25/01/2016 - 20:44

Tây Nam, biển gọi xuân về...

Bút ký  ĐĂNG HUỲNH

Bài 3: Du xuân biển đảo Tây Nam

Trước đây, nhắc đến du lịch ĐBSCL, du khách vẫn mặc định với khung cảnh sông nước hữu tình, cây trái sum suê. Nhưng những năm gần đây, biển xanh cát trắng của biển đảo Tây Nam thu hút khách bởi vẻ hoang sơ, quyến rũ.

* "Chầm chậm thôi!"

Đảo Hải Tặc (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) chiều cuối năm gió biển xôn xao, những chuyến tàu vội vã vươn khơi để câu mực đêm. Ánh hoàng hôn cứ chầm chậm buông trên đảo… Chị Nguyễn Thị Tú Linh, một du khách đến từ Long Xuyên, An Giang, nói với người yêu đang đi phía trước: "Chầm chậm thôi. Cảnh đẹp quá, cứ muốn ngắm mãi…".

Câu nói "Chầm chậm thôi!" của cô gái trẻ làm tôi liên tưởng đến cảnh vật và nếp sống nơi những hòn đảo Tây Nam mà tôi đã đi qua, chậm rãi, hiền hòa nhưng đầy lãng mạn. Đảo Hải Tặc ngày cuối tuần có hàng trăm du khách đến hòa vào dòng biển mặn để tìm sự thảnh thơi, uống trái dừa trồng tại bãi để cảm nhận vị ngọt đậm đà của dừa đảo. Tắm xong, những con cua ghẹ, mực, sò… tươi xanh chờ du khách trên bàn ăn dân dã kiểu miền biển. Không nhà nghỉ cao cấp, không khu vui chơi, giải trí hiện đại nhưng biết bao người vẫn chọn cách rời bến Hà Tiên, ngồi hàng giờ trên tàu khách để tìm nét hoang sơ của Hải Tặc.

Theo hải trình, mỗi ngày tàu HQ-637 ghé một đảo để thăm và làm việc, đến chiều tàu nhổ neo lênh đênh trên biển để sớm hôm sau lại ghé một đảo khác. Hòn Chuối, Hòn Khoai, Nam Du, Thổ Chu… đều có vẻ đẹp hoang sơ khó cưỡng. Đảo nào cũng có đồi núi cao chập chùng, cây xanh ngút mắt, chim rừng ríu rít như trong cổ tích. Đảo Nam Du ngày nào cũng có tàu cao tốc cặp bến từ Rạch Giá. Nam Du là đảo của sắc màu: màu xanh biển, của trời; màu tím của những đồi hoa mua ngan ngát lối đi; màu trắng của những bông lau lướt phướt... Ngày cuối tuần, Nam Du đón hàng trăm, có khi gần 1.000 du khách khiến xã đảo vui như hội. Họ tìm đến Bãi Mến để tắm biển, ăn hải sản; họ trải nghiệm một ngày làm ngư dân và đêm về, ai cũng chọn một nhà nghỉ bình dân ven biển để nghe sóng vỗ, cảm nhận cái se lạnh của gió biển và thêm yêu vị mặn mòi của biển. Để đi quanh đảo Nam Du, du khách chỉ cần tốn 100.000 đồng để các "nữ xế ôm" của đảo chở đi, chầm chậm nghe họ kể chuyện câu mực, câu tôm, chuyện sinh hoạt của ngư dân trên đảo.

 Nam Du nhìn từ đài quan sát của Trạm rada 600 đẹp như một viên ngọc.

Những du khách không phải là phượt thủ chuyên nghiệp cũng có thể trải nghiệm "một ngày làm ngư dân" ở Ba Hòn Đầm (Hà Tiên- Kiên Giang). Từ cảng Hòn Chông, chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ vượt trùng khơi, du khách đã đặt chân lên cụm 3 hòn đảo nằm gần nhau: Hòn Giếng, Hòn Dương và Hòn Đước. Điểm nhấn của chương trình là du khách sẽ được cùng người dân mò cua, sò, ốc… và giăng lưới đánh bắt hải sản trên biển. Trổ tài làm ngư dân, thả lưới bắt cá mú, bắt nhum, sau đó chế biến thành những món ngon hấp dẫn ngay trên bãi biển.

* Ngư dân làm du lịch

Kiên Giang là địa phương có thế mạnh du lịch biển đảo bậc nhất ở ĐBSCL. Theo thống kê của ngành du lịch Kiên Giang, năm 2015, gần 4,5 triệu lượt khách đã đến đây, với gần 2 triệu lượt khách lưu trú, tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 2.250 tỉ đồng. Trong số này, gần 80% lượng khách và doanh thu thuộc về du lịch biển đảo, xứng danh "biển bạc".

Đến các đảo xa, xem ngư dân làm du lịch mới cảm nhận được nét mộc mạc của người xứ biển. Ngay trên cảng cá Nam Du, tôi gặp và kết thân với anh Nguyễn Hoàng Đông, một người Cần Thơ có 17 năm lập nghiệp trên đất đảo. Ngày trước anh Đông đi tàu, sau này có con nhỏ, anh chọn buôn bán hải sản và rồi bén duyên du lịch lúc nào không hay. Anh Đông tìm cách cho con mực nặng đến vài ký có thể sống trong môi trường thau, chậu; cách chế biến sò điệp sao cho béo ngậy mà ngọt thanh… để làm hài lòng khách du lịch. Chàng trai 32 tuổi giờ đã có nhà nghỉ bình dân, bán hải sản tươi sống và chế biến sẵn, cho thuê xe máy quanh đảo… Anh Đông nói: "Đảo Nam Du này nhỏ. Buôn bán thiệt tình để du khách còn quay lại chứ gian dối, họ rỉ tai nhau chạy mặt mình luôn, khỏi làm ăn".

Đảo Hải Tặc thu hút du khách bởi những bãi tắm nước biển xanh biếc, cát trắng mịn.

Ở Nam Du, bãi tắm đẹp nhất vẫn là Bãi Mến hay còn gọi là Bãi Ông Già. "Ông Già" chính là cha chị Nguyễn Thị Cẩm Hường, chủ bãi tắm. Mời khách ly nước dừa xứ đảo, chị Cẩm Hường thiệt tình: "Ai nghĩ mình làm du lịch nơi xa xôi này đâu, chỉ nghĩ đi biển, làm khô bán kiếm sống thôi. Giờ thì dùng cái tâm thật tình của mình mà tiếp đãi khách phương xa". Khi vẻ đẹp tiềm ẩn của Bãi Mến được khám phá, chị Hường cùng gia đình mở dịch vụ ăn uống, cho thuê tàu lượn, tàu ra biển lặn ngắm san hô. Vẫn bộ đồ ngư dân bình dị, giọng nói rặt xứ biển và chiếc nón lá cứ tung lên vì gió biển, chị Cẩm Hường thu hút khách vì lẽ khác: cười tươi rói, thân thiện và trò chuyện với khách như người thân. "Chọn chuyên nghiệp, tiện nghi thì người ta đến các khu nghỉ dưỡng rồi, đâu tìm đến mình"- chị Hường lý giải.

Nhiều người gọi vui cách ngư dân làm du lịch là họ "bán cái thiệt tình". Nhưng để phát triển lâu dài, nhiều địa phương cũng đang hỗ trợ ngư dân làm du lịch một cách bài bản, chất lượng. Xã đảo Tiên Hải, thị xã Hà Tiên - đơn vị hành chính của Hòn Đốc (tức đảo Hải Tặc) là địa phương tiên phong trong việc giúp ngư dân phát huy tiềm năng của những bãi biển đẹp, hoang sơ, nước trong cát trắng như Hòn Đước, Hòn Tre Vinh, các bãi tắm ở Hòn Tre, Hòn Ụ, Hòn Giang… cùng với các địa danh, phong cảnh như: Cột mốc chủ quyền, Bến cảng thời Pháp, Dinh thờ Bà… Năm 2015, xã thực hiện mô hình Phát triển du lịch cộng đồng ở Tiên Hải với 17 hộ ngư dân tham gia, liên kết. Các ngư dân được đi học lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cộng đồng, hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất. Hiện nay, toàn xã Tiên Hải có 58 cơ sở kinh doanh các dịch vụ: nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và ẩm thực cũng đang liên kết chặt chẽ để phục vụ khách. Nhờ đó mà du lịch Tiên Hải trong năm qua đón hơn 30 ngàn lượt khách, doanh thu gần 8 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Bí thư Thường trực xã Tiên Hải, nói: "Du lịch cộng đồng trên đảo đang cải thiện đời sống ngư dân rất nhiều. Địa phương cũng đang tìm nhiều cách để du lịch biển đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Tiên Hải".

***

Thông tin từ Tổng Cục Du lịch, du lịch biển, đảo hiện đang chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta cũng đã xác định du lịch biển, đảo là bước đột phá để phát triển kinh tế biển và là một trong những định hướng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những ngư dân miền biển Tây Nam đang góp phần quan trọng vào nhiệm vụ chiến lược đó.

Bài cuối: Chuyến tàu chở nặng tình xuân

Chia sẻ bài viết