31/07/2022 - 23:16

Tiền Giang nỗ lực đưa xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu 

Bài, ảnh: HỮU CHÍ

Xoài cát Hòa Lộc có xuất xứ tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Ðức, tỉnh Ðịnh Tường (nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là một đặc sản nổi tiếng của vùng ÐBSCL được ưa chuộng bởi màu sắc hấp dẫn, mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Diện tích xoài cát Hòa Lộc của Tiền Giang hiện nay là 296,5ha, năng suất từ 12-18 tấn/ha, sản lượng bình quân hằng năm từ 3.558-5.337 tấn.

Xoài cát Hòa Lộc ở chợ An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang).

Xoài cát Hòa Lộc được người dân Nam bộ nói riêng, trong nước nói chung ưa chuộng và đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính và đầy tiềm năng như Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Singapore, Ðài Loan, Trung Quốc. Xoài cát Hòa Lộc được trồng nhiều tại 13 xã của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang gồm: xã Hòa Hưng, Tân Thanh, Tân Hưng, An Hữu, An Thái Trung, An Thái Ðông, Mỹ Lương, Mỹ Ðức Ðông, Thiện Trí, Hậu Thành, Ðông Hòa Hiệp, An Cư, Hòa Khánh và xã Mỹ Lợi A.

Huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có 2 đơn vị thu mua sơ chế, chế biến, bảo quản xoài cát Hòa Lộc. Ðó là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hòa Lộc RR (ở xã Tân Hưng, huyện Cái Bè) thu mua, sơ chế, bảo quản sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi năm khoảng 24 tấn/năm, thị trường tiêu thụ chính là Liên bang Nga và Úc. Hợp tác xã Hòa Lộc (ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) thu mua, sơ chế sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi năm khoảng 20 tấn/năm, đơn vị thu mua để xuất khẩu là Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Nông sản Cát Tường.

Ông Ðặng Văn Tung, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Nhằm góp phần khẳng định thương hiệu và mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, huyện Cái Bè đã phối hợp các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang triển khai nhiều hoạt động trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ. UBND huyện Cái Bè đã phối hợp các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang vận động và có chính sách hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn huyện Cái Bè nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân liên kết sản xuất. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất.

Huyện đã thành lập được 2 hợp tác xã là Hợp tác xã Hòa Lộc, Hợp tác xã Mỹ Lương và 1 tổ hợp tác xoài Tân Thanh với tổng diện tích trồng xoài trên 60ha. Trong đó, Hợp tác xã Hòa Lộc có quy mô và diện tích lớn nhất, được thành lập từ năm 2002 với 32 xã viên. Qua hơn 10 năm hoạt động, Hợp tác xã Hòa Lộc đã mở rộng quy mô với hơn 100 xã viên, được chứng nhận VietGAP, Global GAP với diện tích trên 20ha và đã đầu tư cải tạo, mở rộng diện tích nhà xưởng sơ chế - đóng gói sản phẩm, trang bị một số thiết bị chuyên dụng như bồn rửa trái cây, bồn xử lý nhiệt, bàn phơi trái, kho ủ khí etylen, kho mát... Nhờ đó, xoài cát Hòa Lộc đảm bảo về chất lượng, giảm bớt tổn thất sau thu hoạch và tăng thêm giá trị cũng như thời gian bảo quản.

Ðồng thời, việc thành lập các tổ chức sản xuất cũng tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết với các siêu thị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chế biến và xuất khẩu, từ đó tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp tăng thu nhập và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Ðể đáp ứng yêu cầu pháp lý trong lưu thông phân phối và quan hệ thương mại trong thời kỳ hội nhập kinh tế, ngày 6-7-2005, Hợp tác xã Hòa Lộc của huyện Cái Bè đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền Nhãn hiệu tập thể số 77988 và 77989 cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc. Nhằm bảo vệ tính pháp lý cao nhất cho các sản phẩm đặc trưng mang tên địa danh, năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý số 00016 về Chỉ dẫn địa lý xoài cát Hòa Lộc của UBND tỉnh Tiền Giang. Với sự thành công này, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai công tác quản lý và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ Chỉ dẫn địa lý Hòa Lộc nhằm quảng bá rộng rãi, bảo vệ tính đặc trưng của sản phẩm truyền thống và nâng cao giá trị sản phẩm xoài của Tiền Giang trên thị trường nội địa và quốc tế.

Theo ông Ðặng Văn Tung, hiện nay Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cái Bè đang thực hiện Ðề tài "Chứng nhận vườn đầu dòng xoài cát Hòa Lộc tại huyện Cái Bè, Tiền Giang" dự kiến tổ chức Hội nghị công bố chứng nhận trong cuối năm 2023. Ðơn vị đã tổ chức thực hiện quản lý mã số vùng trồng: đối với sản phẩm xoài trên địa bàn huyện có 71,1ha xoài đã cấp mã số và đang duy trì hoạt động. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp huyện Cái Bè tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ người trồng xoài cát tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời gắn kết với doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị và đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm, góp phần khẳng định thương hiệu và mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc.

Chia sẻ bài viết