25/02/2025 - 14:04

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Thực hiện phòng, chống lãng phí phải như cơm ăn, nước uống hằng ngày 

(TTXVN) - Sáng 25-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí (PCLP) chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo nhằm rà soát công việc và bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ PCLP thời gian tới, đặc biệt xử lý các dự án tồn đọng nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn chỉ rõ, lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản… gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm suy giảm nguồn lực, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, những lãng phí kể trên, một phần do vướng mắc về thể chế.

Các đại biểu đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế và có cơ chế đặc biệt, đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, nhất là các dự án có sai phạm được chỉ ra trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các bản án… Đồng thời có hướng dẫn kịp thời để sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ rõ, hiện nay chúng ta đã tháo gỡ thể chế, có kinh nghiệm xử lý và phối hợp hiệu quả, phải huy động tối đa nguồn lực để phục vụ yêu cầu phát triển. Thủ tướng nêu rõ quan điểm việc PCLP là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; không có giới hạn về không gian và thời gian; làm liên tục, không ngừng nghỉ, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài; phải gắn kết với cải cách bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ... Mong muốn việc PCLP phải trở thành tự giác, tự nguyện như cơm ăn, nước uống hằng ngày, Thủ tướng yêu cầu thống nhất về nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCLP tại thời điểm hiện nay theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm. Song song là phải hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, với các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cụ thể, trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”; tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên tất cả các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và PCLP nhất là xây dựng dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí và Chiến lược quốc gia về PCLP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo PCLP. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả, trên tinh thần “vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”. Trong đó, thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Cho rằng, trước những vấn đề đột xuất, phát sinh, đặc biệt, chưa có tiền lệ phải có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, tạo khung pháp lý phù hợp để xử lý, Thủ tướng Chính phủ lưu ý phải rà soát các thủ tục hành chính mà gây ách tắc, lãng phí nguồn lực để cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, nhất là trong quản lý các dự án đầu tư công theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trung ương, bộ, ngành không làm thay địa phương; vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của cấp nào, cơ quan, đơn vị, cá nhân nào thì cấp đó, cơ quan, đơn vị, cá nhân đó xử lý.

Chỉ đạo thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là trong quản lý đất đai, tài sản công, tài chính, đất đai, tài nguyên…, góp phần PCLP, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, giám sát; đồng thời, đồng bộ hóa hạ tầng số, liên thông hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan để tránh tình trạng mỗi đơn vị vận hành một hệ thống riêng lẻ, dẫn đến phân mảnh dữ liệu, gây khó khăn trong quản lý và khai thác thông tin.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương sao cho chặt chẽ, hiệu quả theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong PCLP của cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời góp ý, xây dựng Kế hoạch công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng nhấn mạnh, các Bộ, cơ quan, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Trong đó, mỗi bộ ngành địa phương phải là những hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước đi lên, tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Chia sẻ bài viết