06/12/2023 - 08:59

Thay đổi tư duy, hành động để kinh tế ĐBSCL thích ứng bối cảnh mới 

ÐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm, đóng vai trò vựa lương thực quốc gia, đóng góp đáng kể cho an ninh lương thực thế giới. Bên cạnh những lợi thế vốn có, ÐBSCL còn đối mặt với các thách thức từ biến đổi khí hậu, xu hướng tiêu dùng mới, năng lực cạnh tranh yếu, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ… Ðiều này đặt ra yêu cầu ÐBSCL phải nhanh chóng thích ứng, chuyển mình sang các mô hình tăng trưởng mới, kinh tế xanh, kinh tế bao trùm…

Vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Bến Tre.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), ÐBSCL chiếm khoảng 20% dân số cả nước. Hằng năm số doanh nghiệp (DN) thành lập mới của ÐBSCL chiếm chưa đến 8% tổng số DN thành lập mới của cả nước, trong khi đó, tỷ lệ DN giải thể, rời bỏ thị trường chiếm đến hơn 13% tổng số cả nước. Ðây là tăng trưởng âm và mang nhiều rủi ro cho sự phát triển của đồng bằng trong tương lai. “Năm 2018, ngành cá tra của ÐBSCL có trên 240 DN, đến nay chỉ còn một nửa, ngành tôm có trên 150 DN, giờ còn khoảng 100 DN. Chúng ta thấy rằng, DN không thể đến một vùng đất còn nhiều khó khăn, hạ tầng không được đầu tư trong thời gian dài. Khi các DN chuyển đi nơi khác, giải thể người dân không có việc làm, họ đi mưu sinh khắp nơi, con cái không được học hành. Rồi từ chỗ không được học hành con cái họ lại phải mưu sinh khắp nơi là vòng lẩn quẩn. Ðiều đó cho thấy sự tụt hậu về trình độ, kiến thức sẽ đem đến những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng hiện tại và trong tương lai” - ông Nguyễn Phương Lam nói.

Trong bối cảnh mới, kinh tế Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng còn đối mặt thách thức: nền tảng kinh tế cao hơn, quy mô lớn hơn nhưng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thu nhập nội địa và thu nhập bình quân còn thấp; thể chế kinh tế thị trường cơ bản hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh; hệ thống quản trị vĩ mô, vi mô rất cần được nâng cấp sớm nhất; các nút thắt về thể chế, hạ tầng, nhân lực, công nghệ chưa có đột phá; nguy cơ tụt hậu xa hơn khi cách mạng Công nghiệp 4.0, các công nghệ mới “nhảy qua đầu”... Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, phân tích: “Lợi thế cạnh tranh của ta chủ yếu từ lao động giá rẻ, chính sách ưu đãi FDI, vị trí địa lý trong khu vực, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA)... Các lợi thế nền tảng chưa hình thành (chất lượng thể chế, nhân lực, trình độ quản trị, năng lực của DN trong nước, công nghệ, hạ tầng, các ngành công nông nghiệp, dịch vụ có năng suất cao, tạo giá trị gia tăng cao...). Do vậy vị thế cạnh tranh thấp, kém bền vững, khó theo kịp những yêu cầu mới để tham gia các chuỗi cung ứng (GSC/GVC) mới, tạo vị thế và năng lực cạnh tranh cao hơn. Bên cạnh đó, nội lực nền kinh tế còn yếu nhưng độ mở cao, các ngành lớn lệ thuộc vào vài thị trường lớn nên dễ bị rủi ro, chịu tác động nhanh, mạnh từ các biến động, xu hướng mới bên ngoài, nhất là từ các đối tác lớn”.

Bên cạnh những thách thức phải đối mặt, ÐBSCL cũng đón nhận nhiều cơ hội có thể kể đến như tận dụng các cam kết quốc tế trong các FTA thế hệ mới để cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng năng lực thể chế và năng lực cạnh tranh; tái cơ cấu nền kinh tế, tạo lợi thế so sánh mới để góp phần nâng vị thế Việt Nam trong các GSC/GVC hiện có; cơ hội chuyển đổi mạnh mẽ theo các xu hướng mới: kinh tế số, kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm, kết nối xanh...

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, mặc dù bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, nhưng ÐBSCL có những cánh đồng, có nước ngọt, đất phù sa màu mỡ và hơn hết có những con người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ðây là những lợi thế không phải nơi nào cũng có được. Ðể khai thác những lợi thế này, ÐBSCL phải tập trung vào những thị trường rộng lớn tiềm năng như Trung Quốc chẳng hạn. Bởi Trung Quốc 6 tháng mùa đông rất lạnh và nhu cầu lương thực rất cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Viên cũng lưu ý nông dân, DN ÐBSCL phải nhanh chóng chuyển đổi xanh vì đây là xu thế tất yếu mà thế giới đang hướng đến. “Nền nông nghiệp nước ta hiện nay là nông nghiệp lương thực chứ không phải nông nghiệp tốt cho sức khỏe. Chúng ta có những cánh đồng, vườn trái cây, rau màu… sao chúng ta không xanh hóa chúng? Và trước hết muốn xanh hóa nền nông nghiệp phải tạo được nhận thức xanh, chuyển đổi xanh và phải hành động. Trong đó, nhận thức xanh rất quan trọng để người dân, DN hiểu rõ xanh là như thế nào; phải làm gì trước, làm gì sau, phát triển kinh tế xanh tôi sẽ nhận được gì... Khi nhận thức, tư duy đã chuyển đổi thấu đáo, ÐBSCL sẽ hình thành lực lượng doanh nông trẻ khởi nghiệp xanh để dẫn dắt và lan tỏa” - ông Nguyễn Lâm Viên bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, kinh tế Việt Nam nói chung và ÐBSCL nói riêng đối mặt với cơ hội và thách thức mới từ bối cảnh kinh tế toàn cầu theo nhiều chiều, phức tạp, đan xen nhau. Do đó, DN cần thay đổi tư duy, nhận thức rõ và đầy đủ để có hướng đi bền vững dựa trên lợi ích quốc gia, nội lực mạnh, năng lực thích ứng tốt. DN cần tập trung điều chỉnh quan hệ với các đối tác lớn, giảm lệ thuộc nặng vào một số thị trường, tạo cân bằng có lợi và bền vững hơn cho Việt Nam; tăng cường học hỏi, hợp tác, ứng dụng công nghệ; tạo sức bật, đột phá mới từ công nghệ…

Một số ý kiến khuyến nghị, mỗi DN tự định vị, xây dựng chiến lược, chương trình hành động và tổ chức thực hiện kế hoạch ngắn và dài hạn; liên tục học hỏi, sáng tạo, linh hoạt thích ứng với biến động. Về phía các hiệp hội DN hỗ trợ, liên kết DN và các tác nhân khác; Nhà nước tiếp tục đổi mới luật pháp, chính sách, tạo thuận lợi cho DN và startup, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN…

Theo ông Nguyễn Phương Lam, một trong những nút thắt lớn nhất của ÐBSCL là hạ tầng thiếu và yếu. Chính phủ nhận thấy điều này nên có chính sách đầu tư lớn cho vùng giai đoạn 2020-2025. Khi hạ tầng từng bước hoàn thiện sẽ giúp cho ÐBSCL thu hút đầu tư tốt hơn. Một số DN của vùng cũng bắt đầu tiên phong chọn kinh tế xanh là hướng đi của mình. Hiện DN hoạt động trong ngành lúa gạo, trồng trọt áp dụng các giải pháp sản xuất xanh, an toàn rất tốt. Nếu cách làm này được nhân rộng ra trong các lĩnh vực khác sẽ là hướng đi đúng đắn, triển vọng, giúp cho nền kinh tế ÐBSCL đạt giá trị cao hơn. Mặt khác, trong cách tiếp cận thị trường, DN cũng cần linh hoạt. Trước đây, Facebook được coi là chỉ để giải trí nhưng giờ là công cụ bán hàng hiệu quả và bán hàng qua kênh Tiktok cũng trở thành xu thế. Ðiều đó cho thấy, DN nào nhạy bén, nhanh chóng chuyển đổi sẽ chớp được thời cơ và đạt được thành công như mong đợi.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết