệp ở trường THPT rất quan trọng, nhưng thời gian dành cho công tác này vẫn còn ít. Để giúp thí sinh sớm có ý thức để cân nhắc chọn lựa ngành nghề phù hợp, các trường phổ thông cần làm tốt tư vấn hướng nghiệp; cùng với sự phối hợp chặt chẽ với các trường cao đẳng, trung cấp, đại học để thường xuyên tư vấn hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12”.

Những cán bộ có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển sinh như ông Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, nói rằng: “Phụ huynh học sinh và các nhà quản lý nên giữ vai trò tư vấn, hướng dẫn là chính. Việc lựa chọn và quyết định ngành nghề nên dành cho thí sinh- bởi họ là người gắn bó mãi với ngành nghề sau này. Còn những nhà quản lý giáo dục cần tư vấn kỹ cho học sinh về định hướng ngành nghề trong xã hội, chuyên môn sâu của từng ngành nghề,...”. Phụ huynh cần tránh việc áp đặt con em thực hiện theo ý định chủ quan của mình. Trong điều kiện phát triển của phương tiện thông tin ngày nay, phụ huynh có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về ngành nghề của các trường để cùng với con em trao đổi đi đến sự lựa chọn phù hợp nhất.

* * *

Xu hướng chọn ngành năm nay vẫn “nóng” ở khối A và đặc biệt là nhóm ngành kinh tế. Đây là điều phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, cần phải để các em hiểu rằng: không có ngành nghề nào không cần thiết trong xã hội. Chọn ngành nghề phù hợp với bản thân mới là điều quan trọng ảnh hưởng đến tương lai cả đời người.

NGỌC GIANG

Chia sẻ bài viết