01/08/2020 - 19:31

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Thúc đẩy mọi giải pháp để tăng trưởng dương, GDP của toàn vùng ÐBSCL không thấp hơn cả nước 

* Đề nghị xúc tiến đầu tư tuyến đường hành lang ven biển vùng ĐBSCL

(CT)- Ngày 1-8, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ÐBSCL. 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng giảm. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế trung bình của vùng chỉ đạt 1,2% trong khi cả nước ước đạt 1,81%. Mức tăng này chỉ cao hơn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Có 8/13 địa phương có mức tăng trưởng dương; trong đó, có 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước; 5 địa phương tăng trưởng âm là Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 146.300 tỉ đồng, tương đương 35,2% kế hoạch năm 2020, bằng 95% cùng kỳ; một số địa phương giảm như Tiền Giang, Cần Thơ, trong khi Hậu Giang, Ðồng Tháp, Bạc Liêu và Cà Mau tăng đáng kể. Tính đến ngày 30-6-2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của toàn vùng là 19.052 tỉ đồng, đạt 34,9%, cao hơn mức bình quân cả nước (33,9%) nhưng vẫn thấp hơn so với mức bình quân cả nước khối địa phương (35,5%) và thấp hơn cùng kỳ 6 tháng năm 2019 (35,89%).

Thủ tướng chứng kiến công bố quyết định và ra mắt Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.  Ảnh: VGP/QUANG HIẾU

Tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ không bị âm, nhưng chỉ số GRDP đạt thấp, chỉ tăng 1,43%. Toàn thành phố có 8.562 doanh nghiệp và 1.925 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, vốn đăng ký 78.200 tỉ đồng. Có 705 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; trong đó, có 359 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động có thời hạn, 187 doanh nghiệp ngưng hoạt động, 45 doanh nghiệp giải thể. Khảo sát 1.600 doanh nghiệp cho thấy có 73,72% doanh nghiệp đối mặt với giảm doanh thu do tác động của dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, các địa phương kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ xem xét chấp thuận và có chủ trương giao các bộ, ngành tập trung nguồn lực, hoàn thành các dự án trọng điểm cho vùng ÐBSCL. Cụ thể, lãnh đạo TP Cần Thơ kiến nghị sớm triển khai giai đoạn 2 dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn ra vào Sông Hậu (qua kênh Quan Chánh Bố, nạo vét tiếp luồng Ðịnh An). Về Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, hiện các bộ, ngành đã có ý kiến thẩm định lần 1, nhà đầu tư đang điều chỉnh bổ sung. TP Cần Thơ dự kiến sẽ trình thẩm định lần 2 vào tháng 8, đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến và trình Thủ tướng chủ trương đầu tư Dự án này. Các tỉnh kiến nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư các dự án mang tính liên vùng. Hiện đang xúc tiến tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sau đó là Cần Thơ - Cà Mau, đồng thời tiếp tục nghiên cứu đầu tư tuyến đường ven biển nhằm kết nối với hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư, tạo sự đồng bộ thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ cần dành nguồn lực phát triển kinh tế biển để khai mở tiềm năng biển, đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh. Các địa phương còn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, hệ thống điện, chính sách hỗ trợ phát triển điện gió, kinh tế hợp tác…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một số địa phương còn bị động, một số chỉ tiêu đạt thấp, như: xây dựng nông thôn mới, tốc độ đô thị hóa, dự án FDI... Ðặc biệt, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, tỷ lệ huy động học sinh đi học thấp hơn mức trung bình của cả nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp… Thủ tướng lưu ý các địa phương cần kịp thời đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy tiêu dùng, tạo việc làm cho lao động. Lãnh đạo các tỉnh, thành có trách nhiệm triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch; quan tâm hệ thống doanh nghiệp, không để đổ vỡ doanh nghiệp, quan tâm đối tượng người nghèo, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Về phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cố gắng thúc đẩy, triển khai mọi giải pháp để tăng trưởng dương, GDP của toàn vùng không thấp hơn cả nước. Ðồng thời, phải giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%; bí thư, chủ tịch các địa phương phải ra tay để có mặt bằng thi công; tập trung phát triển một số ngành mới: kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế ban đêm, phát triển đô thị. Các nhà nghiên cứu nông nghiệp ở ÐBSCL nên tính toán việc nâng cao chất lượng hạt gạo; nhanh chóng phát triển lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ, cơ khí phục vụ nông nghiệp; hình thành các trung tâm dịch vụ thương mại ở các tiểu vùng, cấp vùng, các khu kinh tế biển, khu kinh tế ở cửa khẩu, khu logistics. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng cánh đồng thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cải thiện môi trường kinh doanh. Tăng cường quản lý tài nguyên môi trường. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tập trung đề ra giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tổ chức đại hội đảng các cấp theo đúng tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW tốt nhất, đoàn kết nhất, văn minh nhất, đặc biệt là chuẩn bị nhân sự cho Ðảng bộ, thực sự là đội ngũ trí tuệ, giàu nhiệt huyết, quyết tâm đưa vùng ÐBSCL tiến lên.

Dịp này, Hội đồng điều phối vùng ÐBSCL ra mắt. Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng. Các nội dung, lĩnh vực hoạt động của Hội đồng nhằm điều phối liên kết vùng ÐBSCL phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tin, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết